Thứ 4, 24/04/2024 13:05:45 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 09:38, 13/09/2014 GMT+7

Mất chức vì nói thẳng

Thứ 7, 13/09/2014 | 09:38:00 63 lượt xem

BP - Theo sách “Đại Nam chính biên liệt truyện”, Phạm Phú Thứ sinh năm Tân Tỵ - 1821, tại làng Đông Bàn, huyện Diên Phước, tỉnh Quảng Nam (nay thuộc thôn Nam Hà 1, xã Điện Trung, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam). Ông xuất thân trong một gia đình Nho giáo, cha là Phạm Phú Sung, mẹ là Phạm Thị Cẩm và là con gái một ông đồ. Tuy nhà nghèo, mẹ mất sớm, nhưng nhờ thông minh, chăm chỉ và từng được Tùng Thiện vương (Miên Thẩm) dạy dỗ nên ông Thứ sớm có tiếng là người học giỏi.

Năm Thiệu Trị thứ hai (1842), Phạm Phú Thứ dự thi Hương và đỗ Giải nguyên khi mới 21 tuổi. Năm Quý Mão - 1843, dự thi Hội và ông cũng đỗ đầu (Hội nguyên). Khi vào thi Đình, ông đỗ luôn Tiến sĩ cập đệ. Năm 1844, ông được bổ làm Biên tu. Năm sau - 1845, ông được thăng làm Tri phủ Lạng Giang (nay thuộc tỉnh Bắc Giang), rồi thăng làm Thị độc. Một thời gian sau, vì có tang cha, ông xin nghỉ. Năm Tự Đức thứ hai - 1849, ông được chuyển qua Viện Tập hiền làm chức Khởi cư chú (thư ký ghi lời nói và hành động của vua), rồi sang tòa Kinh diên (phòng giảng sách cho vua).

Năm 1850, thấy nhà vua ham vui chơi, lơ là việc triều chính, ông mạnh dạn dâng sớ can gián nên bị cách chức và giam ở nhà lao Thừa Phủ (Huế). Sau khi xét án, triều đình khép ông vào tội đồ (đày đi xa), song nhà vua cho rằng đó chỉ là “lời nói khí quá khích, không nỡ bỏ, nhưng răn về (tính) nóng bậy” nên ông chỉ bị đày làm “thừa nông dịch” (lính trạm chuyên chạy về việc canh nông) ở Phú Xuân.

Năm 1852, ông được khôi phục hàm Biên tu. Năm 1854, ông được cử làm Tri phủ Tư Nghĩa thuộc tỉnh Quảng Ngãi. Tại đây, ông tổ chức và vận động dân chúng lập được hơn năm mươi kho nghĩa thương để phòng khi chẩn tế cho dân. Với việc làm đó, ông được cử giữ chức Viên ngoại lang ở bộ Lễ. Năm 1855, ông được điều sang công tác quân sự để giải quyết cuộc bạo động của người Thượng ở Đá Vách (thuộc tỉnh Quảng Ngãi). Sau khi dẹp yên, ông được thăng chức Án sát sứ ở hai tỉnh là Thanh Hóa và Hà Nội.

Năm 1858, ông được chuyển về làm việc ở Nội các tại Huế. Năm 1859, ông xin về quê để dưỡng bệnh và cải táng mộ cha. Khi trở lại triều, ông dâng sớ xin đắp đê Cu Nhí, đào sông Ái Nghĩa, đồng thời xây dựng công sự bố phòng và luyện tập quân sự ở tỉnh nhà (Quảng Nam). Năm 1860, từ Nội các, ông được thăng chức Thị lang bộ Lại, rồi thăng làm Thự Tham tri của bộ này.

Đầu năm 1863, sau khi vua Tự Đức xét mấy điều khoản trong Hòa ước Nhâm Tuất còn có chỗ chưa thỏa, liền sung Phạm Phú Thứ làm Khâm sai vào Gia Định để hội với Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp đàm phán với quan soái Pháp và quan đại thần nước Y Pha Nho (Tây Ban Nha). Không hoàn thành nhiệm vụ, ông bị giáng một cấp. Tháng 5 năm 1863, ông được cử làm Phó sứ, cùng với Chánh sứ Phan Thanh Giản và Bồi sứ Ngụy Khắc Đản sang Pháp, Tây Ban Nha với nhiệm vụ xin chuộc lại 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ.

Tháng 2 năm 1864, sứ bộ về đến Huế. Sau đó, ngoài bản tường trình cốt để thuyết phục vua Tự Đức mau “cải cách việc học tập và phát triển công nghiệp”, Phạm Phú Thứ còn dâng lên vua 2 tác phẩm do ông làm trong chuyến đi, đó là Tây hành nhật ký và Tây phù thi thảo. Vua xem cảm động, có làm một bài thơ để ghi lại việc này. Được tin cậy, nhà vua thăng ông làm Tham tri bộ Lại.

Năm 1865, ông thăng chức Thượng thư bộ Hộ, sung Cơ mật viện đại thần. Ở chức việc này, ông đã mật tâu xin đặt 4 tuyên phủ sứ ở Quảng Trị, Bình Định, Nghệ An và Hưng Hóa; đồng thời xin đặt “trường giao dịch chợ búa, sửa thuế thương chính, lập thổ tù” ở các nơi ấy để làm “mạnh vững nơi biên phòng”, nhưng việc rút cục không thành.

Lời bàn:

Mới 21 tuổi đã đỗ Giải nguyên trong kỳ thi Hương, 22 tuổi đỗ thủ khoa kỳ thi Hội, 23 tuổi đỗ đầu bảng Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa Quý Mão - 1843. Chỉ với nhiêu đó cũng đủ cho thấy ông là một người có học vấn sâu rộng, một trí thức có tài và dũng cảm. Thế nhưng, cũng chính vì đức tính cương trực mà con đường làm quan dài 38 năm của Phạm Phú Thứ lại có lắm bước gập ghềnh, thăng giáng, không được bằng phẳng do không chịu nhắm mắt làm ngơ trước quyền uy. Thấy vua trẻ ham mê vui chơi, lơ là việc triều chính trong lúc đất nước đang đứng trước nguy cơ ngoại xâm nên đã dũng cảm dâng sớ can gián nhà vua với lời lẽ thẳng thắn và thiết tha: ... Chốn triều đình lâu không han hỏi, thần tử ở bốn phương, phủ huyện cũng lâu không được thừa chỉ, thanh vấn...

Người xưa vẫn thường nói: Làm bạn với vua khác nào làm bạn với hổ. Chắc chắn Phạm Phú Thứ là người hiểu rõ điều này. Song, dẫu là “con trời” nhưng không phải thì ông vẫn cứ can ngăn và sẵn sàng chịu hình phạt. Gương sáng thời xưa là vậy, tiếc rằng hậu thế thời nay không phải ai cũng học và làm theo được. Cho nên ở đâu đó mới có người lúc nào cũng chỉ biết nói lời ngon ngọt, rồi sẵn sàng bằng mọi giá làm cho cấp trên hài lòng... lẽ tất nhiên là quan lộ của những người này thường được hanh thông. Bởi thế, thời nào cũng vậy, đường đến với dân chủ, công bằng... xem ra không hề bằng phẳng!

N.V

 

  • Từ khóa
109579

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu