Thứ 5, 25/04/2024 14:19:57 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 16:12, 14/04/2015 GMT+7

Luật hình sự và những bất cập

Thứ 3, 14/04/2015 | 16:12:00 234 lượt xem

BP - Theo số liệu thống kê của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, tính đến cuối năm 2012, số tiền nợ đọng bảo hiểm xã hội là hơn 8.000 tỷ đồng, trong đó có hơn 2.000 tỷ đồng là bảo hiểm y tế, còn lại là bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp. Nhiều đơn vị để nợ trong thời gian dài, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động. Không ít trường hợp chủ doanh nghiệp trích tiền lương của người lao động để đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế nhưng không nộp hoặc khi các cơ quan thanh tra, xử lý thì doanh nghiệp mới chịu nộp. Nguyên nhân chính của tình trạng nợ và chậm đóng bảo hiểm xã hội là do chế tài xử phạt hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội chưa đủ mạnh... Nguyên nhân là do từ trước tới nay, hành vi này chỉ bị xử lý hành chính. Nhiều chuyên gia pháp luật cho rằng, đã đến lúc hành vi trốn hoặc cố tình chây ỳ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của người sử dụng lao động cần phải được xử lý bằng hình sự. Và đây là bất cập thứ nhất trong Bộ luật hình sự hiện hành.

Bất cập thứ hai là Bộ luật hình sự hiện nay đã “bỏ qua” vi phạm mới về tài chính. Thực tế cho thấy, tội phạm về chứng khoán bắt đầu xuất hiện và ngày càng có tính chất phức tạp. Các hành vi vi phạm trong lĩnh vực thuế, đặc biệt là hành vi trốn thuế cũng đang diễn ra tinh vi và có tổ chức. Trong khi đó, tội buôn lậu được quy định tại Điều 153 Bộ luật hình sự hiện hành quy định: Người nào buôn bán trái phép qua biên giới thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm... Thế nhưng, từ khi Bộ luật hình sự được ban hành năm 1999 cho đến nay vẫn chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào hướng dẫn cụ thể về hành vi buôn lậu. Tương tự, tội trốn thuế cũng chỉ quy định truy cứu trách nhiệm hình sự, chứ chưa có quy định trốn thuế đến mức nào thì bị truy cứu. Bên cạnh đó, một số dấu hiệu của tội phạm được quy định còn chung chung. Cụ thể là các tội danh trong lĩnh vực chứng khoán được quy định tại các điều 180a, 180b và 180c của Bộ luật hình sự, nhưng còn mang tính định tính, chung chung, gây khó khăn trong việc xác định vi phạm, nhất là ranh giới xử lý hành chính và xử lý hình sự đối với các hành vi chưa rõ ràng. Không những thế, pháp luật chứng khoán và các văn bản pháp luật hướng dẫn liên quan chưa có quy định chi tiết về việc xác định mức độ thiệt hại cụ thể từ các hành vi cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu sự thật trong hoạt động chứng khoán; sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán và thao túng giá chứng khoán nhằm thu lợi bất chính trong hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán.Cho nên việc xác định hậu quả để truy cứu trách nhiệm hình sự còn khó khăn.

Bất cập thứ ba là hiện nay, hoạt động chuyển giá của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang ngày càng tinh vi, phức tạp. Hậu quả đã gây bất bình đẳng trong nghĩa vụ nộp thuế, tạo môi trường cạnh tranh không lành mạnh, gây thất thu cho ngân sách nhà nước, làm gia tăng nhập siêu, ảnh hưởng đến tỷ giá hối đoái. Trong khi đó, Bộ luật hình sự lại chưa có điều luật quy định xử lý hành vi chuyển giá, cơ sở pháp lý duy nhất mà các cơ quan chức năng dựa vào là xử lý hành vi về tội trốn thuế.

Từ những bất cập trên, tôi đề xuất trong dự thảo Bộ luật hình sự sửa đổi cần bổ sung tội danh đối với các hành vi: Trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; thao túng giá chứng khoán; trốn thuế của người nộp thuế có số nợ thuế lớn, chây ỳ không nộp thuế, nộp phạt kéo dài; đồng thời tăng mức phạt tiền đối với tội buôn lậu, tội vận chuyển trái phép hàng hóa... Đối với các tội phạm trong lĩnh vực tài chính - kế toán, cần tiếp tục hoàn thiện các điều 164a, 164b theo hướng bổ sung những trường hợp xử phạt nặng đối với các tội này, như lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; mạo nhận một tổ chức không có thật...Đặc biệt, cần bổ sung hành vi chuyển giá vào tội trốn thuế hoặc vào một tội khác của Bộ luật hình sự để xử lý các thủ đoạn chuyển giá đối với các doanh nghiệp FDI và kể cả các doanh nghiệp không phải là doanh nghiệp FDI.  

H.P

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu