Thứ 3, 19/03/2024 14:12:49 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 15:14, 22/08/2019 GMT+7

Miệt vườn thu nhỏ của thương binh Trần Thanh Sơn

Thứ 5, 22/08/2019 | 15:14:00 1,372 lượt xem
BP - Tham gia chiến trường và bị thương trong khi làm nhiệm vụ tại Campuchia, sức lao động chỉ còn lại 30% nhưng cựu chiến binh Trần Thanh Sơn ở thôn 7, xã Đoàn Kết (Bù Đăng) đã làm nên điều kỳ diệu giữa đời thường. Phẩm chất người lính Cụ Hồ thấm vào máu, với lối sống cần, kiệm, liêm, chính, hăng say lao động, ông trở thành triệu phú với mô hình kinh tế miệt vườn thu nhỏ.

30% còn lại làm nên tất cả...

Công tác ở Huyện đội Châu Thành (Tiền Giang) từ năm 1968, năm 1978-1979, thanh niên Trần Thanh Sơn tham gia chiến dịch biên giới Tây Nam trong binh chủng đặc công hỗ trợ tỉnh Long An. Trong một lần làm nhiệm vụ tại Campuchia, ông bị pháo ĐKZ làm thủng màng nhĩ, đa vết thương và được đưa về nước. Sau khi được điều trị, di chứng do chiến tranh đã theo ông mãi mãi, trở thành thương binh 3/4, bệnh binh hạng 2, mất sức 70%. Từ một thanh niên cường tráng, ông chỉ còn lại 30% sức lao động.

Nhà nông Trần Thanh Sơn (giữa) thăm vườn trái cây của gia đình

Rời quân ngũ, ông trở lại đơn vị làm Tham mưu trưởng Huyện đội Châu Thành. Sau khi huyện Châu Thành kết nghĩa với tỉnh Sông Bé, thành lập Nông trường điều Bù Đăng, ông được giao nhiệm vụ Giám đốc nông trường từ năm 1986-1989. Nông trường điều Bù Đăng hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp nhưng chủ yếu trồng và phát triển cây điều.

Khi kết thúc nhiệm kỳ, nhận thấy tiềm năng phát triển nông nghiệp của vùng đất mới rất lớn, “đất lành chim đậu”, ông quyết tâm lập nghiệp trên quê hương Bù Đăng. Có kinh nghiệm làm nông nghiệp, ông nhận định vào thời điểm đó không có cây Công nghiệp nào an toàn như cây điều. Bởi loại cây này ít sâu bệnh, tiết kiệm công chăm sóc nhưng thu nhập và sản lượng cao do đất đai màu mỡ, thời tiết thuận lợi, đặc biệt phù hợp tình hình sức khỏe của ông. Cơ thể có thể bị khiếm khuyết và hạn chế nhưng tinh thần thì không thể “khuyết tật”, đó là quan điểm sống của người lính Trần Thanh Sơn. Vì thế, với chút sức khỏe còn lại ông làm nên tất cả, một miệt vườn thu nhỏ tại xã Đoàn Kết và trở thành triệu phú ở miền cao này.

Miệt vườn thu nhỏ

Lựa chọn được cây trồng chủ lực, ông Sơn đã tính toán đến mô hình kinh tế kết hợp cho cây tiêu bám vào cây điều tận dụng bóng mát từ tán điều, phân bón, cây điều làm trụ vững chắc cho cây tiêu. Hiểu cây điều như đứa con của mình, nhà nông Trần Thanh Sơn cho biết: Với cây điều, mỗi người có cách chăm sóc khác nhau. Tôi chỉ bón phân 1 lần cho cây vào tháng 7, xịt thuốc 2-3 lần để trừ sâu bệnh, dưỡng trái. Vì ở miền Nam sương muối ít, xịt thuốc nhiều sẽ khiến cây điều bị ngộ độc. Ít ai biết một số loại thuốc chỉ có hiệu quả ở trong bóng mát, nếu xịt ngoài trời nắng sẽ không còn tác dụng.

Với diện tích 7 ha, trong đó có 6 ha điều xen tiêu, 1 ha cây ăn trái các loại, nhà nông Trần Thanh Sơn biến vườn của gia đình thành một miệt vườn thu nhỏ. Vị trí đất cao ông trồng điều xen tiêu, 1 ha đất thấp gần suối ngày ngày ông dành thời gian cải tạo bằng phẳng, lắp đặt hệ thống thoát nước và tưới đảm bảo các loại cây ăn trái phát triển tốt nhất như ở miền quê Tiền Giang của mình. Các giống cây ở quê hương được ông sưu tầm mang về đây trồng không thiếu loại nào từ mỗi chuyến thăm quê như măng cụt, chôm chôm Thái, nhãn tiêu, nhãn lồng, dâu, sầu riêng...

Để thành công trong sản xuất nông nghiệp, người nông dân cần dụng tâm nghiên cứu thổ nhưỡng, thời tiết để tìm ra mô hình nông nghiệp phù hợp thửa đất và sức khỏe của mình. Tôi chỉ tiếc sức khỏe yếu và tuổi đã cao trong khi vẫn ấp ủ rất nhiều điều muốn làm. Nhưng niềm đam mê trong tôi chưa bao giờ mất đi.

Thương binh Trần Thanh Sơn

“Những lúc rảnh rỗi hay mệt nhọc, tôi dạo quanh một vòng trong vườn nhìn các loại trái cây đua nhau khoe sắc chín mọng. Khi đó, những mệt mỏi sẽ tan biến hết, còn lại hương vị của quê hương. Chỉ cần đưa tay với lên cành cây thấp là đã có một chùm nhãn lồng, một chùm chôm chôm, vài trái măng cụt để nếm vị ngọt của cây trái miệt vườn” - nhà nông Trần Thanh Sơn nói.

Lao động ngoài mang lại niềm vui cuộc sống còn giúp nguồn thu nhập ổn định cho gia đình ông. Hằng năm, gia đình ông Sơn không xài đến tiền thu nhập từ cây điều và tiêu mặc dù loại cây chủ lực này mỗi năm đem về khoảng 300 triệu đồng, mà chỉ dùng đến khoản phụ thu từ các loại cây ăn trái và măng tre. Riêng măng tre trồng bao quanh bờ suối cho thu từ 200-300 ngàn đồng/ngày, đủ trang trải chi phí sinh hoạt gia đình. Vào mùa thu hoạch, gia đình ông Sơn tạo việc làm ổn định cho 10 lao động, giúp họ có thêm thu nhập.

Ông Trần Văn Anh, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Đoàn Kết cho biết: “Ông Trần Thanh Sơn là cựu chiến binh gương mẫu, từng làm Bí thư Chi bộ 7. Ông sống thân thiện, đoàn kết với mọi người. Dù sức khỏe có phần hạn chế do vết thương chiến tranh nhưng bản chất cần cù lao động đã giúp ông trở thành điển hình rất mẫu mực ở xã về tinh thần học và làm theo Bác, sống nêu gương trong cộng đồng. Ông là gương sáng ở xã Đoàn Kết cho mọi người noi theo”.

Ngọc Bích

  • Từ khóa
2303

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu