Thứ 3, 23/04/2024 13:43:13 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 08:55, 22/08/2014 GMT+7

Mẹ lại tập đi

Thứ 6, 22/08/2014 | 08:55:00 101 lượt xem

BP - Tám mươi tuổi, mẹ tôi lại tập đi.

Sau cú đột quỵ, mẹ bị liệt nửa người bên trái, là bên thuận của mẹ. Những bước chân ngắn, run run của mẹ lần theo chân gậy. Tôi đỡ mẹ, chầm chậm bước theo. Chỉ một đoạn ngắn từ giường ra phòng khách mà hai mẹ con trầy trật mãi mới tới nơi. Lưng áo mẹ đẫm mồ hôi, tôi cũng thở hổn hển nhưng miệng luôn khuyến khích: Tốt lắm, mẹ giỏi lắm, chỉ vài bước nữa thôi, mẹ gắng lên nhé. Rồi nghe chị bạn tư vấn, tôi đến tiệm sắt đặt cho mẹ chiếc khung i-nox có gắn bánh xe. Mỗi sáng mỗi chiều, hai mẹ con lại đánh vật với nhau trên khoảng hành lang hẹp.

Nhìn xuống đôi bàn chân héo hon của mẹ, lòng tôi quặn thắt. Đôi chân này đã từng thoăn thắt làng trên xóm dưới, ngoài đồng ngoài chợ với đôi quang gánh lúc nào cũng nhằng nhẵng trên vai, bươn chải nuôi cả gia đình. Nhớ ngày mẹ còn làm hàng xáo, đi khắp trong làng mua lúa về xay giã thủ công chỉ để kiếm lời nắm cám nuôi heo và bao trấu để đun nấu. Thương đôi bàn chân phồng rộp của mẹ sau mỗi ngày gồng gánh, tôi bắt mẹ tập đi xe đạp. Qua vài lần loạng choạng và té ngã, mẹ cũng đi được. Từ đó, đôi chân mẹ không còn phồng rộp và lượng hàng hóa chuyên chở mỗi lần cũng nhiều hơn. Mẹ rất vui và tự hào vì biết đi xe đạp.

Vậy mà giờ đây chỉ vài bước chân, với mẹ trở nên xa vời vợi. Cái khoảng sân nhà mỗi sáng mỗi chiều từng rộn rã tiếng chổi quét lá của mẹ, giờ xa quá là xa. Bây giờ mẹ chỉ có thể ngồi ở cửa, nghiêng tai nghe tiếng trẻ con nô đùa ngoài ngõ. Mắt mẹ đã mờ nên những người đi qua ngõ mẹ không nhìn rõ mặt, chỉ có thể nhận ra họ ở tiếng nói, tiếng cười.

Ngày xưa, khi tập cho bốn chị em tôi những bước đi đầu tiên, mẹ đâu cần đến gậy hay chiếc khung i-nox. Mẹ đặt tôi ra phía trước rồi lùi lại giơ tay đón. Sau những bước loạng choạng và ngã vào vòng tay mẹ với tiếng cười nắc nẻ, bước chân tôi mau vững vàng hơn. Chỉ sau vài ngày tập đi, tôi đã có thể chạy đến với mẹ. Còn bây giờ tập đi cho mẹ, cả thân mẹ phải tỳ hẳn lên chiếc khung, thế mà mỗi bước chân vẫn ngắn ngủi, rụt rè và hụt hẫng. Biết đến bao giờ mẹ lại có thể tự đi!?

Chiều nay, lúc tập cho mẹ ở hành lang, tôi chợt thấy một người mẹ trẻ ở nhà trọ kế bên đang tập đi cho đứa con trai trên vỉa hè. Đôi chân còn yếu ớt của thằng bé cứ nhún nhảy trong chiếc xe tập đi của trẻ con và nó liên tục trườn hết bên này sang bên khác với một niềm hứng khởi cao độ. Tôi nhìn thằng bé rồi nhìn sang mẹ, chợt thấy câu phương ngôn “một đời người hai đời con nít”, “già trẻ bằng nhau” sao đúng quá. Tự nhiên thấy mắt cay xè. 

Những con đường từng in dấu chân mẹ vẫn trải dài và tỏa đi muôn phương. Những con đường gợi cho tôi bao nỗi niềm xót thương và tiếc nuối. Không còn bóng mẹ thấp thoáng nơi đầu đường cuối chợ. Bởi mẹ đã dừng lại để nhường bước cho đời cháu, đời con. 

L.T

 

  • Từ khóa
49700

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu