Thứ 6, 29/03/2024 12:22:58 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 15:51, 01/11/2018 GMT+7

Miệt mài “gieo chữ” ở vùng biên

Thứ 5, 01/11/2018 | 15:51:00 1,498 lượt xem
BP - Với tình yêu nghề, mến trẻ, cô Nguyễn Thị Hồng, giáo viên Trường tiểu học Phước Thiện (Bù Đốp) luôn vượt qua khó khăn để “gieo chữ”, thắp sáng ước mơ cho học sinh vùng biên. Và cô đã trở thành “người lái đò” cần mẫn, ngày ngày thầm lặng cống hiến tuổi thanh xuân của mình cho hành trình tìm con chữ của các em vùng biên.

Tốt nghiệp Trường cao đẳng sư phạm Sông Bé năm 1993 với tấm bằng loại ưu, cô Nguyễn Thị Hồng xin về Trường tiểu học Phước Thiện công tác. Đến năm 2009, khi Nhà nước có chủ trương cấp đất cho đồng bào dân tộc thiểu số theo Chương trình 134 tại khu vực ấp Mười Mẫu, xã Phước Thiện, cô Hồng lại xung phong vào đây giảng dạy. Có dịp chứng kiến nỗi vất vả của cô giáo Hồng gần 10 năm “cắm bản” ở vùng sâu, vùng xa này, chúng tôi không khỏi khâm phục bởi cô đã hy sinh tuổi trẻ, vượt qua những trở ngại trong cuộc sống, thậm chí nhường cơm sẻ áo, đồng hành với học sinh.

Cô Nguyễn Thị Hồng cần mẫn dạy các em từng con chữ

Cô Hồng cho biết: “Gia đình vào Nam lập nghiệp từ trước năm 1975, bản thân sinh ra và lớn lên tại miền quê Bù Đốp, nên tôi thấu hiểu sự khó khăn của học sinh nơi đây. Sau khi ra trường, giảng dạy tại điểm chính một thời gian, tôi xung phong đến khu vực ấp Mười Mẫu, xã Phước Thiện để dạy học, thấm thoát đến nay cũng đã gần 25 năm. Học sinh ở đây 100% là đồng bào S’tiêng, Tày, Nùng... Đa số trẻ không được giao tiếp với xã hội nên vốn kiến thức về tiếng Kinh còn hạn chế. Để dạy học thuận lợi, chúng tôi phải thực hiện phương châm “ba cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng chia sẻ ngôn ngữ) với các em thì mới có thể dạy tốt được. Bản thân chọn nghề sư phạm do yêu nghề, được nhìn thấy các em tới trường mỗi ngày là món quà tinh thần lớn nhất đối với tôi. Ai cũng chọn nơi đô thị thì vùng khó khăn, biên giới ai sẽ tới dạy chữ cho các em. Vì thế tôi đã chọn nơi đây để gắn bó công tác” .

Sau bao nhiêu năm “cắm bản”, giờ đây cô Hồng cũng đã trở thành người dân bản địa thực thụ, cô thuộc làu từng con đường, từng nóc nhà của bà con. Trong những năm gần đây, việc học của các em cũng đã có nhiều đổi thay tích cực khi Nhà nước tăng cường quan tâm đầu tư, trường lớp đã được kiên cố hóa, đường đi lại thuận lợi hơn.

Nghĩ về những ngày đầu gian khổ đến gieo chữ ở vùng khó khăn, cô Hồng nhớ lại: “Khi đến đây, cơ sở vật chất rất thiếu thốn, điện không, nước sinh hoạt không... Chúng tôi phải ở nhờ nhà dân gần trường để tiện sinh hoạt, đến lớp. Trường lớp được làm bằng tranh tre, nứa lá. Gia cảnh các em đa số thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, cha mẹ quanh năm phải đi làm thuê. Đến mùa tựu trường, cái ăn của các em còn không có thì lấy đâu ra cặp sách, nhiều em vừa đi học vừa phải theo cha mẹ để mưu sinh. Bởi vậy không chỉ dạy học, giáo viên còn phải kết nối với các trường hoặc nhà hảo tâm để xin sách vở, quần áo cũ, có khi cả gạo, mắm, muối cho học sinh. Nhờ đó, không ít nhà tài trợ đã đến với điểm trường để hỗ trợ học sinh”.

Từ những đôi mắt trong sáng, nụ cười hồn nhiên của học trò chính là động lực tiếp thêm sức mạnh cho cô Nguyễn Thị Hồng nói riêng và đội ngũ giáo viên tại điểm lẻ 134 nói chung đã vượt qua khó khăn để hoàn thành tốt công việc. Chia tay các thầy cô giáo tại điểm lẻ 134, Trường tiểu học Phước Thiện, những người vẫn ngày đêm miệt mài “cắm bản” gieo mầm ước mơ cho học sinh vùng biên mà chúng tôi thấy ấm lòng.

Đức Trung

  • Từ khóa
2178

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu