Thứ 5, 28/03/2024 15:22:21 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giáo dục 15:19, 21/08/2016 GMT+7

Lớp “tạo nguồn cán bộ” đặc biệt

Chủ nhật, 21/08/2016 | 15:19:00 137 lượt xem
BP - Gọi là lớp “đào tạo nguồn” bởi vì với một ấp vùng sâu, xa khó kiếm người trình độ THCS trở lên như Năm Đô, xã Tân Phước (Đồng Phú) thì 18 em học lớp phổ cập đang được ban ấp, lãnh đạo xã cùng thầy cô và người dân nơi đây rất kỳ vọng. Đặc biệt hơn khi kết thúc năm học, ngoài những em được khen thưởng về thành tích học tập thì cả 18 em đều được nhận quà là sách giáo khoa, vở viết, áo quần và đồ dùng sinh hoạt mà thầy cô vận động được.

“GIEO” MƠ ƯỚC VÙNG SÂU

“Nếu không quyết tâm thì sẽ không bao giờ mở được lớp học này đâu. Không có Hiệu trưởng Nguyễn Văn Chung và các thầy, cô Nguyễn Đăng Kiên, Nguyễn Anh Tuấn, Hoàng Thị Hưng, Nguyễn Thị Chiến... thì khó mà duy trì lớp” - Trưởng ấp Năm Đô Đặng Thanh Hùng chia sẻ với chúng tôi.

 Anh Hùng kể, để hiện thực hóa quyết tâm mở lớp, vấn đề không nằm ở việc thầy cô ngại khó, ngại khổ khi phải dạy ở vùng sâu, xa mà là vận động học sinh đến lớp. Ban ấp và thầy cô đã kiên trì đến từng nhà vận động; đồng thời mượn phòng học của điểm Trường tiểu học Tân Phước B để tiện cho học trò vừa học vừa phụ giúp việc nhà. Đã thế, thầy cô còn phải điều chỉnh giờ học, ngày học theo ý phụ huynh, học sinh. Nhiều em sau khi đi trút mủ, nhặt điều, lấy củi, cắt cỏ, chăn bò... rồi mới đến lớp. Thầy cô cũng đành châm chước để các em vào lớp muộn.

Học sinh hồ hởi đón nhận quà của thầy, cô giáoHọc sinh hồ hởi đón nhận quà của thầy, cô giáo

Sở dĩ thầy cô phải tích cực vận động phụ huynh vì ở Năm Đô, nhiều gia đình vẫn nặng “cái lý”: “Gạo, bắp ăn được chứ chữ thì không”. Nhằm thay đổi nhận thức lạc hậu này, cô Hưng, cô Chiến, thầy Kiên... phải thường xuyên đến từng gia đình để vận động phụ huynh, khuyên nhủ các em. Cùng với sự nhiệt tình đưa các em đến lớp là chuỗi ngày các thầy cô giáo phải đội mưa, nắng trên những con đường gồ ghề, lầy lội vào mùa mưa và bụi mù vào mùa khô để giúp các em hoàn thành khóa học.

Trên đường vào ấp Năm Đô dạy học, không ít lần cô Hoàng Thị Hưng bị ngã. Chồng khuyên cô ở nhà nhưng thấy vợ quyết tâm thì anh không cản. Cô Hưng cho biết, tình cảm thương mến học trò nghèo đã níu chân cô ở bên các em. Nếu sợ khó, sợ khổ mà từ chối thì ai sẽ là người dìu dắt các em? Bằng tấm lòng, thầy cô đang mang lại ánh sáng, niềm tin cho học trò nghèo và những khó khăn không làm cằn cỗi “mầm chữ” mà họ đang “gieo”.

 “Như thế đâu đã ổn, thích thì các em đi học, không thích lại tự ý nghỉ, chẳng cần xin phép. Sĩ số lớp là 18 em nhưng chẳng bao giờ đủ, hôm nào vắng 1-2 em là mừng lắm rồi! Có hôm thầy cô vào lớp chỉ thấy 3-4 em lại phải đến nhà cán bộ ấp nhờ hỗ trợ, vận động các em trở lại học” - thầy Kiên cho biết.

VÌ HỌC TRÒ NGHÈO

Chúng tôi vào ấp Năm Đô khi trời đã hửng nắng. Con đường được mở rộng từ chương trình nông thôn mới nên thoáng đãng hơn. Tuy nhiên, đường về mùa mưa khá nhiều vũng sình, khiến mọi người không khỏi ái ngại. Thật khó an lòng khi nghĩ đến việc trời bất chợt đổ mưa...

Năm Đô hiện có khoảng 200 hộ đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là người Khơme, trong đó có tới 78 hộ nghèo. Đời sống văn hóa, tinh thần cũng như kinh tế ở đây kém phát triển một phần vì chưa có điện. Trưởng ấp Năm Đô trăn trở: “Đa số hộ dân đi làm thuê nên kinh tế rất khó khăn, văn hóa tinh thần càng nghèo nàn. Không có điện, bà con khó tiếp cận các phương tiện thông tin đại chúng. Từ đó, ban ấp rất vất vả tuyên truyền chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, hướng dẫn người dân áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất”.

Còn vận động con em đến lớp thì ban ấp xác định phải đặt sự kiên trì, tận tâm lên trên hết. Trưởng ấp Đặng Thanh Hùng rất mừng khi Thạch Tuấn (SN2003) vận động được mẹ em là chị Kim Thị Hà (1981) cho con trở lại lớp phổ cập. Tuấn chia sẻ, em thích đi học lắm nhưng vì không ai phụ trút mủ nên mẹ bắt nghỉ học. Chị Hà nói: “Nó ở nhà phụ tôi trút mủ chứ mình tôi làm không xuể. Cả nhà sống dựa vào 3,5 triệu đồng làm công, không đảm bảo công việc lấy gì mà ăn. Nhưng trưởng ấp vận động cho con đi học mà nó vẫn phụ trút mủ được nên tôi đồng ý”.

Không chỉ vất vả trong việc dạy, các thầy cô còn phải tích cực vận động giáo viên trong trường, bạn bè, người thân, nhà hảo tâm trên địa bàn xã ủng hộ tiền, mì tôm, quần áo, sách, vở, bút, mực... để tặng học sinh. Thỉnh thoảng, thầy cô còn trích lương mua kẹo, bánh “dụ” các em đến lớp.

“Ở nơi còn nhiều khó khăn thì tình thầy trò càng thêm sâu đậm. Chúng tôi phải đi vận động quần áo, sách, vở, lương thực, thực phẩm... để hỗ trợ các em. Bên cạnh đó, phải chiều học sinh hơn cả con của mình nữa. Các em có sai sót cũng phải nhẹ nhàng khuyên bảo chứ không dám la mắng. Nhiều hôm thầy, cô còn phải kiên nhẫn ngồi chờ trò đi làm về rồi mới dạy...” - cô Hưng cho biết.

Ngọc Tú

  • Từ khóa
86130

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu