Thứ 6, 29/03/2024 02:51:16 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 08:02, 17/09/2016 GMT+7

Mạo hiểm với cây giống bán dạo

Vũ Nam
Thứ 7, 17/09/2016 | 08:02:00 704 lượt xem
BP - Cứ vào mùa mưa, tình trạng bán cây giống dạo trên địa bàn tỉnh lại tái diễn và khó kiểm soát. Việc bán cây giống dạo không đảm bảo chất lượng, không rõ nguồn gốc, không có chứng chỉ hành nghề dịch vụ… là hành vi vi phạm pháp luật.

“CẦN CÂY GIỐNG GÌ TÔI ĐỀU CÓ...”

Nắm bắt tâm lý người nông dân thích “giá rẻ và thuận tiện”, những người bán cây giống dạo thường đổ xô đến Bình Phước hành nghề vào mùa mưa - mùa xuống giống các loại cây trồng. Vào thời điểm này, dọc đường về các huyện Bù Đăng, Bù Gia Mập, Bù Đốp... dễ dàng bắt gặp hình ảnh những chiếc xe máy “dã chiến” với các lồng, sọt chở cây giống bán dạo.

Người bán cây giống dạo len lỏi khắp vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh để hành nghềNgười bán cây giống dạo len lỏi khắp vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh để hành nghề

Mỗi mùa mưa, ông H.V.K quê ở Thanh Hóa lại vào Bình Phước mưu sinh với nghề bán cây giống dạo. Ông K cho biết: “Tôi làm nghề được gần 8 năm. Trước đây, tôi bán ở tỉnh Bình Dương, sau này mới chuyển lên Bình Phước, vì ở đây nông dân có nhu cầu nhiều nên dễ bán hơn. Mùa khô, tôi về quê làm ruộng hoặc đi phụ hồ, chờ đến mùa mưa tiếp tục quay lại Bình Phước và các tỉnh lân cận hành nghề”.

Ông K cởi mở cho biết thêm: “Cây tôi lấy từ vựa giống tư nhân tại tỉnh Đồng Nai, chủ yếu là các loại cây trồng làm nọc tiêu, cây lâm nghiệp (sao, dầu, keo lai...) và một số loại cây theo đơn đặt hàng. Sau khi nhập hàng, tôi rong ruổi bán ở khắp các vùng nông thôn của tỉnh Bình Phước. Ngày trúng mối, tôi lời 2 triệu đồng, ngày bình thường cũng kiếm được 200-300 ngàn đồng”.

Tương tự ông K, anh N.H.S, SN 1973, cũng quê Thanh Hóa, mưu sinh bằng nghề bán cây giống dạo được gần 10 năm. Anh S cho biết thời gian đầu vào miền Nam anh bán cây giống dạo ở TP. Hồ Chí Minh. Anh S có chiếc xe máy cà tàng, nhập cây giống ở huyện Bình Chánh và bán dạo trên các con đường của quận 5, quận 6. Một ngày đi không dưới 100km để bán nhưng hàng vẫn ế ẩm. Sau bạn bè mách mối, anh S lên Bình Phước bán nhiều loại cây giống lâm nghiệp. “Người mua cần cây giống gì, tôi đều có để cung cấp” - anh S nói.

ÍT QUAN TÂM CHẤT LƯỢNG, XUẤT XỨ

Anh Đinh Duy, ngụ ấp 6, xã Nghĩa Trung, huyện Bù Đăng cho biết: “Nhà có mấy sào tiêu, đợt nắng hạn năm nay một số nọc sống bị chết cần được thay thế. Mặt khác, muốn mở rộng diện tích canh tác, nên tôi đã mua 700 cây lồng mức về trồng làm trụ cho tiêu leo, với giá 2.000 đồng/cây. Tôi mua giống của những người bán dạo, vừa thuận tiện vừa rẻ, không phải tốn công đi mua ở các cơ sở cây giống trong tỉnh”.

Cây giống bán dạo không rõ nguồn gốc vẫn được nhiều nông dân trong tỉnh mua mà không quan tâm đến hậu quảCây giống bán dạo không rõ nguồn gốc vẫn được nhiều nông dân trong tỉnh mua mà không quan tâm đến hậu quả

Ông Tô Đoàn Danh ở ấp 1 cùng xã với anh Duy cũng vừa mua 500 cây lồng mức từ những người bán dạo để trồng với giá tương tự. Được hỏi về chất lượng cây giống, ông Danh nói: “Vì là cây trồng để làm trụ nên cứ dễ sống là được, không quan trọng nguồn gốc, nơi sản xuất”.

Không riêng gì anh Duy, ông Danh, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh có thói quen mua cây giống của những người bán dạo vì giá vừa rẻ vừa không phải tốn công đi mua. Còn về chất lượng có đảm bảo hay không và có nguồn gốc sản xuất từ đâu, hầu như bà con ít quan tâm.

KHUYẾN CÁO CỦA NGÀNH NÔNG NGHIỆP

Trao đổi về tình trạng bán cây giống dạo, ông Lê Xuân Trí, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn) cho biết: Tình trạng bán giống cây dạo rất khó kiểm soát. Đối tượng bán cây giống dạo thường nhắm đến những nông dân ở vùng sâu, vùng xa. Hầu hết loại cây giống bán dạo đều được nhập từ những nơi sản xuất chưa qua kiểm định chất lượng, không rõ nguồn gốc nên giá thành rẻ. Việc kiểm định chất lượng, xuất xứ đối với những giống cây này rất khó, vì người bán không có chứng từ, hóa đơn và không chứng minh được nguồn gốc sản phẩm.

Ông Lê Xuân Trí khuyến cáo nông dân không nên mua cây giống bán dạo, “trôi nổi” để tránh hậu quả đáng tiếc về sau. Khi mua phải những giống cây kém chất lượng và không rõ nguồn gốc, người dân sẽ không được đền bù thiệt hại và phải chịu tổn thất về tiền của, công sức, thời gian trong suốt quá trình trồng, chăm sóc.

SẼ BỊ PHẠT TỪ 1-70 TRIỆU ĐỒNG

Ngày 6-5-2016, Chính phủ ban hành Nghị định số 31/2016/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật (có hiệu lực từ ngày 25-6-2016).

Theo đó, đối với các hành vi vi phạm quy định về kinh doanh, quản lý giấy phép, chứng chỉ hành nghề giống cây trồng như không có địa điểm kinh doanh và cơ sở vật chất kỹ thuật phù hợp với từng loại cây trồng, từng cấp giống; kinh doanh giống cây trồng hết hạn sử dụng; kinh doanh giống cây trồng không có tên trong danh mục giống cây trồng được phép sản xuất - kinh doanh tại Việt Nam hoặc giống chưa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận là giống cây trồng nông, lâm nghiệp mới; sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề về giống cây trồng của người khác để hành nghề... sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính tùy theo mức độ từ 1-70 triệu đồng. 

 

  • Từ khóa
93074

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu