Thứ 5, 18/04/2024 07:35:20 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 08:55, 22/07/2014 GMT+7

Lửa đổ thêm dầu

Thứ 3, 22/07/2014 | 08:55:00 147 lượt xem

BP - Hay tin Võ Văn Dũng đã dìm chết cha con Bùi Đắc Tuyên, Bùi Đắc Trụ và Ngô Văn Sở, khi ấy Trần Quang Diệu đang vây thành Diên Khánh đã lập tức vượt biển về Phú Xuân. Võ Văn Dũng cùng Nội hầu Nguyễn Thế Tứ đem quân bản bộ ra đóng ở bờ phía bắc sông Hương và ỷ mệnh vua, chống nhau với quân Trần Quang Diệu đóng ở An Cựu bên bờ phía nam sông Hương.

Lúc đó, Võ Đình Tú lấy tình quen thân cả đôi bên xin vua Cảnh Thịnh được phép đứng ra hòa giải, nhờ vậy mà Võ Văn Dũng cùng Trần Quang Diệu nối lại tình xưa. Cả hai kéo binh vào thành bệ kiến Cảnh Thịnh. Vua phong Võ Văn Dũng làm Đại Tư đồ, Trần Quang Diệu làm Thái phó.

Đầu tháng 5 năm Kỷ Mùi (1799), thành Quy Nhơn bị quân Nguyễn Ánh vây. Trấn thủ Lê Văn Thanh chống không nổi nên cầu cứu Phú Xuân. Võ Văn Dũng cùng Trần Quang Diệu kéo vào đến Quảng Nghĩa thì bị quân lính của Tống Viết Phước chặn lại tại Thạch Tân. Thừa lúc tối, Võ Văn Dũng đem quân theo đường Trung Xá mưu đánh úp quân Tống Viết Phước. Chẳng ngờ khắp nơi đều có quân đóng giữ, canh phòng cẩn mật nên Võ Văn Dũng thua to. May nhờ Trần Quang Diệu cứu ứng kịp thời mới thoát nạn. Vì vậy Quy Nhơn thất thủ và thành được đổi tên là thành Bình Định. Võ Văn Dũng và Trần Quang Diệu được lệnh lui về giữ Quảng Nam.

Nhân việc mất Quy Nhơn, Trần Viết Kiết, Hồ Công Diệu sàm tấu với vua Cảnh Thịnh là tại Trần Quang Diệu không chịu cứu ứng nên Quy Nhơn mới mất và xin sai người mang mật thư vào Quảng Nam bảo Võ Văn Dũng bắt Diệu giết đi. Dũng được thư tự nghĩ:

- Tội là tội của mình. Trần huynh đã có lòng tốt không cáo giác, sao mình lại nỡ lòng hại ân nhân. Thà đắc tội cùng vua còn hơn phạm tội vong ân bội nghĩa. Nghĩ vậy, ông bèn đưa thư cho Trần Quang Diệu xem. Diệu kéo quân về kinh trị tội bọn gian tà, rồi sau đó trở lại Quảng Nam.

Tháng Giêng năm Canh Thìn (1800), Võ Văn Dũng hợp cùng Trần Quang Diệu vào Quy Nhơn. Võ Văn Dũng cầm thủy binh đứng giữ cửa biển Thị Nại để Trần Quang Diệu công thành. Võ Văn Dũng đem chiến thuyền Đinh Quốc và hơn trăm chiến thuyền nhỏ ra đóng giăng ngang cửa biển. Hai pháo đài Gềng Ráng và Phương Mai bấy lâu bỏ hoang được Võ Văn Dũng cho sửa sang lại và đặt súng đại bác để canh phòng.

Năm Tân Dậu (1801), Nguyễn Phúc Ánh kéo binh ra đánh mạnh, tấn công hai mặt thủy và bộ. Về mặt thủy, quân nhà Nguyễn tấn công hai mặt: Nguyễn Văn Lương và Tống Phúc Lương đem thuyền nhỏ vượt ra phía Bắc Thị Nại vào cửa Cách Thử, lẻn vào đầm Thị Nại, dùng hỏa công đốt thủy trại Tây Sơn. Lê Văn Duyệt và Võ Di Nguy ở ngoài cửa Thị Nại khi thấy lửa cháy thì kéo chiến thuyền đánh ập vào.

Ở Thị Nại, Võ Văn Dũng canh phòng nghiêm ngặt, súng đại bác sẵn sàng nhả đạn. Nhưng đang đêm, thình lình thấy thủy trại cháy, Võ Văn Dũng vội cho quân đi chữa lửa. Võ Di Nguy trông thấy ánh lửa liền xua quân tiến vào. Súng trên pháo đài bắn xuống, đánh chìm hết đoàn thuyền tiên phong. Võ Di Nguy bị trúng đạn chết. Lê Văn Duyệt đốc binh tiếp theo, liều chết vượt khỏi tầm súng. Lê Văn Duyệt dùng hỏa công, lửa cháy rần rần theo gió tạt vào thuyền Tây Sơn. Gió thổi càng mạnh, lửa cất càng cao. Ánh sáng rực cả mặt biển, ngất cả ngàn dặm mây. Và tiếng súng nổ, tiếng quân la hét vang trời dậy đất, quân nhà Nguyễn bị chết vô số. Thuyền Tây Sơn bị đốt cháy không còn một chiếc.

Võ Văn Dũng đại bại, kéo tàn quân lên hợp cùng Trần Quang Diệu giữ những nơi hiểm yếu khác. Nguyễn Phúc Ánh thấy đánh không nổi quân Tây Sơn để cứu thành Quy Nhơn, tuy đã chiếm được cửa Thị Nại, bèn kéo đại quân ra đánh Phú Xuân và sau đó chiếm được thành này. Đây là mốc đánh dấu sự suy sụp của nhà Tây Sơn về sau.

Lời bàn:

Võ Văn Dũng được người đương thời tôn vinh là một trong thất hổ tướng của nhà Tây Sơn và ông là người đứng đầu. Theo sử sách còn lưu truyền đến ngày nay thì Võ Văn Dũng là một đại tướng có tài, nhưng ông chỉ thành công khi làm việc dưới quyền Nguyễn Huệ. Sau khi vua Quang Trung qua đời, triều đình Tây Sơn lâm vào cảnh nội bộ chia rẽ, bè phái và thanh trừng lẫn nhau. Trước hoàn cảnh ấy, hành động giết chết cha con Bùi Đắc Tuyên và Ngô Văn Sở của Võ Văn Dũng đã như lửa đổ thêm dầu và làm cho triều đình nhà Tây Sơn càng tàn lụi nhanh chóng hơn. Tiếp đó là sai lầm của Võ Văn Dũng và Trần Quang Diệu trong việc cầm quân thụ động, không có những đối sách hợp lý.

Và sai lầm chiến lược lớn nhất của họ là đem đại quân vào đánh Quy Nhơn nên Phú Xuân rơi vào tay Nguyễn Ánh. Một khi Phú Xuân đã bị mất, quân đội Tây Sơn ở Quy Nhơn và Thị Nại sẽ rơi vào thế bị bao vây rồi bị tiêu diệt dần. Thế mới hay, tướng cầm quân thì chỉ cần một chút sai lầm cũng đã quá đủ để gánh lấy thất bại thảm hại như Võ Văn Dũng. Tuy nhiên, không phải vì vậy mà hậu thế có quyền lãng quên công lao cũng như cuộc đời và sự nghiệp của ông với cuộc khởi nghĩa Tây Sơn, với cuộc kháng chiến chống quân Xiêm, quân Thanh xâm lược thời ấy. 

Đ.T

  • Từ khóa
109560

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu