Thứ 7, 20/04/2024 11:40:55 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 16:14, 23/04/2013 GMT+7

Làm giàu nhờ áp dụng khoa học - kỹ thuật

Thứ 3, 23/04/2013 | 16:14:00 432 lượt xem

90% dân số Bù Đăng sống bằng nghề trồng trọt và chăn nuôi. Những năm qua, đời sống của người dân trong huyện từng bước ổn định nhờ áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi.

Ông Huỳnh Xuân Linh, Trưởng trạm Khuyến nông huyện Bù Đăng cho biết, trạm đã chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan, chính quyền các xã, thị trấn tổ chức nhiều lớp tập huấn, hướng dẫn phương pháp trồng và chăm sóc hồ tiêu, cao su, điều, cà phê, nuôi cá bè, gà thả vườn, heo rừng... để người dân áp dụng.

Nhờ áp dụng đúng khoa học - kỹ thuật nên vườn ca cao xen điều của nhiều hộ nông dân ở huyện Bù Đăng cho thu nhập cao - Ảnh tư liệu

Năm 2012, trạm đã tổ chức hội thảo về kỹ thuật ghép cải tạo vườn cà phê xấu, năng suất thấp cho 180 lượt nông dân. Trạm còn xây dựng mô hình trình diễn ủ phân hữu cơ bằng chủng nấm Trichiderma đang triển khai ở 3 xã Đường 10, Đồng Nai và Đoàn Kết. Mô hình sẽ tận dụng nguồn phế thải trong nông nghiệp làm phân bón (xác bã vỏ cà phê, lá điều, vỏ ca cao, phân bò, heo), giúp giảm chi phí, cải tạo đất, môi trường. Hoặc mô hình trồng cà phê vối trong vườn điều đang thực hiện ở 5 xã: Nghĩa Trung, Nghĩa Bình, Thống Nhất, Phước Sơn và thị trấn Đức Phong.

Thực hiện mô hình thâm canh cây lúa nước, do người dân chưa chú trọng đến khâu chọn giống nên trạm xây dựng 5 điểm trình diễn tại 2 xã Đoàn Kết và Đăng Hà, với giống lúa AS996 có năng suất trung bình trên 6 tấn/ha/vụ.

Ông Hà Lưu Phong ở xã Đường 10 cho biết: Từ khi được dự các lớp tập huấn, hội thảo do trạm khuyến nông tổ chức kết hợp với việc học hỏi những người có kinh nghiệm, tôi triển khai thực hiện nghiêm túc các bước theo quy trình như bón phân, phun thuốc, tỉa cành đối với vườn điều. Hiệu quả cho thấy năng suất bình quân 1-1,5 tấn nay tăng lên 2-2,5 tấn/ha. Gần 10 ha điều mỗi năm thu trên 20 tấn, ngoài ra còn thu hoạch từ chăn nuôi gà, vịt và sản phẩm từ cây trồng khác đã cho tổng thu nhập mỗi năm của gia đình ông Phong đạt trên 600 triệu đồng.

Ông Điểu Ngoi ở thôn 8, xã Đồng Nai trước kia có hơn 4 ha điều nhưng kinh tế luôn thiếu trước hụt sau. Kể từ khi áp dụng khoa học - kỹ thuật năng suất điều đã đạt trên 10 tấn/4 ha. Cuộc sống gia đình ông Ngoi hiện đã ổn định, mua sắm được xe máy, sửa lại nhà, con cái được học hành.

Ông Ma La Chi, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Đồng Nai cho biết, đồng bào dân tộc thiểu số trong xã nay đã biết áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, nên đời sống được cải thiện, nhiều hộ có thu nhập gần 500 triệu đồng/năm. Từ một xã thuộc diện nghèo khó nhất huyện nay Đồng Nai đã được Ủy ban MTTQ huyện công nhận xóa xong nhà tranh tre, nhà tạm đầu tiên của huyện.

Theo ông Bùi Văn Lời, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Đăng Hà, nông dân rất cần vốn để phát triển sản xuất, đầu tư thâm canh tăng vụ. Để khuyến khích nông dân làm giàu thì việc tạo thuận lợi trong vay vốn, nguồn vốn vay tăng lên, thời hạn dài hơn là rất cần thiết. Bên cạnh đó, các phong trào tạo quỹ giúp vốn phát triển kinh tế ở đoàn thể cũng cần phát huy, đồng thời duy trì, nhân rộng những mô hình làm ăn có hiệu quả để nông dân học tập.

  Ngọc Ba

  • Từ khóa
36456

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu