Thứ 7, 20/04/2024 02:35:31 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 06:15, 19/12/2018 GMT+7

Lớp học nghĩa tình

Thứ 4, 19/12/2018 | 06:15:00 1,590 lượt xem
BP - Nhiều năm qua, các cấp, ngành, chính quyền đã có nhiều chương trình hỗ trợ vùng sâu, xa, vùng biên giới, hải đảo. Thế nhưng đời sống nhân dân khu vực biên giới Bình Phước, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số phần lớn còn gặp nhiều khó khăn. Trình độ dân trí không đồng đều, số người mù chữ và nguy cơ tái mù chữ còn cao. Với mong muốn mang con chữ đến người dân, lớp học xóa mù chữ của Đồn biên phòng Bù Đốp (Bộ đội biên phòng tỉnh) đã nối dài ước mơ ở vùng biên.

TÌNH QUÂN - DÂN

Từ trung tâm xã vượt gần 10km đường đất ngoằn ngoèo, đi tắt trong các vườn điều, cao su của người dân, tôi có mặt tại tổ Bào Đỉa, thôn 7, xã Thiện Hưng, huyện Bù Đốp. Trong căn nhà chật chội, lộn xộn, thiếu ánh sáng, anh Lâm Kem (1978) vừa dỗ dành con gái vừa ngại ngùng khi nói chuyện với chúng tôi: “Không biết chữ xấu hổ lắm chị ạ”. Anh kể, cha mẹ vốn nghèo khó nên các anh chị em trong nhà đều không biết chữ, giờ lập gia đình cũng muốn biết chữ để đọc, viết như người ta. Khi tôi hỏi thêm về chuyện học hành của con gái, anh Kem nói: “Cháu 4 tuổi rồi nhưng từ đây ra trường học xa quá, đường đi lại khó khăn. Nhà neo người, vợ chồng tôi phải đi làm thuê để kiếm tiền nên không đưa đón cháu đi học được”.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Bù Đốp và cán bộ thôn 7, xã Thiện Hưng (Bù Đốp) đi vận động bà con học lớp xóa mù chữ

Cách nhà anh Lâm Kem không xa, Đại úy Ngô Minh Đức, nhân viên vận động quần chúng Đồn biên phòng Bù Đốp, người trực tiếp đi vận động và đứng lớp xóa mù chữ ở tổ Bào Đỉa dẫn chúng tôi đến nhà ông Nguyễn Văn Ninh bằng con đường tắt trong rẫy. Theo giới thiệu của anh Đức, gia đình ông Ninh là kiều bào Campuchia sinh sống tại địa phương từ năm 2001 theo diện di cư tự do. Gương mặt khắc khổ, dáng người lom khom, ông Ninh buồn rầu: Do chưa có quốc tịch, hộ khẩu nên việc học hành của con cái gặp trở ngại. Cũng một phần vì hoàn cảnh khốn khó nên cả 4 người con và 5 đứa cháu người học cao nhất cũng chỉ đến lớp 5, bập bẹ viết được vài chữ. Nay cán bộ biên phòng mở lớp dạy, cả con và cháu tôi đều đi học để biết chữ. Lớn tuổi học sẽ khó lắm nhưng đỡ bệnh tôi cũng xin đi học.

Ông Bùi Xuân Thung, Bí thư kiêm Trưởng thôn 7, xã Thiện Hưng cho biết: Bào Đỉa có 315 hộ với 1.025 người, trong đó hơn 50% là đồng bào dân tộc thiểu số; đời sống bà con gặp rất nhiều khó khăn. Không điện, đường đi lại khó khăn, không đất sản xuất, nhà ở tạm bợ. Quanh năm bà con chỉ trông chờ vào tiền làm thuê cho các nông trường và công ty cao su trên địa bàn. Vì vậy, việc học tập của con em các gia đình ở đây không được chú trọng. Để minh chứng thêm cho lời nói của ông Thung, Đại úy Ngô Minh Đức tiếp lời: Bà con ở đây đa số người già đều không biết chữ. Các cháu học cao nhất cũng đến lớp 5, lớp 6, dù địa phương và nhà trường đã nhiều lần vận động. Do vậy, nguy cơ tái mù chữ là rất cao.

VƯỢT KHÓ MỞ LỚP XÓA MÙ CHỮ

Vượt lên những khó khăn, sau nhiều tháng liền tích cực vận động bà con đi học, Đồn biên phòng Bù Đốp đã mở được lớp xóa mù chữ tại tổ Bào Đỉa. Đại úy Đức phấn khởi: Hiện đã có 20 người tuổi từ 15 đến hơn 50 đi học. Để tiện việc đi lại và học tập của bà con, lớp học được tổ chức 2-3 buổi tối mỗi tuần. Lớp học xóa mù chữ sẽ được dạy với 3 mức trong thời gian 9 tháng. 

Đại úy Đức chia sẻ, mở được lớp học xóa mù chữ tại Bào Đỉa là cả quá trình dài kiên trì vận động. Bởi trong nếp nghĩ của bà con, người già không cần phải học chữ, còn lớp trẻ quan niệm ở nhà đi làm thuê sẽ kiếm được tiền. Dự kiến ban đầu lớp học sẽ tổ chức tại hội trường nhà văn hóa thôn 7 bởi có điện thắp sáng, bàn ghế, bảng dạy học. Thế nhưng khi đi vận động, bà con từ chối vì khoảng cách xa. Vì thế, đơn vị quyết định mượn nhà dân tại tổ Bào Đỉa sửa sang lại để làm nơi dạy học. Tổ Bào Đỉa chưa có điện lưới, để khắc phục Đồn biên phòng Bù Đốp sắm thêm bình ắc-quy phát điện thắp sáng. Đồng thời, đơn vị tiếp tục vận động xin bàn ghế cũ về sửa, rồi mua sắm trang bị toàn bộ sách vở, viết cho học viên. “Ngoài ra, đơn vị duy trì vận động quần chúng, cử cán bộ, chiến sĩ giúp đỡ công việc gia đình để dần thay đổi nếp nghĩ, nếp sống tạo môi trường sống sạch sẽ, gọn gàng cho người dân” - Thiếu tá Nguyễn Bảy Kha, Chính trị viên Đồn biên phòng Bù Đốp nhấn mạnh.

“Lớp học xóa mù chữ ở tổ Bào Đỉa đã hoạt động ổn định khoảng 2-3 tháng nay, nếu điều kiện cho phép đơn vị sẽ tiếp tục mở thêm 1 lớp xóa mù chữ cho phụ nữ lớn tuổi ở thôn Thiện Cư, xã Thiện Hưng” - Đại úy Ngô Minh Đức cho biết thêm.

Hồng Ánh

  • Từ khóa
7760

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu