Thứ 5, 25/04/2024 13:50:57 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 12:26, 09/07/2016 GMT+7

Ma trận phân bón

Thứ 7, 09/07/2016 | 12:26:00 130 lượt xem

BP - Bình Phước đang vào mùa gieo trồng nhưng vấn đề trồng cây gì không còn là câu chuyện thời sự đối với người dân, bởi người dân trong tỉnh đang rơi vào “ma trận” của phân bón giả, kém chất lượng. Vì việc sử dụng phân bón là yếu tố quyết định năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế vườn cây của người dân. Hơn nữa, kinh phí mua phân bón chiếm khoảng 50% chi phí đầu vào trong sản xuất nông nghiệp.

Theo thống kê, ngành nông nghiệp nước ta hiện có khoảng 10 loại cây trồng chủ lực nhưng có hơn 7.000 loại phân bón là sản phẩm của 500 nhà sản xuất. Bên cạnh đó, cả nước có khoảng 30 ngàn đơn vị kinh doanh lĩnh vực phân bón. Việc quá nhiều chủng loại phân bón sẽ gây khó khăn cho ngành chức năng trong kiểm soát chất lượng và tạo điều kiện cho phân bón giả, kém chất lượng tràn vào thị trường. Người dân rất khó phân biệt, phát hiện hàng giả, hàng kém chất lượng. Hệ lụy của việc mua, sử dụng phân bón giả, kém chất lượng là đẩy người dân vào cảnh “trắng tay” vì năng suất cây trồng kém, nợ tiền đầu tư... Đặc biệt là đất đai bị thoái hóa, bạc màu không có giá trị sử dụng.

Các nhà sản xuất phân bón chân chính cho rằng, phân bón giả, kém chất lượng tràn lan như hiện nay bởi có thị trường tiêu thụ hết sức tiềm năng với nhu cầu 10 triệu tấn/năm. Bên cạnh đó, chế tài chưa đủ mạnh để xử lý các sai phạm trong sản xuất - kinh doanh phân bón mà mới chỉ dừng lại ở xử phạt hành chính. Và sự dễ dãi của chính quyền, cơ quan chức năng một số nơi đã vô tình tiếp tay cho phân bón giả, kém chất lượng có đất sống. Không ít doanh nghiệp sử dụng cuốc, xẻng, máy trộn bê tông... để “sản xuất” phân bón bán ra thị trường. Ngay tại Bình Phước, cũng có không ít doanh nghiệp sản xuất phân bón với công nghệ thô sơ. Số ít đơn vị đầu tư bài bản hệ thống dây chuyền sản xuất hiện đại. Có doanh nghiệp tập kết phân gà, than bùn... trong khu dân cư trộn lại thành phân bón để rồi khi mưa xuống, nước chảy gây ô nhiễm môi trường xung quanh. Cũng có người dân mua phân bón trôi nổi trên thị trường về bón cả tháng trời không tan hoặc nhiều vườn cây bị cháy vì hàm lượng một số hóa học vượt mức quy định là chuyện không hiếm ở tỉnh ta trong thời gian qua. 

Bình Phước hiện có khoảng 450.000 ha cây trồng các loại, đây là thị trường rất lớn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh phân bón. Vì vậy, để nông dân không rơi vào “ma trận” phân bón giả, kém chất lượng, trước hết cần phải thay đổi cách thức quản lý hoạt động sản xuất phân bón; tăng cường sự giám sát chặt chẽ thị trường phân bón, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Song song với việc xử lý về sản xuất - kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng, cần có chế tài buộc nhà sản xuất phải bồi thường thiệt hại cho người dân khi mua phải phân bón giả. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền về đấu tranh chống hàng giả, kém chất lượng để người dân nâng cao nhận thức trong sử dụng sản phẩm phân bón.

Tấn Phong

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu