Thứ 7, 20/04/2024 10:57:22 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Pháp luật 14:34, 28/05/2013 GMT+7

Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá: Hiệu quả chưa cao vì còn những bất cập

Thứ 3, 28/05/2013 | 14:34:00 4,998 lượt xem

Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá gồm 5 chương, 35 điều được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 3 và chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1-5-2013. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng nhằm giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá, đồng thời kiểm soát để hạn chế việc cung cấp các sản phẩm thuốc lá tiêu thụ tại thị trường trong nước, giảm nguy cơ bệnh tật và tử vong do sử dụng thuốc lá gây ra.   

Hút thuốc lá
Hút thuốc lá nơi công sở vẫn còn phổ biến - Ảnh: S.H

Qua gần 1 tháng kể từ ngày Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá có hiệu lực thi hành đã bộc lộ những bất cập nên hiệu quả mang lại chưa cao. Một trong những vấn đề được nhiều người quan tâm là việc xử phạt đối với những người có hành vi hút thuốc lá tại các địa điểm cấm hút thuốc. Theo quy định của luật tại Điều 11 thì khuôn viên bệnh viện, nơi làm việc, địa điểm công cộng (nhà ga, bến xe, công viên)... là những địa điểm bị cấm hút thuốc lá hoàn toàn, nếu hút sẽ bị xử phạt. Thế nhưng trên thực tế, nhiều người vẫn vô tư “nhả khói” bên những tấm biển “không hút thuốc”, mà không sợ bị xử phạt vì chưa có nghị định, thông tư hướng dẫn cụ thể tổ chức, cá nhân nào được giao nhiệm vụ xử phạt người hút thuốc lá! Kể cả khi có nghị định hướng dẫn thì việc xử phạt cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn, nếu không “bắt tận tay, day tận trán” thì người hút thuốc sẽ “chối bay chối biến” về hành vi phạm pháp của mình.

Điều 6 của luật quy định về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, địa phương trong phòng chống tác hại của thuốc lá yêu cầu: đưa nội dung phòng, chống tác hại của thuốc lá vào kế hoạch hoạt động hàng năm; quy định không hút thuốc lá tại nơi làm việc vào quy chế nội bộ; gương mẫu thực hiện và vận động cơ quan, tổ chức, địa phương thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá... Đây là những điều mà các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp... đã thực hiện từ nhiều năm nay nhưng hiệu quả đạt được rất thấp. Những quy định về cấm hút thuốc soạn ra “cho có” và hầu như chỉ nằm trên giấy nên hầu hết cán bộ, nhân viên, người lao động chẳng mấy quan tâm. Nhiều lãnh đạo có thói quen hút thuốc lá nên “khó bảo” nhân viên, cấp dưới nghiêm chỉnh chấp hành việc không hút thuốc tại nơi làm việc...

Những quy định về việc đại lý bán lẻ thuốc lá phải có giấy phép theo quy định của Chính phủ; phải treo biển thông báo không bán thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi; không được trưng bày quá 1 bao, hoặc 1 hộp của một nhãn hiệu thuốc lá; không cho phép bán thuốc lá trong phạm vi 100m tính từ ranh giới khuôn viên trường học, bệnh viện, trạm y tế... trên thực tế cũng rất khó thực hiện.

Để đạt được mục tiêu giảm tỷ lệ hút thuốc lá trong nhóm đối tượng thanh thiếu niên (từ 15 đến 24 tuổi) từ 26% năm 2011 xuống 18% năm 2020; nam giới từ 47,4% năm 2011 xuống 39% năm 2020; nữ giới xuống dưới 1,4% năm 2020 theo Quyết định số 229/QĐ-TTg, ngày 25-1-2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược quốc gia phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2020” đòi hỏi sự nỗ lực và đồng thuận của toàn xã hội. Trong đó, công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục đóng vai trò rất quan trọng. Chúng ta cần hạn chế sản xuất và nhập khẩu thuốc lá, đồng thời xử phạt nghiêm các hành vi buôn bán, tàng trữ, vận chuyển thuốc lá lậu. Người đứng đầu cơ quan, địa phương, đơn vị, cán bộ, đảng viên... cần nghiêm túc thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá để nêu gương cho cấp dưới và người dân.

Từ bỏ một thói quen có hại là điều mà những người hút thuốc lá nên làm để bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân, gia đình và xã hội.  

Chính Trực

  • Từ khóa
23146

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu