Thứ 5, 25/04/2024 21:22:02 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 04:56, 24/08/2017 GMT+7

Lợi “kép” từ nuôi trồng thủy sản trên hồ chứa

Thứ 5, 24/08/2017 | 04:56:00 347 lượt xem
BP - Tận dụng diện tích mặt nước tại các hồ chứa để phát triển nghề nuôi trồng thủy sản nước ngọt đang là hướng đi mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho người dân, được ngành nông nghiệp khuyến khích. Bởi việc nuôi trồng thủy sản không chỉ giúp người dân cải thiện kinh tế mà còn góp phần duy trì, bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại các hồ, đập…

Sáng sớm, chúng tôi có mặt tại chân bờ hồ chứa nước Đồng Xoài. Không khí lúc này khá nhộn nhịp bởi hàng chục chiếc thuyền của người dân đi đánh bắt cá cập bến kết thúc một đêm mưu sinh. Dù khá mệt mỏi vì phải thức suốt đêm đánh bắt cá, thế nhưng thuyền vừa đến bờ ai cũng tranh thủ thu dọn đồ đạc và vận chuyển cá để kịp mang ra chợ sáng. Mẻ cá chép, mè, rô phi... tươi rói đựng trong những chiếc thùng xốp nhanh chóng được đưa lên bờ rồi theo xe máy về chợ huyện Phú Riềng.

Từ khi hồ chứa Đồng Xoài tích nước (năm 2003), lòng hồ được mở rộng khoảng 470 ha. đối với nhiều hộ nghèo ở các ấp Thuận An, Thuận Hòa, Thuận Tân (xã Thuận Lợi, huyện Đồng Phú), đây là địa bàn mưu sinh đánh bắt thủy sản. Nguồn lợi thủy sản trong hồ đã mang lại thu nhập, góp phần cải thiện đời sống người dân trong vùng. Khoảng 14 năm trước, người dân sinh sống quanh lòng hồ chứa chủ yếu làm nương rẫy, trồng lúa, chăn nuôi gia súc. Dần dần, những người dân nơi đây trở thành ngư dân thực thụ. Với mục tiêu tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người dân tái định cư lòng hồ, khai thác hiệu quả diện tích mặt nước hồ chứa để phát triển nuôi trồng thủy sản, từ năm 2008, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai mô hình tổ nuôi cá cộng đồng tại hồ chứa nước Đồng Xoài với 32 thành viên.

Sau 3 tiếng đồng hồ thả lưới, anh Dư Công Hưng đã bắt được hơn 10kg cá

Anh Phan Viết Hùng, Tổ trưởng Tổ nuôi cá cộng đồng cho biết: Trước đây, người dân đánh bắt cá theo kiểu mạnh ai nấy làm, miễn là kiếm được nhiều cá, không nghĩ tới bảo vệ nguồn lợi thủy sản về sau. Vì vậy, khi được Trung tâm Thủy sản tư vấn, tôi cùng một số anh em trong vùng đăng ký tham gia tổ. Hằng tháng, tổ họp giao ban, nắm bắt khó khăn để kịp thời hỗ trợ, giải quyết.

Mỗi năm, tổ nuôi cá cộng đồng thả 1,5 tạ cá giống, Trung tâm Thủy sản hỗ trợ 2 tạ cá giống thả xuống hồ chứa. Khoảng 2 tháng sau, người đánh cá chỉ được thả lưới kích cỡ lớn. Cá thả vào tháng 7 hoặc tháng 10, sau 6-7 tháng thì bắt đầu thu hoạch theo kiểu “đánh tỉa” chỉ thu cá lớn, giữ lại cá nhỏ. Vì thế ngày nào người dân nơi đây cũng có “đồng ra đồng vào” để trang trải cuộc sống gia đình.

Từ khi hồ chứa nước Đồng Xoài đi vào hoạt động, anh Hùng cùng nhiều người dân sống gần khu vực lòng hồ đã đầu tư tiền mua thuyền và lưới để tìm “lộc” tôm, cá. “Ở lòng hồ đánh bắt chủ yếu các loại cá rô phi, lóc, chép và nhiều loại cá tạp khác. Mỗi ngày cũng kiếm được khoảng 300 ngàn đồng sau khi trừ chi phí, đủ mua gạo, thức ăn và trang trải cuộc sống hằng ngày” - anh Hùng nói.

Cùng với thả lưới trên lòng hồ thì cắm câu cũng là phương tiện bắt cá hiệu quả về đêm. Thuyền nào đi đánh bắt cá trên lòng hồ cũng trang bị cần câu để cắm dọc bờ hồ. Anh Dư Công Hưng ở ấp Thuận An cho biết: Chiều xuống, sau khi thả lưới, mình đem cần câu đi cắm dọc mép nước gần bờ. Đến khuya mình thăm, gỡ cá rồi lại móc mồi câu tiếp. Hôm nào “trúng mánh” cũng kiếm được kha khá.

Anh Hưng đưa chúng tôi đi vòng quanh hồ bằng thuyền. Giữa không gian mênh mông trời, nước, bỗng có cơn gió thổi mạnh khiến con thuyền chòng chành, làm chúng tôi không khỏi giật mình bởi trên thuyền không có vật dụng cứu hộ. Để trấn an, vừa điều khiển thuyền, anh Hưng cười tươi: “Gió thế này chẳng sao đâu”. Trời sẩm tối cũng là lúc anh Hưng buông xong tay lưới cuối cùng. Đưa thuyền vào gần bờ, anh lấy hộp cơm từ trong thùng xốp nhỏ mang theo để dùng bữa tối ngay trên thuyền. “Từ ngày hành nghề đánh bắt cá trên lòng hồ, hầu như tối nào tôi cũng ăn, thậm chí ngủ trên thuyền” - anh Hưng nói. Đánh bắt cá ở lòng hồ tuy vất vả, đôi khi gặp hiểm nguy, tuy nhiên đổi lại nghề này giúp người dân có thu nhập hằng ngày. Có ngày được “lộc”, người dân chài thu lợi 400-500 ngàn đồng, còn trung bình sau một đêm thức trọn với sông nước, họ sẽ bỏ túi khoảng 200-300 ngàn đồng.

Cũng như người lớn, trẻ con sống ở khu vực ven hồ chứa nước lên 10 tuổi đã biết câu cá, thậm chí có em giăng lưới thành thục, biết canh con nước, ngọn gió để đặt câu, buông lưới. Với những người dân chài sống và gắn bó trên lòng hồ này qua bao mùa mưa nắng, nguồn lợi thủy sản vô cùng quan trọng với cuộc sống của họ. Vì thế, ngư dân trên lòng hồ chứa nước Đồng Xoài chỉ đánh bắt cá bằng phương thức truyền thống, dùng con thuyền độc mộc, tấm lưới, cần câu. Bởi theo họ, đây là cách đánh bắt tốt nhất không tận diệt mà nuôi dưỡng được nguồn lợi thủy sản, nhờ đó bà con có thể gắn bó lâu dài với nghề.

Nhung - Hiền

  • Từ khóa
41988

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu