Thứ 4, 24/04/2024 12:14:19 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 14:55, 23/01/2018 GMT+7

Lưu danh sử sách

Thứ 3, 23/01/2018 | 14:55:00 807 lượt xem

BP - Theo sách “Đại Việt thông sử”, vào tháng 10-1427, để cứu nguy cho Vương Thông đang bị vây hãm trong thành Đông Quan (Thăng Long), triều đình nhà Minh liền sai Liễu Thăng và một loạt tướng lĩnh cao cấp đem 15 vạn quân tràn vào nước ta. Khi ấy, Bộ chỉ huy Lam Sơn đứng trước một thử thách lịch sử rất cam go. Đó là, muốn bảo vệ thành quả 10 năm chiến đấu gian nan của mình, muốn hoàn thành sự nghiệp cứu nước, cứu dân, thì trước hết phải đập tan hoàn toàn lực lượng viện binh hùng hổ này của nhà Minh.

Bấy giờ, một bộ phận nhỏ của Lam Sơn được bố trí ở lại để tiếp tục bao vây, tiếp tục gọi hàng bọn giặc đang cố thủ trong thành Đông Quan, còn phần lớn lực lượng tinh nhuệ được huy động thực hiện 2 nhiệm vụ quan trọng. Một là tiêu diệt cho bằng được viện binh tiến vào nước ta qua ngả Chi Lăng (Lạng Sơn) bằng nhiều trận mai phục hiểm hóc khác nhau. Hai là đánh chặn để vô hiệu hóa ý đồ hợp đồng tác chiến của cánh viện binh tiến vào nước ta qua ải Lê Hoa (Cao Bằng).

 

 

Cánh viện binh tiến vào nước ta qua cửa ải Lê Hoa tuy chỉ có 5 vạn, nhưng lại do viên lão tướng dày dạn kinh nghiệm trận mạc là Mộc Thạnh chỉ huy. Dưới trướng của Mộc Thạnh còn có nhiều tướng tài của nhà Minh. Trong bối cảnh phức tạp và khó khăn như vậy, Lam Sơn không thể điều đại binh lên ải Lê Hoa, nhưng cũng không được phép để cho Mộc Thạnh có thể thực hiện được những mưu toan nguy hiểm. Nhiệm vụ ứng phó với Mộc Thạnh và 5 vạn quân Minh ở cửa ải Lê Hoa được Lê Lợi và Bộ chỉ huy Lam Sơn tin cậy giao phó cho Trịnh Khả và Phạm Văn Xảo. Trước khi đem quân lên ải Lê Hoa, Phạm Văn Xảo và Trịnh Khả đã được Lê Lợi ân cần nhắc nhở rằng: Mộc Thạnh vốn là lão tướng, từng trải trận mạc, cũng từng biết rõ uy danh của quân ta, cho nên không thể khinh suất, nhất định hắn sẽ chờ xem Liễu Thăng tiến thoái thế nào rồi mới động binh. Vì vậy, ta cần phải nhanh chân đến giữ chỗ hiểm yếu mà không vội đánh nhau với chúng làm gì.

Sau khi Liễu Thăng bị giết, cánh quân tiến vào nước ta qua ngả Chi Lăng đang có nguy cơ bị tiêu diệt hoàn toàn, Lê Lợi liền sai quân đem cờ quạt, ấn tín... của Tổng binh Liễu Thăng lên ải Lê Hoa để uy hiếp tinh thần của Mộc Thạnh. Và Mộc Thạnh đã hoảng hốt cho quân tháo chạy về Trung Quốc. Nhân cơ hội này, Phạm Văn Xảo và Trịnh Khả đã tổ chức 2 trận đánh lớn ở Đan Xá và Lãnh Câu. Và đây là đòn cực mạnh đánh gục hoàn toàn cuồng vọng của Vương Thông nói riêng và triều đình nhà Minh đối với nước ta nói chung. Sau đó, Vương Thông buộc phải cho quân rút khỏi nước ta. Nhờ những công lao to lớn, năm 1428, khi Lê Lợi định công ban thưởng cho các quan, Trịnh Khả được ban hàm Kim Tử Vinh Lộc Đại phu, Tả Lân Hộ vệ Tướng quân, được ban túi Kim Ngư và Ngân Phù, chức Thượng Khinh Xa Kỵ Đô úy.

Năm 1429, nhà Lê dựng biển khắc ghi tên tuổi của các khai quốc công thần, Trịnh Khả cũng vinh dự có mặt trong đó. Cũng năm này, Trịnh Khả được phong tước Liệt Hầu, chức Đô Thái giám cai quản việc quân trong ngoài, đồng thời được kiêm giữ chức Trấn thủ Tuyên Quang. Ít lâu sau, ông được thăng làm Hành quân Tổng quản Xa chư Quân sự, Đồng Tổng quản, trực tiếp coi các đội quân Thiết Đột. Những năm làm quan về sau, Trịnh Khả cũng là người có nhiều công lao.

Sử cũ trân trọng ghi nhận những cống hiến sau đây của Trịnh Khả: Thừa lệnh vua Lê Thái Tổ, đem quân sang giúp vua Ai Lao diệt trừ bọn nghịch thần để rồi trên cơ sở đó, xây dựng và củng cố mối quan hệ hữu hảo đối với Ai Lao. Năm 1434, ông xin về nghỉ, nhưng triều đình không cho, bắt ông phải nhận chức Trấn thủ Lạng Sơn, lại kiêm giữ cả chức Đồng Tổng quản vệ Nam Sách. Năm 1437, khi Lê Sát bị bãi chức rồi bị bức tử, Trịnh Khả được gọi về triều, được thăng hàm Thiếu úy và giao quyền nắm giữ lực lượng vũ trang thường trực của triều đình. Sang năm 1443, ông được thăng tước Quận Thượng hầu.

Lời bàn:

Vung gươm ở Nhân Mục và Tam Giang: Khiến Vương Thông muốn vỡ mật;  Tung hoành ở Lê Hoa và Lãnh Thủy: Khiến Mộc Thạnh phải hoảng hồn. Đó là lời nhận xét của Lê Lợi về danh tướng khai quốc công thần Trịnh Khả. Cuộc đời và sự nghiệp của người mà được bậc “thiên tử” bút phê như vậy xưa nay đã có mấy ai được? Và cũng chỉ cần bấy nhiêu đó là hậu thế đã đủ hiểu về ông và tôn vinh một danh tướng lẫy lừng của khởi nghĩa Lam Sơn, một đại thần thanh liêm, chính trực và tận tụy của nhà Lê, một tấm lòng vì nước vì dân xưa nay hiếm. Chính nhờ điều này mà tên tuổi của ông mãi mãi được sử sách lưu danh và tiếng thơm muôn thuở cho đời sau.

Tiếc rằng, hậu duệ thời nay không phải ai cũng noi gương tổ tiên và các bậc tiền nhân để trở thành công dân tốt. Vì thế mới có Trịnh Bá Khiêm (Hà Đông, Hà Nội), kẻ hung hăng chống lại người thi hành công vụ và đã bị Tòa án nhân dân quận Hà Đông tuyên phạt 18 tháng tù. Mới đây là Trịnh Xuân Thanh bị đưa ra xét xử về hành vi “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, “Tham ô tài sản” và đang phải đối mặt với mức án tù chung thân. Người xưa có câu “Phi cổ bất thành kim”, nghĩa là không có xưa thì cũng chẳng bao giờ có nay. Nói cách khác, quên tổ tiên thì ắt sẽ phải trả giá. Vâng, điều này với Trịnh Xuân Thanh quả không sai. 

N.D

  • Từ khóa
110009

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu