Thứ 6, 29/03/2024 18:42:51 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 14:24, 29/10/2016 GMT+7

Lưu danh thiên cổ

Thứ 7, 29/10/2016 | 14:24:00 504 lượt xem

BP - Theo sách “Đại Nam chính biên liệt truyện” - chính sử của nhà Nguyễn, sau khi Nặc Tôn hiến đất Tầm Phong Long, Võ vương Nguyễn Phúc Khoát đã cử Nguyễn Cư Trinh và Trương Phúc Du vào tiếp nhận và đặt nền hành chính trên vùng đất mới này. Phúc Du và Cư Trinh tâu với chúa Nguyễn: Dời dinh Long Hồ về xứ Tầm Bào (nay là tỉnh lỵ Vĩnh Long). Lại đặt đạo Đông Khẩu ở xứ Sa Đéc, đạo Tân Châu ở Tiền Giang, đạo Châu Đốc ở Hậu Giang, lấy quân dinh Long Hồ để trấn áp.

Việc lập ra các đạo tại các địa điểm trọng yếu nêu trên cũng không nằm ngoài mục đích củng cố biên thùy, bảo vệ các lưu dân khẩn hoang, sinh sống tại đây. Tại khu vực thượng nguồn sông Tiền, đạo Tân Châu có đồn quân lính đóng ở Bãi Dinh (cù lao Giêng ngày nay); đạo Châu Đốc ở thượng nguồn sông Hậu có đồn quân đóng ở Châu Đốc. Hai đạo này ở vị trí án ngữ dinh Long Hồ, đồng thời Nguyễn Cư Trinh cho đặt đạo Đông Khẩu ở phía Nam, đồn quân đóng ở Sa Đéc làm hậu thuẫn cho hai đạo tiền phương và cả ba đạo tạo thành tam giác có nhiệm vụ phòng giữ vùng đất mới này.

Minh họa: S.H

Sau khi hoàn thành việc xác lập nền hành chính mới, đồng thời để tạo điều kiện cho lưu dân người Việt đến sinh sống, khai hoang, Nguyễn Cư Trinh đã thực hiện việc tổ chức an sinh. Lúc đầu khi mới tiếp nhận vùng đất này, những vùng dọc biên giới là nơi cư trú của người dân bản địa, còn những vị trí dọc các bờ sông Tiền và sông Hậu chỉ có vài thôn, xóm nhỏ lẻ của người Việt, chủ yếu là gia đình các binh sĩ ở lại đây. Về sau, khi việc quản lý trật tự và ổn định về mặt hành chính được vững vàng, cùng với điều kiện tự nhiên thuận lợi, nguồn tài nguyên phong phú, lưu dân người Việt đến sinh cơ lập nghiệp ngày càng đông đúc thông qua chính sách khẩn hoang của chúa Nguyễn.

Để tránh nạn cướp bóc cho các thuyền buôn, đảm bảo sự thông thương buôn bán trên sông, rạch ở vùng đất mới, Nguyễn Cư Trinh bày ra lệ bắt thuyền các hạt, bất luận lớn nhỏ, trước mũi phải khắc tên họ, quê quán của chủ thuyền và ghi bộ quan sở tại để tiện tra xét. Dưới thời vua Gia Long, ông đã đổi vùng đất Tầm Phong Long thành Châu Đốc tân cương. Trong sách “Đại Nam nhất thống chí”, ở mục tỉnh An Giang có đoạn chép: Vì đất ấy nhiều chỗ bỏ hoang, đầu đời Gia Long mộ dân đến ở, gọi là Châu Đốc tân cương. Và đây là cứ liệu lịch sử khẳng định công lao của Nguyễn Cư Trinh với việc xác lập vùng đất An Giang ở giữa thế kỷ XVIII.

Tài năng quân sự của Nguyễn Cư Trinh đối với cả vùng đất Nam bộ nói chung và An Giang nói riêng còn được thể hiện ở phương pháp “dĩ địch chế địch” để phòng giữ các vị trí ở miền biên giới và ở những vị trí thường xuyên bị người Chân Lạp quấy phá. Đồng thời, ông cũng đã tổ chức cho những người Chăm sống ở Chân Lạp trở về quê nhà sinh sống trên những vùng đất mới khai phá này.

Năm 1755, khi tiến đánh Chân Lạp để giải cứu người Côn Man bị ức hiếp, Nguyễn Cư Trinh đã cho 5.000 người Côn Man về đóng ở chân núi Bà Đinh (núi Bà Đen, Tây Ninh). Năm 1756, khi tiếp nhận vùng đất Tầm Bôn và Lôi Lạp, Nguyễn Cư Trinh đã từng tâu với chúa Nguyễn cho người Côn Man trấn giữ nơi đây: Thần thấy người Côn Man đánh đường bộ rất tài, quân Chân Lạp cũng đã chột dạ. Nếu cho người Côn Man ở đấy, sai họ ngăn chống, lấy người Côn Man đánh Chân Lạp, cũng là kế hay. Năm 1757, sau khi tiếp nhận Tầm Phong Long và đặt nền hành chính cai quản nơi đây, ông cũng đã bố trí cho người Côn Man đến trấn thủ.

Theo “Biên niên sử An Giang” có chép thì vào năm 1775, Nguyễn Cư Trinh đưa một số người Chăm từ Chân Lạp về định cư ở núi Bà Đen (Tây Ninh), Hồng Ngự, Châu Giang,... Như vậy, đến giữa thế kỷ XVIII, công cuộc Nam tiến vĩ đại của dân tộc kết thúc. Toàn cõi Nam bộ được sáp nhập vào lãnh thổ Đại Việt bằng những biện pháp khôn khéo của những bậc tiền nhân và người đảm nhận sứ mệnh lịch sử cuối cùng trong việc khẳng định chủ quyền lãnh thổ của dân tộc không ai khác chính là Nguyễn Cư Trinh.

Lời bàn:

Hành trình mở cõi về phía Nam của cha ông ta có từ thời Lý, sau đó trải qua các thời đại phong kiến lãnh thổ Đại Việt được mở rộng dần. Đến năm 1635, chúa Nguyễn Phúc Nguyên dời thủ phủ vào Phú Xuân - Huế, mở ra thời kỳ Nam tiến mạnh mẽ để hình thành dải đất hình chữ S nước Việt ngày nay. Trong quá trình gian khổ đó, nhiều danh nhân có công lao to lớn trong việc mở cõi, an dân giữ gìn vùng đất mới, chống giặc xâm lấn... và được nhân dân tôn thờ, trong đó nổi bật là Nguyễn Hữu Cảnh và Nguyễn Cư Trinh. Nguyễn Cư Trinh đã để lại dấu ấn lớn trong lịch sử dân tộc với việc đưa mảnh ghép địa giới cuối cùng vào lãnh thổ Đại Việt. Riêng đối với đất Nam bộ, ông đã hoàn thành sứ mệnh xác lập chủ quyền biên giới và bước đầu xây dựng nền hành chính vững vàng tại vùng đất mới này.

Không chỉ là một danh tướng, một nhà chính trị khôn khéo, một trung thần yêu nước thương dân, Nguyễn Cư Trinh còn là một nhà văn hóa lớn. Sự nghiệp văn học của ông gắn với tâm sự và chí khí kinh bang tế thế, gắn với cuộc đời hoạt động không ngừng nghỉ của ông. Phần lớn những bài thơ của ông phản ánh tâm sự cô đơn, phiền muộn của một người đầy lòng ưu ái, thấu hiểu cảnh sống cơ cực, đau khổ của người dân, muốn “bàn nói mưu ngay, lẽ phải”, nhưng đều không được theo. Và tất cả công lao ấy đã làm cho tên tuổi, cuộc đời và sự nghiệp của ông mãi mãi được hậu thế tôn vinh. 

N.D

  • Từ khóa
109853

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu