Thứ 6, 29/03/2024 15:59:20 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 08:42, 22/09/2018 GMT+7

Mang niềm vui đến mọi người

Thứ 7, 22/09/2018 | 08:42:00 144 lượt xem
BP - Trong cuộc sống, có nhiều cách cho đi nhưng với đội lân chùa Thanh Cảnh, xã Tân Khai (Hớn Quản) lại mua vui cho đời bằng việc biểu diễn lân từ thiện, đem lại niềm vui, tiếng cười cho mọi người. Qua đó, góp phần vực dậy phong trào, khơi dậy đam mê múa lân của lớp trẻ, hướng các em hành thiện, gieo điều tốt cho đời.

Câu chuyện mọi người kể về những con người giàu nhiệt huyết của đội lân từ thiện chùa Thanh Cảnh đã xua đi tiết trời mùa thu se lạnh của những ngày tháng 8 âm lịch. Anh Trương Phú Dũng (44 tuổi), ở ấp 1, xã Tân Khai cho biết: “Đội thành lập năm 2013, đến nay có 15 thành viên. Họ đều là những phật tử của chùa, có thể là người làm thuê tự do, thợ hồ, sửa xe, làm nông, buôn bán nhỏ, trong đó có 3 thành viên là học sinh. Vì vậy, việc tập luyện cũng phải được sắp xếp “ngoài giờ hành chính””. Gia đình anh Dũng có 3 thành viên tham gia đội, trong đó 2 con trai học lớp 11, lớp 12, Trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh. Các con anh rất mê múa lân, ngoài học từ cha và thành viên trong đội, các em còn học trên mạng. Sáng dậy, hai em tập các động tác cho thuần thục như lân nhảy, cách đứng lên vai người, cách đi lên cao... Một trong những thành viên đam mê không kém là anh Nguyễn Văn Thanh (25 tuổi) làm việc tại một cơ sở sắt thép ở xã Tân Khai. “Khi có lịch đi múa lân, em xin chủ về sớm, hôm sau làm bù. Ông chủ cũng vui vẻ tạo điều kiện cho em tham gia” - anh Thanh bày tỏ.

Anh Nguyễn Văn Thanh (ông địa) cùng đội chụp hình lưu niệm sau khi biểu diễn từ thiện ở chùa Bảo Quang, huyện Bù Đốp dịp tết Nguyên đán 2018

Ban đầu, đội chủ yếu biểu diễn ở chùa khi có sự kiện quan trọng. Biểu diễn lâu dần “có tiếng”, nhiều tổ chức, cá nhân mời, đội “lấn sân” phục vụ bên ngoài. Cách đây 3 năm vào mồng 2 tết Nguyên đán, anh Dũng cùng đội đi múa. Với vị trí đầu lân, vì leo cao theo yêu cầu của gia chủ, một tay anh cầm đầu lân, một tay vịn thang để leo. Đến lúc leo xuống chuẩn bị kết thúc bài múa, anh nhảy ra khỏi thang bị trật chân, giãn dây chằng. Mất cả năm chân anh mới bình phục trở lại nhưng yếu đi nhiều, vậy mà anh không hề nao núng. Hiện anh vẫn biểu diễn ở vị trí đòi hỏi thao tác đơn giản, nhẹ nhàng những khi đội thiếu người để “viết tiếp” đam mê.

Anh Dũng cho biết thêm: “Ngày mới thành lập, chùa Thanh Cảnh mời 2 thành viên trong đội lân cũ của xã Tân Khai về hướng dẫn tập luyện. Thông thường, đội lân do những người từng học võ tham gia nhưng đội chúng tôi chủ yếu tay ngang. Chúng tôi múa khi nào mệt thì nghỉ chứ không phải làm để kiếm tiền. Do đó, đội chủ yếu múa theo kiểu truyền thống, dựa vào tiết tấu của tiếng trống để biểu diễn động tác cho phù hợp. Còn ở mấy trường võ, họ múa chuyên nghiệp, có thể múa theo bài do gia chủ yêu cầu với chi phí thỏa thuận”.

Tôi hỏi: “Hành thiện bao năm, xuôi ngược khắp nẻo đường trong tỉnh, có bao giờ đội được cho tiền sau khi biểu diễn?”, anh Dũng bật mí: “Có chứ, đôi lúc gia chủ thương, cho tiền sau khi múa, đội sung vào quỹ hoạt động dùng sửa xe hay đổ xăng, mua sắm, sửa chữa thiết bị biểu diễn”. Kỷ niệm vui buồn cũng đong đầy theo các anh trong những lần biểu diễn. Vui bởi tiếng cười, niềm hoan hỷ, tôn trọng đội lân của gia chủ. “Em nhớ có lần đi múa cho một trường học ở xã Minh Hưng (Chơn Thành), lúc ấy chùa chưa có xe chở nên đội phải thuê xe hết 600 ngàn đồng, múa xong trường hỗ trợ 500 ngàn, cả đội phải đóng góp bù lỗ nhưng ai cũng vui” - anh  Thanh kể.

“Tôi cho con tham gia đội lân do đang tuổi mới lớn, muốn tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích, tránh sa vào các tệ nạn xã hội, đồng thời dìu dắt con làm những việc thiện, có ích cho đời” - anh Dũng chia sẻ. Cùng quan điểm, anh Thanh cho rằng, trở thành phật tử của chùa, tham gia đội lân, ngoài được sống với đam mê, các em còn được học những điều hay lẽ phải, sống tốt đời, đẹp đạo. “Tôi tham gia đội lân được rèn luyện sức khỏe nên ít có thời gian chơi ở ngoài, hạn chế sa vào các tệ nạn xã hội. Đồng thời, tôi được những phật tử lớn tuổi trong đội dìu dắt, định hướng những điều hay lẽ phải, cách đối nhân xử thế với cha mẹ, với đời. Trước đây tôi rất nóng tính, gặp việc gì không hài lòng là có thể bộc phát, thậm chí gây gổ nhưng giờ đi múa lân, tham gia học giáo lý, được dìu dắt, tu học, tôi đã chín chắn, chững chạc, điềm đạm hơn nhiều” - anh Thanh nói.

Thanh Mai

  • Từ khóa
61152

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu