Thứ 7, 20/04/2024 00:45:47 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 15:04, 08/04/2015 GMT+7

Lợi ích kép, nhưng không ít lo ngại!

Thứ 4, 08/04/2015 | 15:04:00 109 lượt xem
BP - Ngày 3-11-2014, Bộ trưởng Bộ Giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) Phạm Vũ Luận ban hành Chỉ thị số 5105 về việc chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm đối với giáo dục tiểu học, trong đó yêu cầu “không tổ chức khảo sát học sinh đầu năm học, không tổ chức thi tuyển học sinh vào lớp 6”. Ngày 17-3-2015, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển đã ký ban hành Văn bản số 1258/BGDĐT-GDTrH gửi sở GD-ĐT các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương yêu cầu không tổ chức thi tuyển sinh vào lớp 6.

Việc Bộ GD-ĐT quyết định năm học 2015-2016 cấm thi tuyển vào lớp 6 là một chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân. Sau khi nhận được thông tin này, nhiều phụ huynh học sinh có cùng một suy nghĩ rằng, quyết định trên đây của Bộ GD-ĐT đã mang lại lợi ích kép, vì vừa giảm áp lực cho học sinh, lo lắng của phụ huynh lại vừa ngăn chặn được tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan như hiện nay. Tuy nhiên, hiện lợi ích kép trên cũng đang gây ra không ít băn khoăn đối với các trường và lo lắng cho phụ huynh.

Bởi đã thành thông lệ từ nhiều năm nay, việc tuyển sinh vào các trường THCS, nhất là các trường điểm đã trở thành vấn đề nóng của xã hội, nhất là ở các thành phố lớn. Thực tế để được vào những trường điểm là một cuộc đua nóng không kém thi đại học. Và phụ huynh là chủ điểm chính cho việc hối thúc con em học thêm, ôn luyện để có “tấm vé” vào trường có chất lượng. Vì thế, mấy ngày nay trên các trang mạng xã hội có nhiều bậc phụ huynh tỏ rõ thái độ băn khoăn: “Nếu không bằng hình thức thi tuyển thì sẽ bằng hình thức gì? Nếu không thi mà dùng kết quả học tập xét thi tuyển thì rất có thể dẫn đến việc chạy chọt, nâng điểm, làm đẹp học bạ để được vào trường tốt... Và như vậy sẽ xảy ra tình trạng có học sinh giỏi lại bị loại trừ, còn học sinh kém nhưng được cha mẹ khéo thu xếp thì lại trúng tuyển?

Trao đổi với ban giám hiệu của một số trường THCS ở Đồng Xoài và được biết hiện các trường rất lúng túng trong việc tìm giải pháp tuyển sinh vừa đáp ứng được quyền lợi lựa chọn những học sinh khá nhất trong số những em có nhu cầu vào trường, vừa đảm bảo công khai, minh bạch và công bằng trong tuyển sinh đối với học sinh. Trong khi đó, phát biểu với giới báo chí, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển nhấn mạnh: “Lựa chọn hình thức tuyển sinh như thế nào là từng nhà trường xây dựng phương án, trình cơ quan quản lý có thẩm quyền của địa phương quyết định, nhất thiết không phải là kiểm ra kiến thức ở tiểu học. Các cơ sở giáo dục THCS, công lập hay ngoài công lập đều được thành lập phù hợp với quy hoạch phát triển giáo dục của địa phương, do cơ quan quản lý giáo dục địa phương phê duyệt kế hoạch tuyển sinh hàng năm. Trước hết đảm bảo nhiệm vụ phổ cập, bao nhiêu lớp, bao nhiêu chỉ tiêu cũng phụ thuộc vào năng lực đáp ứng của nhà trường. Do vậy, để đảm bảo giáo dục toàn diện và khắc phục tiêu cực trong việc dạy học quá tải ở tiểu học, tất cả các cơ sở này đều không được tuyển sinh vào lớp 6”.

Như vậy là đã rõ, Bộ GD-ĐT đã chủ động trao quyền cho các trường THCS trong việc tuyển sinh vào lớp 6. Vấn đề còn lại là từng nhà trường, nhất là các trường có chất lượng cao, trường điểm phải có phương án cụ thể, rõ ràng, công khai, minh bạch và đặc biệt là rất cần sự giám sát chặt chẽ của cộng đồng thì mới tránh được tiêu cực.

T. Giang

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu