Thứ 6, 19/04/2024 19:46:39 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giáo dục 08:00, 16/08/2013 GMT+7

Lớp học nơi biên giới

Thứ 6, 16/08/2013 | 08:00:00 190 lượt xem

Thấy nhiều em nhỏ chưa biết chữ, cán bộ, chiến sĩ thuộc Trung đoàn 717 (Binh đoàn 16 - Bộ Quốc phòng), đứng chân trên địa bàn các xã nghèo của huyện Bù Đốp đã xây dựng điểm trường, đưa lao động trong đơn vị đi đào tạo nghiệp vụ sư phạm rồi vận động phụ huynh đưa con đến gửi. Hơn 10 năm gieo chữ, đến nay phong trào khuyến học nơi vùng giáp biên với nước bạn Campuchia phát triển không ngừng.

XUẤT THÂN TỪ CÔNG NHÂN CAO SU

Cô Trương Thị Huyền (30 tuổi), giáo viên điểm trường Mầm non Hoa Hồng, thuộc trường Mẫu giáo Thanh Hòa, ở ấp 3, xã Thanh Hòa (Bù Đốp), nhớ lại: Cách nay hơn 11 năm, đến các hộ hỗ trợ phòng chống dịch bệnh, vận động người dân ăn chín uống sôi, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 717 đã chứng kiến nhiều trẻ là con em của lao động trong đơn vị và người dân không được đến lớp. Thế là các lớp học đơn sơ được dựng lên rải khắp biên giới. Lớp học lúc đầu vắng vì thiếu trẻ em. Mất cả năm trời vận động với bao vất vả, trẻ em dần lấp đầy các lớp và từ đó nơi đây trỗi dậy phong trào khuyến học.


Cô và trò tại điểm trường Mầm non Hoa Hồng, xã Thanh Hòa

Do gia đình quá khó khăn nên tốt nghiệp cấp 3, cô Huyền xin vào làm công nhân trồng mới ở Trung đoàn 717. Sau 3 năm, cô Huyền được đơn vị đưa đi đào tạo làm giáo viên. Gần 3 năm học tại tỉnh Đắk Lắk, cô tốt nghiệp cao đẳng mầm non và trở về đơn vị nuôi dạy trẻ đến nay.

Khác với cô Huyền, cô Từ Thị Điệp (33 tuổi), giáo viên điểm trường Mầm non Hoa Hồng), sau khi biết kết quả đậu đại học đã phải bỏ dở vì gia đình nghèo. Năm 2000, cô Điệp được đơn vị đưa đi học cao đẳng sư phạm mầm non. “Tôi không ngờ mình có được nghề nuôi dạy trẻ. Càng dạy tôi càng cảm thấy yêu nghề mến trẻ”, cô Điệp tâm sự.

Mới nghỉ hết chế độ thai sản, cô Nguyễn Thị Loan (32 tuổi) phải mang theo con nhỏ chưa đầy 8 tháng tuổi đến điểm trường Mầm non Hoa Hồng cùng nuôi, dạy. Hoàn cảnh của cô cũng giống những giáo viên khác đang công tác tại các điểm trường thuộc Trung đoàn 717. Cô Loan cho biết: “Từ một công nhân, bây giờ được nuôi dạy trẻ, tôi thấy mình may mắn và đã thực hiện được ước mơ”.

TRẺ EM ĐỀU ĐƯỢC ĐẾN TRƯỜNG

Chị Thị Ươi (31 tuổi), người Xê tiêng, ở khu dân cư đội 8, ấp Bù Tam, xã Hưng Phước (Bù Đốp), cho biết: “Các chú bộ đội nói là được học miễn phí, phải cho tụi nhỏ đi học cho biết chữ. Tôi nghe và cho cả 4 đứa con đi học. Nay hai đứa lớn đã đi học ở trường ngoài xã (trường Tiểu học Hưng Phước). Hai đứa nhỏ cô giáo cho ăn, ngủ cả ngày, chiều đi làm về mới đón, an tâm lắm”. Anh Điểu Cu Ti, chồng chị Thị Ươi nói thêm: “Hai vợ chồng không biết chữ, giờ tụi nhỏ được đi học biết chữ mình mừng lắm. Ngày nào cũng quen đến lớp nên tụi nó không còn theo bố mẹ lên rẫy nữa”.

Cũng làm công nhân cạo mủ trong Trung đoàn 717, anh Điểu Đen (25 tuổi) ở khu dân cư đội 8 có hai con đang gửi ở điểm trường Mầm non ấp Bù Tam, cho biết trước đây anh thích theo cha mẹ lên rẫy nên mới học hết lớp 5. Anh nói: “Biết chữ sau này sẽ dễ xin việc làm. Đồng bào được ưu tiên, học không tốn tiền nên tôi muốn mấy đứa học nhiều để lớn lên làm cán bộ”.

Năm học 2012-2013, Trung đoàn 717 tổ chức tuyên dương, tặng quà cho 234 cháu đạt học sinh giỏi, tiên tiến và 6 cháu đậu vào các trường đại học, cao đẳng với số tiền 45,8 triệu đồng. 2 gia đình được Hội Khuyến học huyện Bù Đốp tặng danh hiệu “Gia đình hiếu học”.
 
Cũng năm học qua, Trung đoàn 717 vận động được hơn 100 cháu, chủ yếu là đồng bào Xêtiêng, con em người dân các xã biên giới vào học tại các nhà trẻ, mẫu giáo của đơn vị.

Nhờ sự vận động của cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 717, các cấp, ngành địa phương, đặc biệt là những cô nuôi dạy trẻ thuộc các điểm trường của trung đoàn, nên hàng trăm đứa trẻ là con em cán bộ, lao động trong đơn vị và người dân trong vùng đều được đến trường đúng độ tuổi. Ngoài ra, do làm tốt công tác khuyến học, biểu dương khen thưởng kịp thời nên phụ huynh đã có ý thức đưa con em đến trường, tình trạng bỏ học giảm hẳn.

Cô Nguyễn Thị Hường, phụ trách nhà trẻ của Trung đoàn 717 cho biết, thuộc xã vùng biên giới khó khăn nên cơ sở hạ tầng cho giáo dục ở đây còn hạn chế. Từ khi Trung đoàn 717 xây dựng hệ thống trường mầm non, mẫu giáo, hỗ trợ học tập miễn phí nên hầu hết con em lao động, người dân trong vùng đều được đi học.

Từ 4 điểm trường đơn sơ, dã chiến, đến nay Trung đoàn 717 đã xây dựng được 10 nhà trẻ và 2 lớp mẫu giáo khang trang. Các điểm trường đáp ứng việc chăm sóc dạy dỗ trên 200 cháu vùng biên giới. 26 cô nuôi dạy trẻ trước đây là lao động được Trung đoàn 717 đưa đi đào tạo trung cấp, đại học mầm non tại TP. Hồ Chí Minh, Đắk Lắk đã có đủ phẩm chất, năng lực, yêu nghề, mến trẻ, đáp ứng yêu cầu giáo dục.

Thanh Trúc

  • Từ khóa
83114

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu