Thứ 5, 28/03/2024 22:52:37 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giải trí 08:56, 19/05/2019 GMT+7

Mẹ chồng chỉ muốn tốt cho con em!

Chủ nhật, 19/05/2019 | 08:56:00 420 lượt xem

Chị Ngọc Mai thân mến!

BP - Mẹ chồng em là người khó tính nổi tiếng. Về làm dâu, em luôn phải đối phó với tính xét nét, khó chịu của bà, luôn quản lý giờ đi - về của em; dòm ngó, soi xét mọi việc khiến em mất tự do. Mọi mối quan hệ của em đều bị bà dò hỏi, thậm chí nhận điện thoại bà cũng muốn biết đó là ai gọi đến, nam  hay nữ, thân hay không...? Để không xảy ra mâu thuẫn, bất hòa trong gia đình nên em phải kiềm chế rất nhiều. Nhưng gần đây, quan điểm bất đồng trong cách dạy con trai hơn 3 tuổi giữa em và mẹ chồng khiến em rất bức xúc, nhiều khi phản ứng luôn với mẹ và bà lại giận dỗi, làm em thêm buồn chán.

Mẹ chồng em vốn “tay hòm chìa khóa” trong gia đình nên từ trước tới nay, nhất nhất muốn mọi thành viên phải nghe theo sự sắp đặt của bà. Bà muốn giáo dục, dạy dỗ cháu nội theo cách của mình mà không cần đến ý kiến của vợ chồng em. Phận dâu con nên em không dám nói nhiều mà chỉ cự nự vài câu nhưng ấm ức lắm. Nếu tình trạng này kéo dài thì em phát điên lên mất. Em nói với chồng thì anh ấy lại bênh mẹ: “Mẹ thích thế thì em chiều đi, được mẹ dạy dỗ con càng tốt chứ có mất gì đâu...”.

Em nhận thấy mẹ chồng muốn tranh giành vị trí của em trong lòng cháu trai. Bà quá nuông chiều cháu nên mỗi khi đòi hỏi điều gì, em không muốn đáp ứng vô điều kiện để con biết chừng mực, hiểu rằng không phải đòi hỏi là được, thì con lại quay sang bà yêu cầu và bà đồng ý. Em sợ đến một lúc nào đó, con có cái nhìn lệch lạc coi bà là số một, chỉ bà là đáp ứng mọi chuyện cho con rồi xem thường ba mẹ, khó dạy bảo. Em còn lo tới việc con muốn gì được đó thì sau này sẽ còn đòi hỏi nhiều hơn, khi không đáp ứng được sự việc sẽ đi đến đâu? Giờ em không biết phải làm sao cho ổn thỏa?

 Minh Thư (Hớn Quản)

Minh Thư thân mến!

Tâm trạng làm mẹ mà phải chia sẻ tình cảm, cách dạy dỗ con với người khác, thậm chí lại phải đứng sau quyết định của ai đó thì quả không dễ chịu chút nào. Nhưng có lẽ theo chị, em đang quá khắt khe trong việc nhận định bà dạy dỗ cháu rồi đấy. Hãy thử mở lòng hơn khi nghĩ về tình cảm và cách cư xử của bà nội dành cho con theo hướng bà luôn muốn dành những điều tốt đẹp nhất cho cháu, em sẽ thấy mình đang được rất nhiều chứ không phải mất...

Đừng cho rằng, việc bà quan tâm tới cháu là “tranh con” của em. Là máu mủ, ruột rà, lẽ dĩ nhiên bà luôn muốn cháu “bện hơi” mình. Quan trọng là cách xử sự của em sao cho khéo léo để bà cháu quý nhau nhưng em vẫn khẳng định vị trí người mẹ, bà không thể “nhào nặn” theo ý mình mà phần định hướng quan trọng cho con vẫn do em. Với kinh nghiệm và sự quan tâm của bà thì cháu sẽ có nhiều thuận lợi. Tuy nhiên, em cũng cần cương quyết khi bà chiều cháu thái quá. Cương quyết nhưng phải lễ phép chứ không nói hỗn, thái độ không đúng mực. Giúp bà tự thấy, chiều chuộng để dẫn đến việc cháu đòi hỏi không biết điểm dừng là không nên. Nếu chưa thống nhất quan điểm, em cần chọn thời điểm hợp lý để cùng mẹ tìm ra “chân lý” trong cách dạy trẻ.

Trẻ con như búp măng, nếu ta dạy dỗ không đúng, không theo nguyên tắc thì trẻ sẽ có suy nghĩ lệch lạc về sau, rất khó uốn nắn. Nhưng em cũng không nên vì nóng vội mà nói lời khó nghe với mẹ chồng. Tốt nhất em nên tạo tình cảm thân thiết, gần gũi hơn với mẹ chồng. Em có thể đem những điều ngộ nghĩnh đáng yêu của con, tính cách chưa hay cần điều chỉnh làm đề tài chung chuyện trò với mẹ chồng và tham khảo mẹ hướng giải quyết... Để mẹ chồng thấy em rất coi trọng kinh nghiệm của bà thì sẽ dễ thống nhất cách dạy dỗ con hơn và khi có được sự đồng thuận với mẹ chồng, em sẽ không còn lo lắng nữa.

Ngọc Mai

  • Từ khóa
107949

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu