Thứ 7, 20/04/2024 01:20:09 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 14:57, 05/10/2019 GMT+7

Lợi ích của mô hình y học gia đình

Thứ 7, 05/10/2019 | 14:57:00 1,577 lượt xem

BP - Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư số 21/2019/TT-BYT hướng dẫn thí điểm về vị trí, chức năng, nhiệm vụ của cơ sở y học gia đình; nhiệm vụ của bác sĩ gia đình; văn bằng chuyên môn, giấy chứng nhận đào tạo về y học gia đình. Theo quy định tại thông tư này, các cơ sở y học gia đình bao gồm các trạm y tế cơ sở; phòng khám đa khoa, chuyên khoa tư nhân, khu vực... và là nơi đầu tiên tiếp nhận, quản lý, chăm sóc sức khỏe ban đầu, tư vấn, phòng bệnh, nâng cao sức khỏe, cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh đa khoa theo nguyên lý y học gia đình cho cá nhân, hộ gia đình.

Thực tế cho thấy, mạng lưới cơ sở y tế ở nước ta tuy đã phát triển nhưng chưa thích ứng với sự thay đổi của cơ cấu bệnh tật, cũng như chưa đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân. Vì vậy, y tế tuyến cơ sở phải thay đổi nhằm làm tốt hơn nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân. Và y học gia đình là mô hình cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe toàn diện, liên tục cho từng cá nhân và hộ gia đình. Mô hình y học gia đình là giải pháp rất hiệu quả để chăm sóc sức khỏe, phát hiện sớm bệnh lý, can thiệp kịp thời, giảm biến chứng. Khi triển khai thành công mô hình y học gia đình sẽ mang lại hiệu quả giảm chi phí y tế, tăng tuổi thọ người dân, giảm tỷ lệ bệnh nặng, tăng sự hài lòng của người dân về các dịch vụ y tế, bảo đảm công bằng trong chăm sóc y tế. Mặt khác, triển khai hoạt động y học gia đình hiệu quả không những giúp khắc phục triệt để tình trạng quá tải bệnh viện mà còn góp phần cải tổ hệ thống y tế. Do đó, phát triển y học gia đình gắn với đổi mới, nâng cao chất lượng y tế cơ sở là một trong những giải pháp mà ngành y tế sẽ triển khai thực hiện nhằm giúp người dân được tiếp cận với các dịch vụ y tế có chất lượng ngay từ tuyến cơ sở.

Chức năng, nhiệm vụ của phòng khám bác sĩ gia đình là sơ cứu, khám chữa bệnh đối với các bệnh thường gặp tại phòng khám hoặc tại nhà người bệnh; thực hiện việc chăm sóc sức khỏe, sàng lọc phát hiện sớm bệnh tật. Bác sĩ gia đình là người tư vấn, đối chiếu sự thay đổi các chỉ số xét nghiệm được lưu trữ qua nhiều năm theo dõi cho từng cá nhân và hộ gia đình. Bác sĩ gia đình là bác sĩ đa khoa thực hành, chăm sóc toàn diện, liên tục cho người bệnh, có mối quan hệ lâu dài và bền vững với người bệnh, là những thầy thuốc gắn với dân và gần dân nhất. Hoạt động của bác sĩ gia đình sẽ giảm bớt gánh nặng cho các bác sĩ chuyên khoa và tiết kiệm được chi phí nằm viện cho bệnh nhân, mang lại hiệu quả kinh tế cho người bệnh và gia đình. Chăm sóc sức khỏe ban đầu theo mô hình y học gia đình là phương thức tiên tiến, hiệu quả nhất hiện nay, đã được áp dụng thành công ở nhiều quốc gia. Vì vậy, mô hình y học gia đình tại Việt Nam đang được nhiều người mong đợi để áp dụng cho bản thân và gia đình.

Hy vọng rằng, với quyết tâm của ngành y tế, sự ủng hộ của cả hệ thống chính trị và toàn dân, công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu theo mô hình y học gia đình sẽ mang lại hiệu quả, góp phần nâng cao sức khỏe cả về thể chất và tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ, chất lượng cuộc sống của nhân dân. Đây cũng là một trong những việc làm nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới. 

Thanh Hà

  • Từ khóa
109203

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu