Thứ 6, 19/04/2024 13:44:33 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Pháp luật 09:37, 17/07/2013 GMT+7

Luật Xử lý vi phạm hành chính - bước phát triển mới về cơ chế pháp lý bảo đảm quyền con người, quyền công dân ở nước ta

Thứ 4, 17/07/2013 | 09:37:00 2,762 lượt xem
Xử lý vi phạm hành chính là công cụ quan trọng trong hoạt động quản lý nhà nước nhằm duy trì trật tự, kỷ cương hành chính trong đời sống kinh tế - xã hội của đất nước. Ðây cũng là vấn đề trực tiếp liên quan đến cuộc sống hằng ngày của nhân dân, tổ chức, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, được Ðảng, Nhà nước và toàn xã hội hết sức quan tâm.

Với mục tiêu tạo lập cơ sở pháp lý cho hoạt động hết sức quan trọng này, năm 1989, Hội đồng Nhà nước đã ban hành Pháp lệnh về xử phạt vi phạm hành chính và sau đó từng bước hoàn thiện qua bốn lần sửa đổi, bổ sung vào các năm 1995, 2002, 2007 và 2008. Cùng với các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành, các Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính qua từng thời kỳ đã đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu phòng ngừa, đấu tranh chống vi phạm hành chính, yêu cầu dân chủ, công khai, minh bạch trong xử lý vi phạm hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý hành chính nhà nước, bảo đảm trật tự an toàn xã hội...

Tuy nhiên, qua hơn 20 năm thực hiện, hệ thống pháp luật về xử lý vi phạm hành chính với văn bản pháp lý cao nhất ở tầm Pháp lệnh đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, đòi hỏi phải khẩn trương nghiên cứu, điều chỉnh, nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của đời sống kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn phát triển mới. Với mục tiêu hoàn thiện pháp luật trong lĩnh vực này, qua đó tăng cường hiệu lực và hiệu quả thực thi pháp luật, đồng thời thể chế hóa một trong những chủ trương xuyên suốt trong nhiều Nghị quyết của Ðảng về bảo đảm quyền con người, quyền tự do, dân chủ của công dân, Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 3 đã thông qua Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 20-6-2012. Kể từ ngày 1-7-2013, Luật bắt đầu có hiệu lực thi hành, trừ các quy định liên quan đến việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính do Tòa án nhân dân xem xét, quyết định có hiệu lực kể từ ngày 1-1-2014. Với bố cục gồm sáu phần, 12 chương và 142 điều, quy định về xử phạt vi phạm hành chính và các biện pháp xử lý hành chính với nhiều nội dung mới, tiến bộ, Luật Xử lý vi phạm hành chính đánh dấu bước phát triển mới trong việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật nói chung và pháp luật xử lý vi phạm hành chính nói riêng ở Việt Nam, đồng thời khẳng định một bước phát triển mới về cơ chế pháp lý trong việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân ở nước ta, được nhân dân và cộng đồng quốc tế hoan nghênh, đánh giá cao.

Thứ nhất, Luật Xử lý vi phạm hành chính đáp ứng yêu cầu "thể chế hóa kịp thời, đầy đủ, đúng đắn đường lối của Ðảng, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; bảo đảm quyền con người, quyền tự do, dân chủ của công dân...". Ðây là chủ trương lớn xuyên suốt trong nhiều nghị quyết về xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải cách hành chính, cải cách tư pháp. Ðiều đó đòi hỏi Nhà nước ta cần phải quy phạm hóa các quyền tự do dân chủ, quyền con người bằng các quy định của một đạo luật; trong khi đó xử phạt vi phạm hành chính và các biện pháp xử lý hành chính là một trong những loại trách nhiệm pháp lý, trực tiếp liên quan đến quyền cơ bản của con người, quyền công dân, liên quan đến lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, theo quy định của Hiến pháp, phải được quy định bằng văn bản luật. Luật Xử lý vi phạm hành chính là thí dụ thể hiện đầy đủ và đậm nét chủ trương này.

Thứ hai, Luật Xử lý vi phạm hành chính thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước về cải cách hành chính, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống vi phạm hành chính phù hợp với định hướng của Nghị quyết Ðại hội Ðảng toàn quốc lần thứ XI, Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24-5-2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 trên tinh thần quán triệt quan điểm thực hiện "đơn giản hóa và công khai, minh bạch các thủ tục hành chính, đặc biệt là các thủ tục liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của người dân và doanh nghiệp". Các quy định cụ thể trong Luật Xử lý vi phạm hành chính, điển hình là các quy định về trình tự thủ tục xử phạt vi phạm hành chính, các quy định về các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính, các quy định về trình tự, thủ tục lập hồ sơ, xem xét, quyết định áp dụng và thi hành các biện pháp xử lý hành chính... được quy định theo tinh thần bảo đảm tính công khai, minh bạch nhưng rất chặt chẽ, rõ ràng, hiệu quả, để thật sự thuận lợi, dễ dàng cho người dân chấp hành pháp luật và lực lượng chức năng thực thi công vụ trong thực tiễn.

Thứ ba, Luật Xử lý vi phạm hành chính góp phần thực hiện một trong những chủ trương lớn của Nghị quyết số 49/NQ-TW ngày 2-6-2005 của Bộ Chính trị BCHTW Ðảng về "Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020", đó là "hình thành cơ chế pháp lý để Chính phủ thực hiện quyền yêu cầu xem xét, xử lý bằng thủ tục tư pháp đối với mọi vi phạm nghiêm trọng được phát hiện trong quá trình quản lý, tổ chức thi hành pháp luật", "tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia tố tụng, bảo đảm sự bình đẳng của công dân và cơ quan công quyền trước Tòa án". Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định chuyển thẩm quyền xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính (đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở chữa bệnh, đưa vào cơ sở giáo dục) sang cơ quan tư pháp là một cải cách thật sự lớn và có ý nghĩa sâu sắc dưới giác độ bảo đảm quyền con người, quyền công dân, thể hiện xu hướng tiến bộ, dân chủ, thực hiện đúng tinh thần "các cơ quan tư pháp phải thật sự là chỗ dựa của nhân dân trong việc bảo vệ công lý, quyền con người" đã được khẳng định tại Nghị quyết số 49-NQ/TW nêu trên. Các quy định về các biện pháp xử lý hành chính của Luật Xử lý vi phạm hành chính đã thể hiện rõ quan điểm có nhiều điểm tiến bộ vượt bậc so với quy định của các Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính trước đây.

Thứ tư, Luật Xử lý vi phạm hành chính bỏ quy định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh đối với người bán dâm. Việc này thể hiện sự đổi mới trong thái độ đối xử đối với người bán dâm phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội của đất nước trong giai đoạn phát triển mới và tính chất của hiện tượng xã hội này. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý là người bán dâm không bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở chữa bệnh, song vẫn bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của Luật. Bên cạnh đó, để hạn chế các ảnh hưởng tiêu cực từ việc không đưa người bán dâm vào cơ sở chữa bệnh bắt buộc, Chính phủ, các địa phương thông qua các giải pháp kinh tế - xã hội cần tăng cường thực hiện các chính sách, các chương trình quốc gia về dạy nghề, vay vốn, tạo công ăn việc làm nhằm quan tâm, tạo điều kiện, giúp đỡ những người bán dâm để họ có công ăn việc làm, thu nhập ổn định, hòa nhập cộng đồng; đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật; tăng cường thực hiện mạnh mẽ hơn các chương trình phòng, chống HIV/AIDS và chống các bệnh lây lan qua đường tình dục, trong đó có việc chữa bệnh cho những người mắc bệnh mà pháp luật quy định.

Thứ năm, Luật cũng dành một phần riêng để quy định về chính sách xử lý đối với người chưa thành niên vi phạm hành chính và quy định về các biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính (bao gồm nhắc nhở, quản lý tại gia đình); điều kiện, thẩm quyền và thủ tục áp dụng các biện pháp thay thế. Ðây là một nội dung mới, tiến bộ, thể hiện chính sách nhất quán của Ðảng và Nhà nước ta thường xuyên quan tâm đến đối tượng người chưa thành niên nói chung, người chưa thành niên vi phạm pháp luật nói riêng, nâng cao một bước phát triển về thể chế pháp lý bảo vệ quyền con người trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Luật Xử lý vi phạm hành chính (Ðiều 17) đã quy định toàn diện, đầy đủ nội dung về vấn đề theo dõi, quản lý thống nhất công tác thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính trên tinh thần đổi mới cơ bản nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả thật sự của công tác quản lý thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính mà các Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính trước đây chưa quy định. Ðây cũng là nhân tố quan trọng bảo đảm thực thi pháp luật xử lý vi phạm hành chính nghiêm túc, thống nhất, chính xác, hiệu quả, bảo đảm đầy đủ các quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức đã được Hiến pháp quy định trong xử lý vi phạm hành chính. Theo đó, Chính phủ "thống nhất quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong phạm vi cả nước". Bộ Tư pháp là cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính với những nhiệm vụ, quyền hạn được quy định tại khoản 2 của Ðiều 17 nói trên. Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Tòa án nhân dân tối cao, các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm thực hiện hoặc phối hợp với Bộ Tư pháp thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể về công tác thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính được quy định tại các khoản còn lại của Ðiều 17 Luật Xử lý vi phạm hành chính.

(Theo NDĐT)

  • Từ khóa
23260

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu