Thứ 4, 24/04/2024 06:11:09 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 07:18, 10/01/2018 GMT+7

Long Bình chăm lo đời sống đồng bào DTTS

Thứ 4, 10/01/2018 | 07:18:00 106 lượt xem

BP - Long Bình là xã còn nhiều khó khăn của huyện Phú Riềng với 11 thành phần dân tộc chung sống. Đa số hộ dân sống dựa vào nông nghiệp, thương mại - dịch vụ mang tính nhỏ lẻ, hộ nghèo và cận nghèo còn 238 hộ theo tiếp cận đa chiều, 21% số dân là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS)... Vì thế, không chỉ quá trình xây dựng nông thôn mới gặp nhiều khó khăn mà việc nâng cao đời sống người dân cũng nan giải. Tuy nhiên, bằng nhiều giải pháp cụ thể, trong đó tập trung nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở, hỗ trợ bằng nhiều nguồn lực nên đời sống đồng bào DTTS nơi đây từng bước được cải thiện.

Chăm lo từ miếng ăn đến sắm “cần câu”

Đến xã Long Bình, điều dễ thấy là đa số người DTTS ở miền núi phía Bắc như Tày, Nùng, Hoa, Thái... vào lập nghiệp đều có cuộc sống từ trung bình trở lên, nhiều hộ kinh tế sung túc điển hình như hộ các ông Nghiêm Xuân Sèng, Nghiêm Xuân Phương, Nghiêm Văn Tân... Trong khi đó, đời sống của người dân tộc bản địa S’tiêng lại gặp nhiều khó khăn, túng thiếu...

Đồng bào DTTS ở thôn 7 giờ đã có thêm thu nhập từ bóc vỏ lụa hạt điều

Ông Lê Danh Biên, Phó chủ tịch UBND xã cho biết: “Ở Long Bình số đông đồng bào DTTS phía Bắc vào chăm chỉ làm ăn, am hiểu chính sách dân tộc, có ý thức tuân thủ và chấp hành tốt các chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Người dân biết áp dụng khoa học - kỹ thuật vào chăm sóc vườn, cho năng suất cao và trồng nhiều cây công nghiệp có giá trị cao nên đa số kinh tế ổn định. Nhiều hộ thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm”.

Những hộ đồng bào DTTS hoàn cảnh khó khăn thường sinh sống rải rác tại vườn cây của gia đình, xa khu vực trung tâm thôn, xã, dẫn đến chưa có điện thắp sáng, giao thông khó khăn. Những hộ dân tộc S’tiêng rơi vào đối tượng nghèo, cận nghèo vì ít tiếp cận và áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, còn ỷ lại chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Ông Biên cho biết thêm, lãnh đạo xã luôn chủ động tuyên truyền vận động đồng bào chấp hành tốt các quy định của Nhà nước và địa phương, tạo việc làm nhưng tư tưởng ỷ lại của nhiều hộ S’tiêng chuyển biến chậm. Mỗi dịp tết đến, nhiều hộ chỉ trông chờ vào những phần quà tết để vui xuân. Năm 2017, lãnh đạo xã đã phối hợp vận động được 508 phần quà tết tặng hộ nghèo, cận nghèo. Chăm lo tết cho người nghèo, chủ yếu là hộ S’tiêng trên địa bàn xã đón xuân Mậu Tuất đầy đủ, các cấp ủy đảng, chính quyền đã phối hợp cán bộ hội, đoàn thể vận động tổ chức, cá nhân hỗ trợ, đóng góp để tết của người dân được trọn vẹn. Năm 2017 đã có 109 hộ được cứu đói với hơn 6.045 tấn gạo.

Khi chúng tôi hỏi thăm việc gia đình lo tết đến đâu, cụ Điểu Thị Khoang (1937) ở ấp 7, xã Long Bình nhăn nhó: “Nhà mình nghèo lắm, các con đi làm thuê không đủ ăn, không có Nhà nước lo là không có tết đâu!”.

Đó là nỗi lo trước mắt, còn về lâu dài, lãnh đạo xã phối hợp với các cấp, ngành hữu quan tổ chức mở lớp dạy nghề cạo mủ cao su và tìm việc làm cho người dân. Hiện các hộ dân đã có thêm thu nhập từ nghề bóc tách vỏ và vỏ lụa hạt điều do cán bộ hội, đoàn thể đứng ra bảo lãnh.

Những tín hiệu vui

Khu định canh, định cư thuộc xóm 3, ấp 7, xã Long Bình thành lập năm 2004, theo Dự án 33 của Chính phủ. Bình quân mỗi hộ được cấp khoảng 0,6 ha đất, trong đó 400m2 đất ở, còn lại là đất sản xuất. Ban đầu ở đây chỉ có 29 hộ nhưng đến nay đã có 44 hộ, gồm 170 người và đến năm 2015 vẫn còn 41/44 hộ nghèo. Sau nhiều nỗ lực hỗ trợ của cả hệ thống chính trị, đến nay khoảng 1/3 số hộ đã thoát nghèo.

Nhờ chuyển biến từ xây dựng nông thôn mới mà đường đến thôn 7 cách trung tâm xã Long Bình chừng 3km đã được thảm nhựa, hai bên đường là những ngôi nhà xen giữa vườn cao su và điều xanh tốt. Trong mỗi ngôi nhà, các mẹ, các chị em tranh thủ cạo vỏ lụa hạt điều để kiếm thêm thu nhập. Từ đầu năm 2016, để đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho các hộ DTTS, Chi bộ thôn 7 cùng các tổ chức hội, đoàn thể đã vận động nhà hảo tâm đầu tư xây dựng công trình cấp nước trị giá hơn 200 triệu đồng; trong đó nhân dân đóng góp 70 triệu đồng và 50 ngày công lao động đưa nước về từng nhà. Nhờ đó người dân không phải lo cảnh thiếu nước vào mùa nắng.

Long Bình hiện có 458 hộ DTTS/2.001 người, sống rải rác ở 11 thôn. Trong đó, 4 thôn có đông người DTTS là thôn 5, 8, 9 và 10. Số lượng cụ thể, dân tộc Tày 62 hộ/295 người; Thái 7 hộ/27 người; Nùng 107 hộ/399 người; Hoa 185 hộ/891 người; Chơro 3 hộ/10 người; Sán dìu 8 hộ/41 người; Mường 12 hộ/55 người; Dao 18 hộ/75 người; Êđê 3 hộ/10 người. Riêng đồng bào S’tiêng có 53 hộ thì chỉ 5 hộ sống tại thôn 10, còn lại tập trung ở thôn 7, với 198 người.

Ông Lê Danh Biên nói: Năm 2018, lãnh đạo xã đã đề ra chỉ tiêu đào tạo việc làm cho 35-40 lao động và giải quyết việc làm cho 200 người, chủ yếu là đồng bào DTTS. Giải pháp của xã là nâng cao hiệu quả đào tạo nghề, giải quyết việc làm; thực hiện tốt các chương trình giảm nghèo, chính sách an sinh xã hội; chỉ đạo các hội, đoàn thể phối hợp Trạm Khuyến nông huyện Phú Riềng mở các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật vào sản xuất để người dân được tiếp cận, góp phần nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi.

Niềm vui lâu dài đối với đồng bào DTTS nơi đây còn là việc được Nông trường 8 (Công ty TNHH MTV cao su Phú Riềng) thuê cạo mủ cao su ở vườn cây 100 ha trên địa bàn. Ngoài ra, 44 hộ dân ở khu định canh, định cư thuộc xóm 3, ấp 7 có tổng diện tích 5 ha được 1 đội ngũ cạo mủ chuyên nghiệp cạo thường xuyên và chia đều thu nhập hằng tháng cho các hộ.

Ngọc Tú

  • Từ khóa
60093

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu