Thứ 5, 18/04/2024 23:47:05 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 14:27, 11/08/2017 GMT+7

Luật Hồi tỵ - xưa và nay

Thứ 6, 11/08/2017 | 14:27:00 2,744 lượt xem

BP - Gần đây, thông tin về việc hàng loạt người thân (vợ, em trai, em gái, em rể) của một vị lãnh đạo ở tỉnh Hà Giang giữ vị trí lãnh đạo tại các cơ quan ở địa phương lan truyền trên mạng xã hội, gây nhiều ý kiến tranh cãi. Rồi khối tài sản khổng lồ là phần nổi của ông Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường ở tỉnh Yên Bái và là em trai của vị lãnh đạo chủ chốt tại tỉnh này, đã gây không ít bức xúc trong dư luận. Ở đây xin không bàn đến việc bổ nhiệm có đúng quy trình hoặc những người được bổ nhiệm có đủ chuẩn về trình độ chuyên môn và năng lực hay không, mà xin mượn vấn đề này để nói về người xưa quy định việc bổ nhiệm người giữ các vị trí quan lại ở địa phương như thế nào - Luật Hồi tỵ.

Theo từ điển Hán - Việt của Đào Duy Anh: “Hồi tỵ có nghĩa là tránh đi. Ví như một người bổ đi làm quan đứng đầu ở một địa phương nếu có một người bà con đã là thuộc liêu ở đó thì người ấy phải tránh đi chỗ khác, thế gọi là hồi tỵ”. Chính sách hồi tỵ - nói tóm lại là tránh bố trí, sử dụng người đứng đầu một địa phương hoặc một tổ chức nhà nước là người có mối quan hệ ruột thịt với những người đang ở nơi đó, cơ quan đó - là một chính sách quản lý quan lại quan trọng của một số triều đại phong kiến nước ta. Mục tiêu của chính sách này là nhằm giảm thiểu những tác động tiêu cực như bệnh cục bộ địa phương, bệnh gia đình chủ nghĩa, tệ kéo bè, kéo cánh... trong lựa chọn, sử dụng quan lại. Trong lịch sử nước ta, Lê Thánh Tông là vị vua đầu tiên ban hành và đồng thời là người đầu tiên hiện thực hóa chính sách hồi tỵ. Trong sách “Đại Việt sử ký toàn thư” có ghi lại quá trình xây dựng chính sách này của vua Lê Thánh Tông như sau:

Cán bộ các sở, ban, ngành tỉnh dự lớp tập huấn công tác phòng chống tham nhũng tại hội trường tỉnh - Ảnh: B.L

Ngày 22 (tháng 5, năm 1486), cấm quan lại nhận chức ở ngoài lấy đàn bà con gái trong bộ hạt của mình. Tháng 9 (1488), xuống chiếu rằng: Từ nay, các quan phủ, huyện, châu xét đặt xã trưởng, hễ là anh em ruột, anh em con chú con bác và bác cháu, cậu cháu với nhau thì cho một người làm xã trưởng, không được cho cả hai cùng làm để trừ mối tệ bè phái hùa nhau. Tháng 8, ngày mồng 2 (1495), có lệnh cho châu huyện chọn đặt xã trưởng. Nếu là con cô cậu, đôi con dì với nhau và thông gia cùng gả bán cho nhau đều không được cùng làm xã trưởng trong một xã. Ngày 28 (tháng 4, năm 1497), định lệnh đổi đi nơi khác. Như các viên quản quân, quản dân ở Nghệ An, nếu người nào có quê quán ở ngay phủ, huyện mình cai trị, có nhà ở nha môn mình làm việc, thì bộ Lại điều động đi nơi khác, chọn người khác bổ thay. Lệnh này sau đó được áp dụng trong phạm vi cả nước.

Kế thừa tư tưởng của Lê Thánh Tông, năm 1831, vua Minh Mạng nhà Nguyễn đã cho ban hành Luật Hồi tỵ và luật này sau đó được bổ sung vào năm 1836. So với những quy định về hồi tỵ dưới triều Lê, Luật Hồi tỵ của triều Nguyễn đã mở rộng phạm vi, đối tượng áp dụng và bổ sung những quy định mới. Đó là: Quan lại không được tậu đất, vườn, ruộng, nhà tại nơi cai quản. Quan lại không được lấy người cùng quê làm người giúp việc. Người có quan hệ thầy trò, bạn bè không được làm việc tại cùng một công sở. Các lại dịch nha môn, các bộ ở kinh đô và các tỉnh là con, anh em ruột, anh em con chú, con bác với nhau thì phải tách ra, đổi bổ đi nơi khác. Các quan lại không được làm quan ở nơi trú quán (nơi ở một thời gian lâu), ở quê vợ, quê mẹ mình, thậm chí cả nơi học tập lúc nhỏ hoặc lúc trẻ tuổi. Các lại mục, thông lại cũng không được làm việc ở phủ huyện là quê hương mình. Các lại mục, thông lại các nha thuộc các phủ huyện là người cùng làng cũng phải chuyển bổ đi nơi khác. Các quan viên từ Tham biện trở lên ở các trấn, tỉnh về kinh đô chầu được dự đình nghị, song khi trong các cuộc họp có bàn việc liên quan đến địa phương mà mình nhậm trị thì không được vào dự.

Dưới triều Nguyễn, Luật Hồi tỵ cũng được áp dụng trong các kỳ thi, với quy định: Nếu các khảo quan (coi thi, chấm thi) có người thân thích dự thi ở trường mình thì phải báo lên cấp trên để tránh đi. Nếu cố tình không khai báo sẽ bị trọng tội vì cố ý làm trái. Các quan thanh tra, xét xử thấy trong vụ án, vụ điều tra có người thân quen của mình (bà con nội, ngoại, bạn thân...) đều phải khai báo và hồi tỵ ngay. Luật Hồi tỵ của triều Nguyễn sau đó còn được vua Thiệu Trị quy định thêm nội dung: Cấm quan đầu tỉnh lấy vợ trong trị hạt vì sợ gia đình vợ nhũng nhiễu; cấm các quan tậu ruộng vườn, nhà cửa trong trị hạt vì sợ quan hiếp dân để được mua rẻ; cấm tư giao với đàn bà con gái trong trị hạt; cấm các quan lại đã về hưu quay lại cửa công để cầu cạnh...

Căn cứ vào các tư liệu lịch sử còn lưu truyền đến ngày nay cho thấy, đối tượng thực hiện hồi tỵ thời Lê sơ và thời Nguyễn là các vị quan đứng đầu bộ máy chính quyền dân sự và quân sự địa phương, tương đương với 3 cấp hành chính của nước ta hiện nay. Có thể nói, hồi tỵ là chính sách và sắc luật quan trọng trong việc quản lý quan lại của một số triều đại phong kiến nhằm ngăn chặn, hạn chế nạn tham nhũng, quan liêu, cát cứ, chạy theo lợi ích cục bộ đã được lịch sử đánh giá là thành công và có giá trị lâu dài. Ưu điểm cơ bản của nguyên tắc hồi tỵ là phòng tránh, hạn chế được mặt tiêu cực trong văn hóa ứng xử của những người nắm công quyền. Luật Hồi tỵ tạo cơ sở pháp lý để phát huy tính công tâm, khách quan trong việc phụng sự lợi ích nhà nước của đội ngũ quan lại. Chính điều này đã góp phần làm cho bộ máy nhà nước được củng cố, tránh được tình trạng cục bộ, bè phái, địa phương chủ nghĩa, các cơ quan nhà nước hoạt động có hiệu lực, hiệu quả hơn.

Và hiện nay, Luật Phòng, chống tham nhũng có quy định đối tượng và phạm vi áp dụng những quy định của luật “hồi tỵ”, tuy nhiên hẹp hơn rất nhiều so với ngày xưa. Cụ thể, tại Khoản 3, Điều 37, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 (được sửa đổi, bổ sung năm 2007 và năm 2012) có quy định: Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị không được bố trí vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột của mình giữ chức vụ quản lý về tổ chức nhân sự, kế toán - tài vụ, làm thủ quỹ, thủ kho trong cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc giao dịch, mua bán vật tư, hàng hóa, ký hợp đồng cho cơ quan, tổ chức, đơn vị đó. Như vậy, luật đã có và quy định rất cụ thể về vấn đề này, nhưng thời gian qua do cơ quan này, địa phương kia thực hiện việc bổ nhiệm cán bộ theo mức độ “bằng lòng” chứ không căn cứ vào nhu cầu thực tế cũng như năng lực của người được bổ nhiệm. Chính điều này đã dẫn đến vụ Trịnh Xuân Thanh tuy làm thiệt hại của Nhà nước hàng ngàn tỷ đồng nhưng vẫn được bổ nhiệm lên các chức vụ cao hơn. Hay như vụ quan lộ thần tốc của người đẹp Thanh Hóa là Trần Vũ Quỳnh Anh...

Để ngăn chặn triệt để tình trạng nêu trên trước hết mỗi cơ quan, đơn vị cần thực hiện nghiêm Nghị quyết số 42-NQ/TW, ngày 30-11-2004 của Bộ Chính trị. Nội dung nghị quyết này nêu rõ: Quy trình quy hoạch phải bảo đảm mở rộng dân chủ, khách quan trong việc phát hiện nguồn, có sự tham gia của cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân, mặt trận, các đoàn thể trong việc nhận xét, đánh giá và giới thiệu cán bộ; lấy kết quả nhận xét, đánh giá cán bộ thường xuyên và định kỳ làm cơ sở để lựa chọn cán bộ đưa vào quy hoạch; bảo đảm quyền tập trung của tập thể ban thường vụ các cấp ủy đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy, lãnh đạo các ban đảng, các cơ quan, ban, ngành, mặt trận, đoàn thể trong việc quy hoạch cán bộ; đồng thời có cơ chế để nhân dân, mặt trận, các đoàn thể giám sát việc xây dựng và thực hiện quy hoạch cán bộ.

Nguyên Ngọc

  • Từ khóa
18608

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu