Thứ 3, 23/04/2024 17:25:29 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 20:54, 22/03/2014 GMT+7

Luật Đầu tư đang gây khó

Thứ 7, 22/03/2014 | 20:54:00 132 lượt xem

Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp đã được Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 29-11-2005 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2006. Sau gần 8 năm áp dụng vào cuộc sống, hiện cả hai luật này đã, đang bộc lộ nhiều bất cập, có những quy định không cần thiết, chồng chéo và gây hậu quả xấu đến môi trường đầu tư.

Cụ thể, Điều 1 trong Luật Đầu tư quy định về phạm vi điều chỉnh (quy định về hoạt động đầu tư nhằm mục đích kinh doanh tại Việt Nam), có nội dung như sau: “Luật này quy định về hoạt động đầu tư nhằm mục đích kinh doanh; quyền và nghĩa vụ của nhà đầu tư; bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư; khuyến khích và ưu đãi đầu tư; quản lý nhà nước về đầu tư tại Việt Nam và đầu tư từ Việt Nam ra nước ngoài”. Thế nhưng ngay sau đó, tức là tại Khoản 1, Điều 3 của luật này cũng đưa ra khái niệm về đầu tư như sau: “Đầu tư là việc nhà đầu tư bỏ vốn bằng các loại tài sản hữu hình hoặc vô hình để hình thành tài sản tiến hành các hoạt động đầu tư theo quy định của luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan”. Theo tôi, đưa ra định nghĩa về “đầu tư” như trên là thừa. Vì đây chính là phạm vi điều chỉnh và nội dung chính với những điều khoản cụ thể xuyên suốt trong Luật Doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, tại Điều 8 của Luật Doanh nghiệp đã quy định rõ doanh nghiệp có quyền chủ động lựa chọn ngành nghề, địa bàn, hình thức kinh doanh đầu tư như sau: “Tự chủ kinh doanh; chủ động lựa chọn ngành, nghề, địa bàn, hình thức kinh doanh, đầu tư; chủ động mở rộng quy mô và ngành, nghề kinh doanh; được Nhà nước khuyến khích, ưu đãi và tạo điều kiện thuận lợi tham gia sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích. Lựa chọn hình thức, phương thức huy động, phân bổ và sử dụng vốn. Chủ động tìm kiếm thị trường, khách hàng và ký kết hợp đồng. Kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu. Tuyển dụng, thuê và sử dụng lao động theo yêu cầu kinh doanh. Chủ động ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại để nâng cao hiệu quả kinh doanh và khả năng cạnh tranh. Tự chủ quyết định các công việc kinh doanh và quan hệ nội bộ. Chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản của doanh nghiệp. Từ chối mọi yêu cầu cung cấp các nguồn lực không được pháp luật quy định. Khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo. Trực tiếp hoặc thông qua người đại diện theo ủy quyền tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật. Các quyền khác theo quy định của pháp luật”. Theo quy định tại Khoản 1, Điều 46 của Luật Đầu tư thì ngoài quyền trên, doanh nghiệp còn phải có dự án đầu tư và phải xin giấy chứng nhận đăng ký đầu tư: Đối với dự án có vốn đầu tư nước ngoài có quy mô vốn đầu tư dưới ba trăm tỷ đồng Việt Nam và không thuộc Danh mục lĩnh vực đầu tư có điều kiện thì nhà đầu tư làm thủ tục đăng ký đầu tư tại cơ quan nhà nước quản lý đầu tư cấp tỉnh để được cấp giấy chứng nhận đầu tư. Theo ý kiến cá nhân tôi quy định trên đây là không cần thiết. Vì vậy, nên xem xét bỏ Luật Đầu tư hoặc xem xét bỏ toàn bộ các điều khoản quy định về dự án đầu tư và giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Chưa hết, những quy định ưu đãi về thuê đất đã quy định trong Luật Đất đai, ưu đãi về thuế đã có trong Luật Thuế nhưng Luật Đầu tư cũng đưa vào. Như vậy Luật Đầu tư chẳng khác nào chép lại từ các luật khác. Vì vậy, mong rằng những bất cập trên trong Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp sớm được khắc phục, nhằm tạo môi trường thông thoáng và thuận lợi cho nhà đầu tư.

Quang Minh

 

 

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu