Thứ 7, 20/04/2024 22:48:46 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giáo dục 08:43, 29/04/2020 GMT+7

Luật chưa có hiệu lực đã lộ bất cập

Mỹ Hạnh
Thứ 4, 29/04/2020 | 08:43:00 3,451 lượt xem
BPO - Cả thế giới đang phải gồng mình chống chọi với đại dịch Covid-19. Cho đến nay, chưa có ai hoặc tổ chức nào thống kê được cụ thể về những thiệt hại mà đại dịch Covid-19 gây ra cho nhân loại. Song, điều chắc chắn là nó đã gây hậu quả nặng nề cho rất nhiều quốc gia. Đặc biệt, với ngành GD-ĐT, vì có tới hơn tỷ học sinh, sinh viên trên thế giới, trong đó có Việt Nam phải nghỉ học kéo dài.

Tuy nhiên, dịch Covid-19 không chỉ là thách thức mà nó còn tạo cơ hội để chúng ta nhìn rõ những kẽ hở, khiếm khuyết, bất cập của các văn bản quy phạm pháp luật để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tế. Cụ thể là trong nội dung của Luật Giáo dục hiện hành cũng như Luật Giáo dục mới (năm 2019) đã được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 14-6-2019 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2020, không hề có bất cứ một điều, hay khoản nào quy định về việc: trong trường hợp một địa phương, một vùng, hay toàn quốc xảy ra thiên tai, dịch bệnh... thì việc dạy, học và thi của học sinh, sinh viên sẽ thực hiện như thế nào. Vì vậy, khi xảy ra dịch Covid-19, Chính phủ, ngành GD-ĐT cũng như các địa phương gặp không ít khó khăn, lúng túng nên đã không chủ động trong việc đưa ra giải pháp kịp thời, hiệu quả. Mặc dù Bộ GD-ĐT cũng đã có 2 lần đưa ra quyết định thực hiện việc lùi thời gian kết thúc năm học, cũng như lùi thi THPT quốc gia và tinh giản chương trình.

Hiện nay, có nhiều ý kiến cho rằng, tình hình dịch bệnh Covid-19 tuy có hạ nhiệt nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp và tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường, do đó nên hủy kỳ thi THPT quốc gia. Hơn nữa, từ kết quả của các kỳ thi này ở những năm trước cho thấy, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp từ 95-99%, thậm chí có không ít địa phương đạt 100%. Và vấn đề đặt ra ở đây là tổ chức một kỳ thi tốn kém kinh phí, công sức, thời gian của xã hội như vậy nhưng chỉ để sàng lọc được 1 đến 2 hoặc 5% học sinh không đủ điểm thi để được công nhận tốt nghiệp thì quả là một sự lãng phí quá lớn. Thay vào đó, bằng việc xét công nhận tốt nghiệp, còn việc tuyển sinh đại học thì giao các trường chủ động tổ chức tuyển sinh theo đúng nội quy của từng trường và quy chế của Bộ GD-ĐT.

Mặc dù ý kiến nêu trên được dư luận đồng tình nhưng không thể thực thi, vì điều này trái với quy định của Luật Giáo dục. Cụ thể, tại Khoản 3, Điều 31 của Luật Giáo dục hiện hành có quy định: Học sinh học hết chương trình THPT có đủ điều kiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT thì được dự thi và nếu đạt yêu cầu thì được giám đốc sở GD-ĐT tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh) cấp bằng tốt nghiệp THPT. Và tại Khoản 3, Điều 34 trong Luật Giáo dục năm 2019, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2020, quy định: Học sinh học hết chương trình THPT đủ điều kiện theo quy định của Bộ GD-ĐT thì được dự thi, đạt yêu cầu thì được người đứng đầu cơ quan chuyên môn về giáo dục thuộc UBND cấp tỉnh cấp bằng tốt nghiệp THPT.

Vì vậy, nếu muốn xét tốt nghiệp THPT thì Quốc hội phải sửa luật hoặc trong trường hợp Quốc hội không họp được thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết về vấn đề này. Do đó, đây là điều kiện, cơ hội để Quốc hội bổ sung, sửa đổi Luật Giáo dục, nhằm quy định đầy đủ các vấn đề liên quan đến GD-ĐT trong trường hợp xảy ra thiên tai, dịch bệnh...

  • Từ khóa
89543

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu