Thứ 6, 29/03/2024 22:03:47 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Pháp luật 10:35, 28/01/2015 GMT+7

Mất nhà vì vay tiền bằng hợp đồng bán đất

Thứ 4, 28/01/2015 | 10:35:00 2,360 lượt xem
BP - Vào những ngày cuối năm, vợ chồng ông Nguyễn Văn Hoàng ở ấp 6, xã Minh Hưng (Chơn Thành) phải chạy đôn chạy đáo tìm cách chuộc lại mảnh đất “cắm dùi” mình đã lỡ cầm để vay tiền. Nguy cơ cả nhà phải ra đường rất lớn. Vì chủ nợ đã “thương người vay” bằng một hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất (QSDĐ). Đây là hậu quả của việc vay tiền nhưng phải làm thủ tục sang nhượng QSDĐ để thế chấp.


  Vợ chồng ông Hoàng trong căn nhà tạm nguy cơ bị chủ nợ siết

Túng - tính liều

Năm 2009, vợ chồng ông Nguyễn Văn Hoàng vay Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn một khoản tiền. Tuy nhiên, do làm ăn thua lỗ, gia đình ông Hoàng lâm vào cảnh nợ nần. Ông Hoàng cho biết: “Chúng tôi từ miền Tây lên đây lập nghiệp bằng nghề trồng cây ăn trái. Sau khi có vốn, ngoài đầu tư chăm sóc vườn tiêu (gần 2.000 nọc) vợ chồng tôi đi mua xoài non (mua xoài lúc chưa ra trái, sau đó chăm sóc và thu hoạch). Việc mua xoài non liên tiếp thua lỗ, cộng với vườn tiêu đang cho thu hoạch chết hàng loạt nên gia đình tôi nợ ngân hàng quá hạn nhiều tháng không có khả năng trả”.

Trong lúc khó khăn, ông Hoàng được giới thiệu đến ông Nguyễn Viết Ngọ ở ấp 2, xã Minh Long (Chơn Thành) vay tiền. Sau khi thỏa thuận, ông Ngọ đồng ý cho ông Hoàng thế chấp GCNQSDĐ vay 600 triệu đồng. Bà Ngô Thị Dức (vợ ông Hoàng) nói: “Gia đình tôi phải ký hợp đồng sang nhượng mảnh đất cho ông Ngọ để vay tiền của ông ấy. Gia đình tôi không còn sự lựa chọn nào khác. Vì không trả được nợ ngân hàng sẽ phát mãi tài sản. Còn vay tiền của ông Ngọ gia đình tôi hy vọng có nhiều thời gian để trả nợ hơn. Vì vậy, chúng tôi mới ký hợp đồng sang nhượng đất để vay 600 triệu đồng”.

“Ngày 13-10-2010, ông Ngọ viết giấy cam kết chuyển nhượng QSDĐ để cho vay tiền, sau đó yêu cầu vợ chồng tôi ký vào giấy sang nhượng. Trong bản cam kết này có nội dung: Bà Dương Thị Thu (vợ ông Ngọ) đồng ý nhận chuyển nhượng thửa đất H.C 3691, thửa số 23, tờ bản đồ số 1 tọa lạc tại ấp 6, xã Minh Hưng với diện tích 19.965,9m2 do UBND huyện Chơn Thành cấp ngày 15-2-2009. Số tiền chuyển nhượng là 600 triệu đồng. Tuy là giấy cam kết chuyển nhượng QSDĐ nhưng ông Ngọ còn thòng thêm vào hợp đồng, “lãi suất 2%/tháng”, tiền lãi này tôi phải đóng 3 tháng 1 lần”” - ông Hoàng nói.

Sau khi ông Hoàng hết khả năng trả tiền, ông Ngọ đã cầm hợp đồng CNQSDĐ giữa hai gia đình ký ngày 14-10-2010 lên Phòng Tài nguyên và môi trường huyện Chơn Thành sang tên. Ngày 18-12-2012, UBND huyện Chơn Thành ra quyết định cấp giấy chứng nhận thửa đất cho bà Thu.

Ông Hoàng tố cáo: “Sau khi ra sổ cho vợ mình, ông Ngọ nhiều lần rao bán đất nhưng bị chúng tôi phát hiện và ngăn cản. Không bán được đất, ông Ngọ tìm cách “tống” gia đình tôi ra đường để lấy tài sản, đồng thời dùng lời lẽ hù dọa để uy hiếp gia đình tôi. Và việc ông Ngọ làm thủ tục sang nhượng QSDĐ của tôi cho vợ là sai quy định, có dấu hiệu lừa đảo”.

Chủ nợ có thực sự hào phóng?

Từ khi ông Hoàng hết khả năng trả nợ, ông Ngọ đã cộng số tiền lãi chưa đóng từ ngày 18-10-2012 đến ngày 15-2-2014 với số tiền nợ gốc thành tổng số nợ của ông Hoàng là 806 triệu đồng và làm một biên bản vay tiền khác với lãi suất hàng tháng 1,3%. Tài sản thế chấp vẫn là GCNQSDĐ trên. Tuy nhiên, vợ chồng ông Hoàng chỉ đóng được 1 quý với số tiền 31,2 triệu đồng rồi hết khả năng trả nợ.

Ông Ngọ cho biết: “Việc cho ông Hoàng vay tiền là do một người quen giới thiệu. Để không bị mất tiền tôi phải “nắm đằng cán”, buộc ông Hoàng phải làm thủ tục chuyển QSDĐ nếu không trả được nợ. Trong quá trình thực hiện hợp đồng này, ông Hoàng liên tiếp vi phạm. Đến cuối năm 2012, ông ấy không có khả năng trả nợ, tôi đã nhiều lần nhắc nhở nhưng vẫn không thực hiện. Tháng 2-2014, tôi phải cộng tiền lãi ông Hoàng còn nợ vào tiền gốc để làm lại một hợp đồng mới. Thấy hoàn cảnh khó khăn nên tôi đã giảm lãi suất xuống còn 1,3%/tháng nhưng ông ấy cũng chỉ đóng được 1 quý. Qua tìm hiểu được biết, gia đình ông Hoàng còn nợ nhiều người khác nên tôi phải sang nhượng đất cho vợ mình đứng tên. Bất cứ lúc nào ông Hoàng có tiền trả, tôi sẵn sàng làm thủ tục chuyển QSDĐ cho ông ấy ngay”.

Được biết, ông Hoàng đã kiện ông Ngọ ra tòa vì tội cố tình chiếm đoạt tài sản bất hợp pháp của người khác. Tuy nhiên, ông Ngọ vẫn tạo điều kiện cho ông Hoàng trả nợ. Ông Ngọ cho hay: “Có 3 phương án để ông Hoàng lấy lại QSDĐ. Nếu ông Hoàng không có khả năng trả nợ thì hai bên ngồi lại tính tổng số tiền lãi chưa đóng cộng với tiền gốc thành một khoản. Tôi sẽ cho ông Hoàng vay trong vòng 3 năm với lãi suất ngân hàng và mỗi tháng đóng lãi một lần. Nếu ông Hoàng không chịu phương án này mà muốn lấy đất ngay thì ông ấy có thể lấy tiền trả tôi. Tôi sẵn sàng làm các thủ tục để thu hồi số tiền đã cho ông ông Hoàng vay”...

Thế nhưng, ông Hoàng vẫn kiên quyết kiện ông Ngọ ra tòa vì tội lừa đảo. Vụ việc trên đang được Tòa án nhân dân huyện Chơn Thành thụ lý. Đây là một bài học đắt giá cho cả người vay và người cho vay. 

Nhất Sơn

 

  • Từ khóa
26306

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu