Thứ 5, 28/03/2024 17:56:51 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 09:28, 10/10/2012 GMT+7

Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi phải thể hiện đúng tinh thần nghị quyết của đảng

Thứ 4, 10/10/2012 | 09:28:00 2,738 lượt xem

Trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, có đoạn viết: “Sớm tổng kết toàn diện công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm; bổ sung, sửa đổi Luật Phòng, chống tham nhũng”.

Cán bộ cấp trưởng, phó phòng ở các sở, ban, ngành của tỉnh dự lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức phòng, chống tham nhũng - Ảnh: B.L

Thực hiện nghị quyết này, Chính phủ đã giao Thanh tra Chính phủ chủ trì soạn thảo dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng. Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng vừa được Thanh tra Chính phủ công bố để lấy ý kiến đóng góp của nhân dân. Một trong những vấn đề nêu trong dự luật được dư luận quan tâm là quy định Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Cụ thể là tại Điều 87 của dự luật đã đưa ra 3 phương án về Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng như sau:

Phương án 1: Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị do Tổng bí thư đứng đầu có trách nhiệm chỉ đạo, phối hợp, kiểm tra, đôn đốc hoạt động phòng, chống tham nhũng trong phạm vi cả nước. Ban Nội chính Trung ương là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.

Phương án 2: Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng có trách nhiệm chỉ đạo, phối hợp, kiểm tra, đôn đốc hoạt động phòng, chống tham nhũng trong phạm vi cả nước. Tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn và quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định.

Phương án 3: Không quy định Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.

Theo đó, ở phương án thứ nhất xác định rõ Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị do Tổng bí thư đứng đầu có trách nhiệm chỉ đạo, phối hợp, kiểm tra, đôn đốc hoạt động phòng, chống tham nhũng trong phạm vi cả nước và Ban Nội chính Trung ương là cơ quan thường trực.

Còn ở phương án thứ hai thì chỉ quy định trách nhiệm của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trong việc chỉ đạo, phối hợp, kiểm tra, đôn đốc hoạt động phòng, chống tham nhũng trong phạm vi cả nước và giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn và quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.

Với phương án 3, trong luật không quy định Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Theo đó, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng là cơ quan của Đảng, không phải là cơ quan nhà nước, cho nên luật sửa đổi sẽ không quy định về việc thành lập, tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn và quy chế hoạt động của cơ quan này.

Từ ba phương án trên cho thấy, nếu quy định “Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị do Tổng bí thư đứng đầu”... như phương án thứ nhất nêu trong dự luật là không phù hợp với quy định của hệ thống pháp luật hiện hành. Bởi văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội không thể quy định về tổ chức, hoạt động cũng như chức năng, nhiệm vụ của cơ quan đảng.

Còn trong phương án thứ hai lại đề xuất giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về tổ chức, hoạt động, chức năng, nhiệm vụ của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng do Tổng bí thư đứng đầu thì cũng không có căn cứ pháp lý và từ khi thành lập Đảng tới nay ở nước ta chưa có tiền lệ này.

Do đó, thực hiện theo phương án thứ ba như trong dự thảo luật là phù hợp với pháp luật hiện hành và tình hình thực tế của nước ta. Vì hiện nay, tổ chức, hoạt động, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của các tổ chức đảng từ trung ương tới cơ sở cũng như của tất cả các đảng viên được điều chỉnh bởi Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các ban cán sự Đảng, Đảng đoàn và nghị quyết của các tổ chức cơ sở đảng. Hơn nữa, trong hệ thống pháp luật của Việt Nam, ngoài điều 4 của Hiến pháp năm 1992 quy định về sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội thì các văn bản quy phạm pháp luật khác không điều chỉnh về tổ chức, hoạt động đối với các cơ quan, tổ chức của Đảng.

Không những thế, với phương án thứ ba còn thể hiện đúng tinh thần của Nghị quyết Trung ương 4 là “Kiện toàn và tăng cường trách nhiệm, nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan phòng, chống tham nhũng” và tuân thủ tiền lệ trong công tác xây dựng hệ thống pháp luật hiện hành. Đồng thời vẫn bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước đối với công tác phòng, chống tham nhũng. Vì vậy, việc thành lập, tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn và quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng sẽ do Đảng quy định. Công tác chỉ đạo phòng, chống tham nhũng của cơ quan này sẽ được thực hiện thông qua các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, với chức năng nhiệm vụ, quyền hạn do pháp luật quy định, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, các bộ, ngành, chính quyền địa phương các cấp cùng các cơ quan, tổ chức hữu quan khác tùy theo thẩm quyền đều có trách nhiệm trong việc tổ chức thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng. Do đó, việc không quy định Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trong Luật Phòng, chống tham nhũng là đúng và phù hợp.

D.V

  • Từ khóa
1246

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu