Thứ 6, 29/03/2024 17:40:18 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 13:35, 22/01/2016 GMT+7

Lưỡng quốc Trạng nguyên

Thứ 6, 22/01/2016 | 13:35:00 1,168 lượt xem
BP - Theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, Trạng nguyên Đào Sư Tích sinh năm Mậu Tý - 1348, là con trai tiến sĩ Đào Toàn Bân đỗ tiến sĩ chính bảng làm quan chức Tri thẩm hình viện sự. Nguyên quán của ông ở làng Song Khê, xã Song Khê, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang. Sau này, ông dời nhà lên ở xã Lý Hải, huyện An Lãng, phủ Tam Đái, thuộc tỉnh Sơn Tây, nay là thôn Lý Hải, xã Phú Xuân, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc.

Đào Sư Tích đỗ Trạng nguyên khoa Giáp Dần, niên hiệu Long Khánh thứ 2 năm 1374, đời vua Trần Duệ Tông. Tháng 5-1381, ông được phong chức Tả tư lang trung, Nhập nội hành khiển. Tháng 12 năm Nhâm Thìn (1392), Hồ Quý Ly bắt đầu chuyên quyền. Quý Ly viết 14 thiên Minh Đạo dâng lên vua Trần Thuận Tông, trong đó tỏ ý nghi ngờ Khổng Tử và phê phán một số nhà hiền triết Trung Quốc cổ đại. Chưa hết, họ Hồ còn đề nghị sắp xếp lại bài vị Khổng Tử thờ ở Văn Miếu vì (theo Quý Ly) Khổng Tử chưa phải là tiên thánh nên không được ngồi chính giữa là vị trí của thiên tử. Nhiều cận thần trong triều dâng thư can vua không nên nghe theo Quý Ly. Quý Ly bèn lập mưu hãm hại. Đào Sư Tích cũng bị giáng xuống làm Trung thư thị lang đồng tri thẩm hình viện sự. Chán cảnh nghịch thần chuyên quyền, ông cáo quan về quê làm thầy thuốc và dạy học.

Vào thời gian này, nhà Minh tăng cường sức ép với vua Trần nhằm tạo cớ thực hiện âm mưu xâm chiếm Đại Việt. Vì vậy, nhà Minh liên tiếp đưa các yêu sách ngày càng nặng nề đối với nước ta: Tháng 9 năm Giáp Tý - 1384, chúng đòi ta phải nộp lương thực cung cấp cho quân Minh đóng ở Lâm An (Vân Nam, Trung Quốc). Tháng 3 năm Ất Sửu - 1385, chúng đòi ta nộp 20 tăng nhân. Tháng 2 năm Bính Dần - 1386, chúng đòi ta nộp những loài cây ăn quả quý, lại đòi cấp cho chúng 50 con voi và cho chúng mượn đường đi đánh Chiêm Thành. Tháng 6 năm Ất Hợi - 1395, quân Minh đánh các man làm phản ở Long Châu và Phụng Nghĩa (Quảng Tây, Trung Quốc), đòi ta phải cấp cho chúng 5 vạn quân, 50 thớt voi, 50 vạn thạch lương...

Trước tình thế đó, vua Trần rất cần người tài giỏi, đủ khả năng xoay chuyển tình thế đi sứ để thực hiện chủ trương hòa hoãn. Trong triều có người nói chỉ có Đào Sư Tích mới đủ khả năng thực hiện nhiệm vụ này. Mặc dù không ưa gì Đào Sư Tích, Hồ Quý Ly vẫn phải xin vua Trần giao cho ông nhiệm vụ đi sứ. Khi Hồ Quý Ly về Cổ Lễ để triệu Đào Sư Tích vào triều thì ông đã ở Tam Đảo. Tưởng ông bỏ trốn, Hồ Quý Ly ra lệnh nếu Đào Sư Tích không hồi triều đi sứ sẽ bị chu di tam tộc. Đề phòng họ Đào sau này bị Hồ Quý Ly tàn sát, Đào Sư Tích đã cho con cháu đổi sang họ Phạm và hồi triều nhận trách nhiệm đi sứ nhà Minh. Sau này, con cháu ông lại có người đổi thành họ Dương, do đó từ đường họ Đào ở Cổ Lễ hiện nay có bức đại tự ghi là Đào - Phạm - Dương.

Tương truyền, thời đó nhà Minh cho người vơ vét sách thuốc bằng chữ Nôm của ta, đem về nước xếp cao đến nóc nhà nhưng không có ai đọc thạo. Nhân có Đào Sư Tích sang sứ, vua Minh nhờ ông đọc và tóm tắt giúp để Lý Sỹ Tài ghi lại bằng chữ Hán thành bộ Y tông tất đọc. Ông chỉ đọc trong ít ngày là hết kho sách. Vua Minh vô cùng kinh ngạc và khâm phục, đã tặng ông bốn chữ Lưỡng quốc Trạng nguyên. Theo các tài liệu lịch sử còn lưu truyền đến ngày nay, Đào Sư Tích đi sứ nhà Minh vào năm 1395-1396 và ông mất trong khi đi sứ ở Trung Quốc. Nguyên nhân dẫn đến cái chết bi thương của ông là do lòng đố kỵ của vua nhà Minh đối với tài năng của ông.

Lời bàn:

Các kỳ thi Nho học ở Việt Nam bắt đầu từ năm 1075, dưới triều vua Lý Nhân Tông và chấm dứt vào năm 1919, đời vua Khải Định. Trong 845 năm, các triều đại phong kiến Việt Nam đã tổ chức 185 khoa thi có 2.898 sĩ tử đỗ đại khoa (từ phó bảng trở lên). Và trong số 47 sĩ tử đỗ Trạng nguyên thì duy nhất chỉ có Đào Sư Tích là đỗ đầu cả ba kỳ thi. Ở khoa thi Hương, ông đỗ danh sách thứ nhất (Hương nguyên). Vào thi Hội, ông đỗ thứ nhất (Hội nguyên). Vào thi Đình, ông đỗ Đình nguyên - Trạng nguyên. Tiếc rằng, sau khi thi đỗ, Đào Sư Tích ra làm quan với mong muốn mang tài năng của mình để phò vua giúp nước nhưng khi ấy nhà Trần đã bước vào thời kỳ suy thoái. Ba vị vua mà ông từng phụng sự là Trần Duệ Tông, Trần Phế Đế, Trần Thuận Tông đều chỉ làm vì, thực quyền vẫn trong tay thượng hoàng Trần Nghệ Tông.

Nhưng thượng hoàng Trần Nghệ Tông lại là người có bản tính nhu nhược, chẳng dám tự quyết đoán việc gì, lại hết lòng tin dùng Hồ Quý Ly, giải quyết mọi việc thường nghe theo lời Hồ Quý Ly nên Hồ Quý Ly mới thực sự là người có vai trò quyết định mọi việc chính sự của triều đình. Và mặc dù chẳng ưa gì Đào Sư Tích, song Hồ Quý Ly phải chấp thuận cho ông đi sứ. Và Đào Sư Tích đã đi sứ nhà Minh vì quyền lợi của trăm họ, vì yêu cầu của đất nước. Rồi chính bằng tài năng hơn người, ông thuyết phục được vua Minh giảm nhẹ yêu sách, đặc biệt đã bãi bỏ việc đòi cống nạp tăng nhân, kéo dài thời gian hòa hoãn cho Đại Việt. Vì thế, Đào Sư Tích không những được người đương thời và cả hậu thế ngày nay tôn vinh là một trong những nhà khoa bảng tiêu biểu của Việt Nam thời phong kiến.     

ND

  • Từ khóa
109753

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu