Thứ 6, 29/03/2024 04:53:57 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Văn hóa 07:21, 25/04/2015 GMT+7

Miếu Bà Rá - cái nôi tín ngưỡng thờ mẫu ở Bình Phước

Thứ 7, 25/04/2015 | 07:21:00 7,407 lượt xem
BP - Đạo Mẫu từ bao đời nay đã đi vào cuộc sống người Việt Nam nói chung và cư dân Nam bộ nói riêng. Trong tín ngưỡng thờ mẫu Nam bộ, nổi bật là thờ Bà Chúa Xứ ở núi Sam (thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang), thờ Linh Sơn Thánh Mẫu ở núi Bà Đen (thành phố Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh) và thờ Bà Rá ở phường Sơn Giang (thị xã Phước Long, tỉnh Bình Phước).

Ba vị thánh mẫu được thờ trên ba ngọn núi cao nhất Nam bộ, là vùng tiếp giáp biên giới. Từ tâm thức của người dân và khát vọng về một cuộc sống bình an, hạnh phúc đã dẫn đến việc đặt vị trí thờ tự như trên, đồng thời cũng nói lên mong muốn được bảo vệ, che chở tại một vùng đất phải đối đầu với nhiều cuộc chiến tranh xâm lược.

MONG ƯỚC ĐƯỢC BẢO VỆ VÀ CHE CHỞ

Theo lời kể của người dân sống lâu năm tại thị xã Phước Long, xa xưa vùng đất phía bắc Biên Hòa và Thủ Dầu Một (tức phía bắc tỉnh Sông Bé, trong đó có Phước Long) là vùng đất hoang vu, hiểm trở thuộc địa bàn cư trú của đồng bào các dân tộc Xêtiêng, Mơnông, Châu Mạ, Châu Ro... Bộ máy quản lý ở các buôn, sóc do già làng, sóc trưởng trực tiếp quản lý. Thời Pháp thuộc, Phước Long là quận Bà Rá thuộc tỉnh Biên Hòa. Thực dân Pháp đã biến nơi đây thành nhà tù đày ải những người chống lại chính quyền. Nỗi thống khổ của những tù nhân Bà Rá không sao kể xiết, đau ốm không có thuốc men, bị đánh đập dã man và lao động khổ sai phục vụ cho bọn tư bản đồn điền.

Người dân trẩy hội núi Bà Rá năm 2015 - Ảnh: Ngân Hà

Thiên nhiên khắc nghiệt cùng chế độ tàn bạo của thực dân, phong kiến là nỗi ám ảnh của người dân Bà Rá lúc bấy giờ. Trong bế tắc, đau khổ họ tìm đến thần linh (tức Chúa xứ nương nương) với mong ước được bảo vệ và che chở. Họ tin tưởng trước tấm lòng thành kính của mình sẽ làm cảm động Chúa Xứ Nương Nương - người cai quản đất Bà Rá, giúp họ tai qua nạn khỏi, ổn định cuộc sống. Niềm tin vào sự linh thiêng, phù hộ của thánh mẫu càng được củng cố và ăn sâu vào tiềm thức của người dân nơi đây. Năm 1943, người dân địa phương và các tù nhân trong nhà tù Bà Rá đã dựng miếu thờ để tạ ơn Bà. Sở mật thám Pháp đã chấp thuận (bút tích còn lưu giữ ở mặt sau bài vị Bà). Lúc này, miếu chưa có tượng thờ, chỉ có 3 miếng gỗ nhỏ ghép thành bài vị thờ tượng trưng, ghi 4 chữ Hán “Chúa Xứ Nương Nương”. Miếu có kích thước 1,5 x 2m bằng gỗ, lợp tranh, có tên gọi miếu Bà.

Năm 1956-1957, sau khi tỉnh Phước Long được thành lập, dân cư đông đúc, người đi lễ miếu ngày càng nhiều. Đường đi vào miếu không thuận tiện, được sự đồng ý của chính quyền địa phương, một số người dân đã di dời miếu lên sát đường lộ (cách nơi cũ 500m). Đến địa điểm thờ mới, một số người đã cúng 3 bức tượng thờ (tượng Bà) từ lúc này miếu mới có tượng thờ. Miếu được dựng bằng gỗ, lợp ni-lon, có diện tích 224m2 (28 x 8m), cửa hướng về phía nam. Trải qua nhiều lần trùng tu, miếu Bà Rá đã được nâng cấp khang trang, hài hòa cảnh quan và thuận tiện về giao thông như hiện nay.

GIÁ TRỊ LỊCH SỬ VÀ VĂN HÓA

Miếu Bà Rá không chỉ là nơi thờ cúng tín ngưỡng mà còn là một trong những chứng tích về sự xâm lược của thực dân Pháp, đế quốc Mỹ trên đất Bình Phước nói chung và thị xã Phước Long nói riêng. Miếu Bà cũng là nơi nhiều lần che chở, giúp đỡ chiến sĩ cách mạng hoạt động tại địa bàn núi Bà Rá.

Miếu Bà Rá thờ cúng là bà Chúa Xứ Nương Nương, được xem là tín ngưỡng thờ mẫu có ảnh hưởng lớn nhất đến đời sống tinh thần của người dân Bình Phước. Vào ngày rằm, mồng một hàng tháng hay các ngày lễ, tết nhân dân quanh vùng và các địa phương khác lại đến lễ Bà để cầu mong an lành, may mắn. Đặc biệt, lễ hội Bà Rá diễn ra trong 3 ngày (từ mồng 1 đến 3 tháng 3 âm lịch hàng năm) đã thu hút hàng ngàn khách thập phương trong, ngoài tỉnh hành hương về đây dự lễ.

Từ những giá trị trên, ngày 8-1-2015, UBND tỉnh xếp hạng miếu Bà Rá là di tích cấp tỉnh.                              

Diên Thủy

  • Từ khóa
91154

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu