Thứ 5, 28/03/2024 22:00:13 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 14:08, 19/01/2020 GMT+7

“Lòng dân - Vận nước”

N.D
Chủ nhật, 19/01/2020 | 14:08:00 552 lượt xem

BPO - Theo sách “Khâm định Việt sử thông giám cương mục”, Trịnh Căn ở ngôi chúa trong 27 năm, từ 1682-1709. Tháng 7-1674, Trịnh Căn được tiến phong làm Nguyên soái Điển Quốc chính Định Nam vương. Tháng 8-1682, Tây vương Trịnh Tạc mất, Trịnh Căn lên thay. Tháng 4-1684, Trịnh Căn được tiến phong làm Đại nguyên soái Tổng Quốc chính, Thượng thánh phụ sư thịnh công nhân minh uy đức Định vương. Đây là thời kỳ đất nước tương đối ổn định sau nửa thế kỷ chiến tranh binh lửa với họ Nguyễn ở phương Nam và dẹp yên dư đảng họ Mạc ở phương Bắc.

Minh họa: S.H

Trong suốt thời gian ở ngôi chúa, Trịnh Căn chú tâm củng cố bộ máy cai trị đàng Ngoài nhằm ổn định xã hội trên cơ sở lấy dân làm gốc. Về chế độ quan lại, tiến hành cải cách việc thuyên bổ, khảo hạch quan chức và quy định lề lối làm việc của hàng ngũ quan lại. Tháng 12-1684, Trịnh Căn ra lệnh khảo sát trong các quan xem ai biết thương yêu dân mới được dân bầu cử lên và được xét thăng chức. Tháng 8-1685, ông cho định lại phép khảo xét công trạng quan lại, thăng thưởng, truất giáng tùy theo từng loại. Tháng 7-1691, ông cho khảo xét các quan trong cả nước.

Bên cạnh chỉnh đốn bộ máy quan lại, chúa Trịnh Căn đề cao pháp luật, giữ nghiêm phép nước để thực hiện công bằng xã hội và chăm lo ổn định đời sống nhân dân. Tháng 4-1684, ông cho định thành luật lệnh cho Hiến ty các xứ hằng năm rà soát tình hình đói khổ, bệnh tật của dân, cuối năm tập hợp tâu lên. Tháng 10-1687, chúa sai quan kinh sư đi các nơi xem thế đất, làm guồng nước để tưới ruộng, xét việc khoan giảm và xá thuế. Tháng 7-1694, ông ra lệnh cho quan châu, huyện làm sổ ghi chép về địa giới, núi sông, khe suối, ruộng đất, chùa miếu, chợ búa, bến đò, đường sá... của từng địa phương để quản lý hành chính.

Tháng giêng năm 1695, xứ Thanh Hoa nước lớn, dân đói kém, ông cho phát 1 vạn quan tiền kho chẩn cấp, lại sai giảm tô thuế, hoãn việc xây cất. Tháng giêng năm 1703, hạn hán đói kém, xá thuế thân cho xứ Thanh Hoa, ông lại cho xuất tiền bạc cấp cho dân nghèo đói trong kinh thành... Tháng 10-1707, chúa Trịnh Căn ban lệnh thực hiện phép chọn quan phủ theo nguyên tắc tiến cử. Sách “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” đã chép lại việc này, kèm theo lời cẩn án của các tác giả như sau:

Trịnh Căn nhận thấy các chức quan ở phủ và huyện đều là chỗ rất gần gũi với dân, vậy mà bộ Lại, khi cất nhắc hay thuyên bổ đi nơi khác chỉ dựa vào lệ riêng, khiến người tài năng và giàu kiến thức không có dịp để tỏ rõ cho nước nhà thấy. Chúa cho rằng, 2 cơ quan là Thừa Chính Ti và Hiến Sát Ti, thường ngày đều có dịp để am hiểu những người làm việc dưới quyền của mình thì việc phân tích và nhận định hẳn nhiên là có phần dễ dàng hơn. Bởi thế, chúa hạ lệnh cho 2 cơ quan này của các xứ phải chọn trong số các viên huyện lệnh (là chức đứng đầu 1 huyện) dưới quyền mình để đề cử xem người nào có thể giữ chánh hoặc phó của một phủ (xưa, một phủ thưởng gồm nhiều huyện). Chọn xong, cả người đề cử lẫn người được tiến cử đều phải về kinh sư để xét rõ hư thực, sau sẽ theo đó mà thuyên chuyển hay cất nhắc.

Lời cẩn án trong sách này như sau: Muốn bàn việc chính trị phải hiểu tận nguồn gốc của chính trị. Ông Chu Tử người đời Tống (Trung Quốc) nói: Giám Ti (cơ quan giám sát việc thực hiện luật pháp ở các địa phương) là đầu mối của Thú (chức đứng đầu của 1 quận) và Lệnh (chức đứng đầu của 1 huyện) mà triều đình là gốc rễ của Giám Ti. Mệnh lệnh này của chúa Trịnh Căn kể cũng có phần thận trọng trong việc lựa chọn chức Thú và chức Lệnh. Nhưng, liệu triều đình lúc bấy giờ có thật trong sạch hay không? 2 cơ quan Thừa Chính và Hiến Sát liệu có phải là do những vị quan hiền tài, lương thiện nắm không? Còn như việc bắt cả người đề cử lẫn người được tiến cử đều phải về kinh sư để xét rõ hư thực, chẳng phải là vừa phiền phức vừa bê trễ cả việc công đó hay sao?

Lời bàn:

Theo sử cũ, vào tháng 4-1684, chúa Trịnh Căn đã xuống chỉ rằng: Thương yêu nhân dân là công việc đứng đầu trong mọi việc chính trị. Với điều này, Trịnh Căn đã tiếp nhận được tư tưởng tiến bộ bậc nhất của Nho giáo - “dân là gốc”. Và tư tưởng này đã được cha ông ta, trải qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, tiếp thu, sáng tạo theo đúng bản sắc dân tộc mình. “Dân là gốc của nước nhà, gốc có vững thì nước mới yên”, “Cái gì dân muốn thì trời cũng phải thuận theo”...

Nói về Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn, chắc hẳn mọi người còn nhớ, trước phút lâm chung, ông đã đúc kết những triết lý nền tảng đó thành lời dặn dò đối với vua Trần Anh Tông, rằng: Khoan thư sức dân làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách giữ nước. Về sau, Nguyễn Trãi, qua thực tiễn 10 năm kháng chiến chống giặc Minh, ông đã đúc kết lại rằng: “Chở thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân”, “Lật thuyền mới biết dân như nước”... Và trong thời đại ngày nay, tư tưởng trọng dân đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh làm sáng tỏ hơn: “Nước lấy dân làm gốc. Gốc có vững cây mới bền”, “Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”... Thế mới biết rằng, lòng dân cũng chính là vận nước.

  • Từ khóa
110282

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu