Thứ 7, 20/04/2024 20:44:49 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 10:54, 29/06/2014 GMT+7

Nhận diện tình trạng say nắng

Chủ nhật, 29/06/2014 | 10:54:00 500 lượt xem
BPO - Mùa hè, nhiệt độ và độ ẩm tăng cao, gây không ít các vấn đề về sức khỏe, trong đó tình trạng say nắng (đột quỵ nhiệt) khá phổ biến và gây ảnh hưởng đến nhiều người.

Mùa hè, nhiều người dễ bị say nắng. Ảnh minh họa: internet

Tình trạng say nắng xảy ra khi nhiệt độ cơ thể tăng lên bất thường (trên 40 độ C), đồng thời đi kèm với các triệu chứng thể chất liên quan đến hệ thần kinh. Tình trạng say nắng có thể dễn đến tử vong nếu nạn nhân không được sơ cứu kịp thời và đúng phương pháp.

Theo các chuyên gia, cơ thể thường tạo ra nhiệt thông qua quá trình trao đổi chất, và nhiệt độ cơ thể được điều hòa nhờ quá trình bốc hơi nước hoặc đổ mồ hôi.

Tuy nhiên, trong mùa hè nhiệt độ, độ ẩm cao, kết hợp với các hoạt động thể chất mạnh mẽ dưới ánh nắng mặt trời, khiến cơ thể không thể cân bằng được nhiệt độ, dẫn đến làm tăng thân nhiệt, đôi khi lên đến 41,1 độ C hoặc cao hơn.

Một trong những nguyên nhân chính gây nên tình trạng say nắng là do cơ thể bị mất nước, khiến cơ thể không thể bài tiết mồ hôi giúp điều hòa nhiệt độ, làm tăng thân nhiệt.

Say nắng được phân làm hai loại: say nắng do gắng sức ở ngoài trời nắng và say nắng do nhiệt độ cao trong không khí gây ảnh hưởng đến thân nhiệt.

Những đối tượng có nguy cơ cao bị say nắng bao gồm trẻ sơ sinh, người cao tuổi mắc các bệnh liên quan đến tim, phổi, thận và đang dùng thuốc điều trị, các vận động viên hoặc những người phải lao động nặng ngoài trời nắng…

Các triệu chứng và dấu hiệu say nắng

Tùy thuộc vào thể trạng, mỗi người có các triệu chứng và dấu hiệu say nắng khác nhau như: buồn nôn, mệt lả, nhức đầu, chuột rút cơ bắp gây đau nhức, chóng mặt.

Các dấu hiệu cảnh báo nguy cơ bị say nắng bao gồm: thân nhiệt cao, da không tiết mồ hôi, khô đỏ hoặc mặt đỏ bừng do nóng, mạch nhanh, khó thở, hành vi kỳ lạ, ảo giác, nhầm lẫn, dễ kích động, mất phương hướng, co giật và hôn mê.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết, một số người có thể bị say nắng đột ngột và nhanh chóng mà không có những dấu hiệu cảnh báo trước.

Cách sơ cứu nạn nhân bị say nắng

Nạn nhân say nắng phải được sơ cứu kịp thời để tránh gây tổn thương các cơ quan trong cơ thể.

Trước hết, cần đưa nạn nhân đến khu vực râm mát, cho mặt thoáng mát, làm mát cơ thể bằng nước mát, đặt túi chườm nước đá vào vùng nách và bẹn, cho nạn nhân uống các loại thức uống lạnh không chứa cồn hoặc cafein. Sơ cứu đến khi cơ thể hạ xuống khoảng 38.3 độ C.

Trong trường hợp sau khi tiến hành các biện pháp sơ cứu trên, tình trạng say nắng của nạn nhân vẫn không thuyên giảm, thân nhiệt vẫn cao, bạn cần đưa nạn nhân đến ngay bệnh viện.

Phương pháp ngăn ngừa say nắng:

Các biện pháp quan trọng nhất để ngăn ngừa say nắng là tránh để cơ thể bị mất nước, đồng thời hạn chế các hoạt động thể chất mạnh mẽ trong thời tiết nóng và ẩm, đặc biệt là ở ngoài trời nắng.

Trong trường hợp bạn phải thực hiện các hoạt động thể chất trong thời tiết nóng, nên uống nhiều nước (như nước và thức uống dành cho các vận động viên). Tránh uống rượu và các loại thức uống có chứa cafein (bao gồm cả nước ngọt và trà), vì có thể gây ra tình trạng cơ thể bị mất nước.

Ngoài ra, nếu phải thực hiện các hoạt động với cường độ cao ở ngoài trời vào lúc nắng gắt, trong thời gian dài, bạn cần phải bổ sung thêm các chất điện giải (như natri) khi bị đổ mồ hôi quá mức.

Cuối cùng, bạn cần thường xuyên nghỉ ngơi, đội mũ rộng vành, mặc quần áo màu sáng, nhẹ, rộng rãi và thoáng để giữ mát cho cơ thể giúp ngừa say nắng.

Nguồn PNO 

  • Từ khóa
55958

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu