Thứ 6, 19/04/2024 19:48:19 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Nhà nông làm giàu cùng An Nông 14:20, 22/08/2017 GMT+7

Lý Sơn - Khu bảo tồn biển thứ 16 của Việt Nam

Thứ 3, 22/08/2017 | 14:20:00 167 lượt xem
BP - Ngày 16-2-2017, tỉnh Quảng Ngãi tổ chức lễ công bố chính thức xác lập Khu bảo tồn biển (KBTB) Lý Sơn. Đây là KBTB thứ 16 của Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch đến năm 2020. KBTB Lý Sơn ra đời trong hoàn cảnh vùng biển nơi đây đang dần cạn kiệt hệ sinh thái cỏ biển, san hô và thủy sản quý hiếm có nguy cơ bị tuyệt chủng. Vì vậy, KBTB ra đời có ý nghĩa đặc biệt, kịp thời bảo vệ tài nguyên vùng biển đảo quan trọng này.

Xây dựng cầu cảng tại đảo Bé (xã An Bình huyện đảo Lý Sơn)

KBTB Lý Sơn được quy hoạch với gần 8.000 ha, trong đó diện tích mặt nước biển hơn 7.100 ha. Khu bảo tồn được chia thành 3 vùng chức năng gồm: Vùng bảo vệ nghiêm ngặt, bảo vệ hệ sinh thái vùng triều, cỏ biển và rạn san hô độ sâu từ 3 -20m; Vùng phục hồi sinh thái thuộc khu vực đảo Lớn và đảo Bé trên diện tích gần 2.000 ha, bảo vệ các loài sinh vật biển; Vùng phát triển trên diện tích 4.500 ha gồm âu cảng và phần biển bao quanh. Ngoài ra, khu bảo tồn còn có vành đai bảo vệ xung quanh với diện tích 2.500 ha. Tổng kinh phí đầu tư KBTB Lý Sơn gần 40 tỷ đồng. Bên cạnh việc xác lập rõ khu vực bảo tồn, các hoạt động bảo vệ môi trường, ngăn chặn khai thác nguồn lợi sinh vật trái phép, phục hồi hệ sinh thái, tái tạo nguồn lợi, nghiên cứu thăm dò khảo sát, khảo cổ... thì việc phát triển hình thái du lịch cộng đồng sẽ được triển khai trong chương trình bảo tồn biển.

Theo thống kê của Viện Nghiên cứu quản lý biển và hải đảo, vùng biển Lý Sơn có 685 loài động - thực vật, trong đó 150 loài cá, 94 loài thân mềm, 36 loài san hô, 2 loài cỏ biển... và nhiều loài quý hiếm, có giá trị cao như san hô đen, hải sâm, tôm hùm, bào ngư, trai tai tượng. Tuy vậy, các loài này hiện nay hầu như không còn, hệ thảm thực vật dưới đáy biển Lý Sơn cũng đang dần biến mất.

Ngày 18-8-2017 lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi cho biết, địa phương quyết định ký kết hợp tác với Viện Khoa học địa chất Việt Nam, mời các nhà khoa học lập hồ sơ để trình UNESSCO công nhận công viên địa chất toàn cầu Lý Sơn - Bình Châu và vùng phụ cận. Theo đó, công viên địa chất toàn cầu Lý Sơn bao gồm vùng trung tâm là huyện đảo Lý Sơn và mở rộng ra 40km vùng phụ cận. Thời gian thực hiện đề án từ năm 2017-2024, dự kiến kinh phí hơn 48 tỷ đồng. Riêng Dự án bảo tồn và phát huy giá trị di sản tại đảo Bé sẽ được đầu tư theo hình thức xã hội hóa và kết hợp dịch vụ công với tổng kinh phí gần 65 tỷ đồng.

Nguyên nhân gây suy giảm đa dạng sinh học vùng biển đảo Lý Sơn là do thời gian trước người dân lén lút sử dụng thuốc nổ trái phép để đánh bắt tận diệt đã làm các rạn san hô bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Bên cạnh đó, cứ đến mùa rong mơ, hàng trăm người đổ xô ra vùng biển ven đảo khai thác, làm cho khả năng phục hồi của loài thực vật này giảm sút nghiêm trọng, khiến nhiều loài hải sản có nguy cơ bị tận diệt. Bởi các bãi rong mơ là nơi cư ngụ, sinh sản và phát triển nòi của nhiều loài hải sản. Ngoài ra, các nguồn chất thải sinh hoạt, tác động của biến đổi khí hậu cũng là những nguyên nhân làm suy giảm hệ sinh thái tại vùng biển đảo này.

Trước thực trạng đó, từ năm 2015, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã phê duyệt Dự án “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trồng phục hồi rạn san hô ven bờ biển Lý Sơn”. Các chuyên gia thực hiện dự án đã đánh giá hiện trạng hệ sinh thái rạn san hô vùng biển ven bờ Lý Sơn, khảo sát lựa chọn địa điểm và loài phục hồi, tập huấn nâng cao nhận thức về bảo tồn, đào tạo kỹ năng phục hồi rạn san hô cho cán bộ địa phương và cộng đồng. Đến nay, mô hình trồng phục hồi rạn san hô trong KBTB được các chuyên gia của dự án đánh giá phát triển tốt, nhiều giống hải sản quý hiếm có cơ hội được khôi phục. Cùng với đó, địa phương đã huy động người dân chủ động tham gia quản lý KBTB, nâng cao ý thức cộng đồng trong bảo vệ tài nguyên và môi trường biển.  

Ngày 15-7-2017, KBTB Lý Sơn mở các lớp tập huấn cho ngư dân tham gia tuyên truyền về bảo tồn biển, đa dạng sinh học và các loài hải sâm. Chương trình học tập gồm 12 lớp, tại 3 xã đảo An Hải, An Vĩnh và An Bình với trên 700 người tham dự. Qua tập huấn, ngư dân hiểu biết hơn về vai trò của bảo tồn biển, đa dạng sinh học, không khai thác các loài sinh vật biển có nguy cơ cạn kiệt, đặc biệt là hải sâm, nhằm góp phần tích cực bảo vệ tài nguyên vùng biển đảo quê hương.

Đức Hồng

  • Từ khóa
111294

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu