Thứ 6, 19/04/2024 07:27:40 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giáo dục 13:25, 14/12/2018 GMT+7

Miệt mài gieo chữ vùng biên

Thứ 6, 14/12/2018 | 13:25:00 292 lượt xem
BP - Tâm huyết, trách nhiệm, yêu nghề, cô giáo Triệu Thị Nhập (1985, dân tộc Nùng) luôn được đồng nghiệp, cấp trên và các thế hệ học sinh quý trọng. Là giáo viên dạy môn Giáo dục công dân, gần 10 năm qua, cô Nhập đã đào tạo nhiều thế hệ học sinh Trường THCS Đắk Ơ (Bù Gia Mập) đạt thành tích cao trong học tập, đặc biệt là xây dựng đạo đức, nhân cách của học sinh.

Tốt nghiệp ngành Giáo dục chính trị Trường đại học Tây Nguyên, năm 2008, cô giáo trẻ Triệu Thị Nhập về công tác tại Trường THPT thị xã Phước Long. Vì hoàn cảnh gia đình, năm 2012, cô xin chuyển về Trường THCS Đắk Ơ. Thời gian đầu, dù gặp nhiều khó khăn nhưng với lòng yêu nghề và nghị lực đã giúp cô vượt qua. Trong giảng dạy, cô luôn phấn đấu, rèn luyện, tích cực học hỏi kinh nghiệm từ đồng nghiệp. Giảng dạy môn Giáo dục công dân vốn được coi là môn phụ, cô đã tìm tòi phương pháp sinh động, linh hoạt trong từng bài giảng để học sinh dễ tiếp thu kiến thức. Cô chia sẻ: “Từ kinh nghiệm thực tế trong giảng dạy, tôi đã áp dụng một số phương pháp đặc trưng như: đàm thoại trực quan, thuyết trình nêu vấn đề và sử dụng công nghệ thông tin với các hiệu ứng, chương trình sinh động... giúp học sinh cảm thấy tự tin, gần gũi, thích thú môn học”.

Niềm vui của cô giáo Triệu Thị Nhập khi nhìn thấy học sinh đến lớp đầy đủNiềm vui của cô giáo Triệu Thị Nhập khi nhìn thấy học sinh đến lớp đầy đủ

Sau nhiều năm gắn bó với nghề, cô luôn trăn trở tìm phương pháp truyền đạt bài giảng hiệu quả và phù hợp, phát huy tính tích cực, chủ động của học sinh. Từ những sáng kiến, kinh nghiệm trong giảng dạy và bồi dưỡng nâng cao, cô có nhiều học sinh đạt thành tích cao tại các kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện và tỉnh. Em Trần Thị Thảo, học sinh lớp 9 cho biết: “Từ năm lớp 6 đến lớp 9, em đều học môn Giáo dục công dân do cô Nhập dạy. Cô luôn tận tâm, nhiệt tình giảng dạy. Trong quá trình học, cô đưa ra vấn đề sát thực tế giúp chúng em dễ hiểu bài hơn”.

Không chỉ giỏi chuyên môn, cô Nhập còn là nhân tố tích cực trong tuyên truyền vận động học sinh đến lớp. Trường đứng chân trên địa bàn biên giới, đời sống người dân còn nhiều khó khăn nên trước đây tỷ lệ học sinh bỏ học rất cao. “Mỗi lần lên lớp học sinh vắng nhiều, các thầy cô đều buồn. Mình đã cùng đồng nghiệp, Ban giám hiệu trường, các tổ chức đoàn thể và chính quyền xã rất nhiều lần đến tận nhà để vận động các em đến lớp. Tuy vất vả nhưng khi các em ra lớp thì lòng lại thấy vui và nhẹ nhõm” - cô Nhập nói.

Cô Nhập còn cùng đồng nghiệp vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ sách vở, học bổng, xe đạp... để kịp thời động viên, khuyến khích các em đến lớp. Vì vậy, tỷ lệ học sinh bỏ học giảm dần qua các năm, nhất là con em người dân tộc thiểu số. Hiện toàn trường có 1.364 học sinh, trong đó 420 em người dân tộc thiểu số. Trước đây, mỗi năm học, số học sinh bỏ học giữa chừng chiếm tỷ lệ cao, tuy nhiên với sự nỗ lực của tập thể cán bộ, giáo viên, công nhân viên, chất lượng giáo dục của trường đã không ngừng nâng lên. Điển hình năm học 2017-2018, tỷ lệ lên lớp thẳng đạt 98%, tốt nghiệp đạt gần 99%, chỉ có 19 học sinh bỏ học, giảm 15 em so với năm trước. Thành tích này có sự đóng góp không nhỏ của cô Nhập.

Thầy Mai Văn Khánh, Hiệu trưởng trường cho biết: “Cô Nhập là giáo viên gương mẫu, được Ban giám hiệu đánh giá rất cao. Trong nhiều năm qua, cô Nhập luôn đạt thành tích cao trong giảng dạy, bồi dưỡng nhiều thế hệ học sinh đạt giỏi cấp huyện, tỉnh. Bản thân cô đạt giáo viên giỏi cấp tỉnh, là nhân tố quan trọng của trường trong vận động học sinh đến lớp”.

Với những nỗ lực trong sự nghiệp “gieo chữ, trồng người” nơi biên giới, với cô Nhập, phần thưởng lớn nhất chính là thành tích học tập của học sinh. Nhiều năm liền, cô đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, giáo viên giỏi cấp trường, cấp huyện. Đặc biệt, năm học 2017-2018, cô đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, giáo viên giỏi cấp tỉnh. Cô còn được tặng thưởng nhiều giấy khen, bằng khen của các cấp, ngành, chính quyền.  

Bảo Anh

  • Từ khóa
88356

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu