Thứ 5, 18/04/2024 12:01:24 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 14:30, 22/12/2017 GMT+7

Long đong nghề hát rong

Thứ 6, 22/12/2017 | 14:30:00 200 lượt xem
BP - Bóng chiều đổ xuống cũng là lúc những người bán kẹo kéo bắt đầu cuộc mưu sinh. Họ lang thang khắp tuyến đường, các quán nhậu, mang lời ca tiếng hát “đổi” gạo nuôi thân.

Muôn nẻo vào nghề

Lang thang khắp quán nhậu từ thị xã Đồng Xoài lên các thị xã Phước Long, Bình Long rồi ngược về huyện Phú Giáo (Bình Dương)..., “ca sĩ đường phố” Nguyễn Bá Thiên (28 tuổi) đã có 4 năm làm nghề hát rong. Bài hát Thiên thích nhất là ca khúc “Thành phố buồn” của nhạc sĩ Lam Phương. Đó là câu chuyện gắn liền với cuộc hôn nhân đầu tiên của Thiên. Một cuộc tình đẹp, dang dở và đã kết thúc trong nước mắt. Trước đây, Thiên làm công nhân cạo mủ cao su cho một nông hộ tại xã Đồng Tâm (Đồng Phú). Đó là thời gian Thiên có một gia đình hạnh phúc bên người vợ trẻ, cùng đứa con trai kháu khỉnh gần 1 tuổi. Nhưng bất hạnh bỗng nhiên ập xuống khi Thiên bị tai nạn. Người phụ nữ chung chăn gối đã bế con bỏ đi không nói một lời, mái ấm gia đình tan vỡ. Hoàn cảnh đưa đẩy nên Thiên gắn bó với nghiệp hát rong từ đó đến nay, Thiên nói: “Tôi vẫn yêu thích và thường hát bản tình ca “Thành phố buồn” bởi nó hợp với tâm trạng tôi”.

 

“Ca sĩ đường phố” Nguyễn Bá Thiên mong “tậu” được dàn nhạc để mưu sinh, trang trải cuộc sống hằng ngày“Ca sĩ đường phố” Nguyễn Bá Thiên mong “tậu” được dàn nhạc để mưu sinh, trang trải cuộc sống hằng ngày

 

Anh Nguyễn Phi Long (33 tuổi) đến với nghề hát rong cũng từ một câu chuyện buồn không kém. Tôi quen biết Long đã lâu, từng chứng kiến nhiều nghề mưu sinh của Long, từ đánh giày, bán vé số, diễn ảo thuật... Sau khi mẹ qua đời, Long lấy vợ và chuyển sang nghề hát rong, bán kẹo kéo. “Có vợ rồi, mình lại có động lực sống hơn. Dù sao mình cũng có sức khỏe để mà lao động” - Long chia sẻ với chúng tôi trong một lần bán kẹo tại quán ăn trên đường Trần Hưng Đạo, phường Tân Phú (Đồng Xoài).

Lận đận mưu sinh

Thiên sinh ra ở Ninh Thuận, là trẻ mồ côi từ nhỏ, đã chịu nhiều đói khổ cả vật chất lẫn tinh thần. Lưu lạc khắp xứ, cuối cùng Thiên trụ lại thị xã Đồng Xoài với nghề hát rong khắp các quán nhậu. Năm nay, bà ngoại mất, Thiên buồn lắm. “Tôi phải cố gắng sống thiệt tốt để ngoại yên tâm! Sức khỏe cũng hạn chế nên tôi chọn hát rong để kiếm cơm qua ngày. Riết rồi quen, thành nghề luôn đó chị” - Thiên chia sẻ về cơ duyên gắn bó với nghề hát rong, bán kẹo mưu sinh.

Cố gắng từng ngày nhưng di chứng của tai nạn khiến Thiên bị thọt chân, khoèo tay nên chẳng thể lao động nặng, muốn kiếm một công việc ổn định ở doanh nghiệp nhưng lại không thể. Thiên chọn nghề hát rong không vốn. “Loa đi mượn, xe đi thuê, kẹo bánh lấy về bán được bao nhiêu, hôm sau em mới trả tiền cho chủ. Thành ra bọn em gọi vui là nghề không vốn” - Thiên giải thích. Và cái giá của “không vốn” là Thiên phải chia một nửa số tiền kiếm được cho chủ các phương tiện đã nêu. Bình quân mỗi ngày Thiên kiếm được 300-400 ngàn đồng nhưng thực thu chỉ được một nửa. Mới quen người “vợ mới”, Thiên kể: “Cô ấy có con riêng, lại ở nhà thuê nên cuộc sống vợ chồng cũng chật vật. Về mùa mưa, ca hát bữa được, bữa mất, thu nhập bấp bênh lắm. Có lần bị cướp đuổi tại xã Phú Riềng, huyện Phú Riềng, rất may em chạy vô nhà dân, được mọi người giúp đỡ nên thoát thân”.

Từ ngày có vợ, Long vui vẻ hẳn. Long kể: “Ngày em đi bán vé số, chiều tối bán kẹo kéo. Em không biết chạy xe honda, may có vợ biết chạy, kiêm hát. Hai vợ chồng chịu khó làm, dành dụm mong cuộc sống đỡ cực hơn. Hôm nào may mắn “gánh hát rong” kiếm được 500-700 ngàn đồng. Nhưng nhiều hôm, gặp khách khó tính, họ xua đuổi, hoặc có lời lẽ miệt khinh tụi em. Những lúc như thế, em tủi thân lắm”.

Mỗi gánh hát là một câu chuyện đời đầy ngậm ngùi. Mỗi người một giấc mơ. Và đêm đêm dưới ánh đèn đường, bên các tụ điểm nhậu, những giọng ca đường phố vẫn âm thầm mưu sinh để dệt nên những giấc mơ đời.

Tường Linh

  • Từ khóa
60007

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu