Thứ 6, 19/04/2024 01:23:04 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 07:02, 25/08/2014 GMT+7

Cây cao su không phụ người kiên định

Thứ 2, 25/08/2014 | 07:02:00 271 lượt xem
BP - Sau điệp khúc trồng - chặt, nhiều người phải kêu trời. Tuy nhiên, cũng có nhiều người biết nhìn xa trông rộng nên đã trở thành “đại gia” bởi sự kiên định, chung thủy với loại cây này trong những ngày tháng khó khăn.

Cao su đã giúp anh Điểu Gianh trở thành “đại gia” miệt vườn

 
Có hơn 20 ha cao su mở miệng từ những năm 1999-2000, anh Điểu Gianh (44 tuổi) ở thôn 2, xã An Khương (Hớn Quản) đã trở thành “đại gia” khi cao su vào thời “hoàng kim”. Chứng kiến giá cao su khi lên, khi xuống, nhưng suốt 15 năm qua, chưa bao giờ anh nghĩ đến chuyện bán rẫy. Thậm chí, vào thời điểm nhiều người treo biển bán rẫy cao su thì anh lại tiếp tục mở rộng diện tích.

Đại gia miệt vườn

Nhìn dáng người thấp nhỏ, hiền lành, ít ai ngờ anh Điểu Gianh đang có trong tay cơ ngơi hàng tỷ đồng với hơn 20 ha cao su đang cạo và 500 nọc tiêu. Thời mủ giá cao, anh Gianh đã đầu tư mua máy cày, ôtô. Anh còn xây được ngôi nhà trị giá hơn 2 tỷ đồng khi mới tròn 40 tuổi khiến nhiều người phải trầm trồ nể phục. Ngôi nhà lầu bề thế minh chứng cho một “đại gia” người dân tộc Xêtiêng ở một xã vùng sâu biết chí thú làm ăn.

Ngoài cao su, mỗi năm anh Gianh thu nhập khoảng 70 triệu đồng từ vườn tiêu. Vì vậy, trước những bất an về giá cao su của nhiều nông hộ thì anh khá bình tĩnh chờ thời. Điều đáng quý ở anh Gianh là tư tưởng tiến bộ. Khi một số người Xêtiêng còn trông chờ, ỷ lại vào chế độ chính sách của Đảng, Nhà nước dành cho đồng bào dân tộc thiểu số thì anh Gianh đã chủ động làm kinh tế. Không chỉ làm kinh tế giỏi, anh Gianh còn hỗ trợ một số con em dân tộc thiểu số ở thôn 2, xã An Khương có hoàn cảnh khó khăn tập vở đi học. “Mẹ mất khi mới 2 tuổi, làm việc khổ cực mà chẳng đủ ăn nên tôi rất quý những đồng tiền mình làm ra. Nếu mủ cao su chỉ đủ mua gạo, tôi cũng thấy quý rồi” - anh Gianh tâm sự.

Cùng chung quan điểm với anh Gianh, ở thôn Phước Lộc, xã Phước Tín (TX. Phước Long) còn có các anh Võ Đình Hùng, Then Văn Đông hay ông Trần Định. Họ chỉ có 2-3 ha cao su, người trồng lâu thì xấp xỉ 20 năm, trồng gần đây thì cho cạo từ năm 2009. Ở họ đều chung tư duy “người không phụ cây thì cây không phụ người” nên đã không quay lưng khi mủ cao su rớt giá. Có lẽ vì thế mà cây cao su đã mang đến cho họ cuộc sống khá giả.

Cây cao su cũng đã thực sự giúp ông Hoàng Văn Bên ở ấp 5, xã An Khương đổi đời. Một người từng phải đi làm thuê để sống qua ngày, nhưng từ khi có cao su cạo, ông bắt đầu có của ăn của để và nuôi hai con tốt nghiệp đại học. Hiện con gái là giáo viên trường THPT Bình Long và con trai làm việc tại Sở Tư pháp.

Kiên định đầu tư
khoa học - kỹ thuật

Khác với nhiều người đầu tư cầm chừng khi cao su xuống giá, anh Điểu Gianh luôn áp dụng khoa học - kỹ thuật để đưa năng suất lên cao, tăng độ mủ. Anh cho biết: “Với giá mủ hiện tại, nếu biết áp dụng khoa học - kỹ thuật thì trừ công, phân bón vẫn có lãi. Vui nhất là thời buổi khó khăn, mình tạo được việc làm ổn định cho 8 công nhân người Xêtiêng trong xã, thu nhập 5 triệu đồng/tháng. Mình không bỏ công nhân lúc này thì vào thời điểm cao su có giá, mọi người vẫn làm cho mình”.

Chỉ có 1 ha cao su khai thác được 2 năm nay nhưng ông Nguyễn Ba ở thôn Phước Lộc, xã Phước Tín rất lạc quan bởi ông biết cách để có lãi. Ông Ba chia sẻ: “Tôi luôn học hỏi từ sách báo, đài truyền hình, tham gia các lớp tập huấn khuyến nông để biết cách bón phân gì, bón như thế nào, vào thời điểm nào để cây cao su cho mủ tốt nhất. Vì thế, với giá mủ như hiện nay, sau khi trừ phân bón và thuê người cạo, mỗi tháng gia đình tôi vẫn có thu khoảng 6 triệu đồng”.

Là trưởng thôn Phước Lộc, lại nhiệt tình tham gia các hội, đoàn thể của xã nên anh Hùng rất tích cực tiếp thu khoa học - kỹ thuật qua các lớp tập huấn nông nghiệp, khuyến nông và từ các hội viên nông dân khác. Anh Hùng cho biết: “Là cán bộ thôn nên tôi luôn gương mẫu đi đầu từ hoạt động phong trào đến tăng gia sản xuất. Mình làm được thì bà con mới tin tưởng làm theo”. Minh chứng cho điều anh nói chính là 3 ha cao su luôn ổn định với thu nhập gần 20 triệu đồng/tháng ở thời điểm hiện tại.

Ông Bên đưa ý kiến: “Mặc dù giá cao su lúc cao, lúc thấp nhưng cứ cố kiểu trồng khi giá cao và chặt bỏ khi rớt giá thì chỉ có thất bại. Với những người đất ít, gặp lúc khó khăn càng phải tính toán kỹ. Có thể xen canh, đa canh nhiều cây trồng khác để lấy ngắn nuôi dài.

Cây cao su một thời từng được coi là “vàng trắng” giúp nhiều hộ nông dân vươn lên làm giàu. Nhưng gần đây, giá cao su xuống thấp, một số nông dân lại phá bỏ sau nhiều năm đầu tư chăm sóc. Nhưng với người kiên định, biết tìm hướng đi cho cây cao su thì lại có cái kết đẹp! Đầu tư trồng cao su không phải là ít, nếu chuyển sang trồng cây khác phải thêm nguồn kinh phí đầu tư, không phải ai muốn cũng được và đạt được hiệu quả với dự định mới. Điệp khúc “trồng - chặt” đã là bài học cho nhiều người. Trong điều kiện hiện tại, sự thành công của những người chung thủy với cây cao su như ông Ba, anh Hùng, anh Gianh... đáng để nhiều người cân nhắc, để có quyết định đúng.

Ngọc Tú

  • Từ khóa
37679

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu