Thứ 5, 28/03/2024 23:12:01 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 14:37, 14/04/2016 GMT+7

Nhà nông Nguyễn Văn Tám dám nghĩ, dám làm

Thứ 5, 14/04/2016 | 14:37:00 257 lượt xem
BP - Rời quê lúa Thái Bình, năm 1987, gia đình ông Nguyễn Văn Tám vào lập nghiệp tại ấp Đồng Chắc, xã Tân Hòa (Đồng Phú). Những ngày đầu, cuộc sống hết sức khó khăn nhưng nhờ chịu khó lao động và biết tính toán làm ăn nên kinh tế gia đình đã khá hơn. Đến nay, gia đình ông có 7 ha đất với cách nuôi trồng đa con, đa cây cho thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Ông Tám trong vườn bưởi da xanh của gia đìnhÔng Tám trong vườn bưởi da xanh của gia đình

Nhớ lại lúc khó khăn, ông Tám chia sẻ: “Trước năm 2010, phong trào nuôi nhím phát triển rầm rộ, một cặp nhím giống 2 tháng tuổi có giá 30 triệu đồng, một cặp nhím trưởng thành lên tới 40 đến 50 triệu đồng. Chạy theo phong trào, gia đình tôi dốc hết vốn vào kinh doanh nhím. Tuy nhiên, nghề nuôi nhím chỉ thịnh được khoảng 3 năm, đến 2012 bắt đầu “tụt dốc”. Tôi đành chấp nhận thua lỗ bán tháo đàn nhím số lượng lớn với giá rẻ”. Cũng vào thời điểm đó, cao su được xem là “vàng trắng”, giá mủ cao 920 đồng/độ. Gia đình ông đã chuyển sang trồng 3 ha cao su, đến khi cao su được khai thác thì giá giảm mạnh. Và ông lại thêm một lần thất bại.

Không cam chịu, ông Tám đã tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm từ tivi, sách báo, thực tế của nhà vườn trong khu vực để phát triển kinh tế gia đình. Ông nói: “Rút kinh nghiệm từ những thất bại khi chỉ độc canh một loại cây - con. Được mùa có thể mang lại lợi nhuận cao, nhưng nếu thất mùa nông dân rất dễ trắng tay. Với suy nghĩ đó, tôi đầu tư xây dựng cách làm kinh tế tổng hợp bằng cách đa con, đa cây”. Ông Tám cho biết, cách làm này đòi hỏi nông dân phải siêng năng, nhưng lợi thế là tranh thủ được nguồn lực lao động trong gia đình, có nguồn thu thường xuyên; mức đầu tư cũng dàn trải chứ không tập trung nên không cần vốn lớn. Hiện gia đình ông có 3 ha cao su, 2 ha điều, 350 gốc bưởi da xanh đang cho thu hoạch; 30 con dê sinh sản mỗi năm cho 80-100 dê con; 3 sào ao nuôi cá, mỗi năm xuất bán 2-3 lứa. Ngoài ra, ông còn duy trì nuôi 4 con heo rừng sinh sản, 30 con nhím, bồ câu, gà... Mỗi năm sau khi trừ chi phí, gia đình ông thu khoảng 400 triệu đồng.

Ông Tám chia sẻ: “Thời gian tới tôi tiếp tục ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào chăm sóc, phòng chống dịch bệnh trên cây trồng. Đồng thời, mở rộng chăn nuôi theo hướng hiện đại hóa để cung ứng sản phẩm sạch cho thị trường”.

Xuân Túc

  • Từ khóa
40240

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu