Thứ 7, 20/04/2024 16:38:39 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 08:31, 21/11/2017 GMT+7

Lời hối muộn màng

Thứ 3, 21/11/2017 | 08:31:00 204 lượt xem

BP - Thời phong kiến, vua là tối thượng, được xem là thiên tử và luôn luôn đúng. Song một số vị vua đã “dũng cảm” nhận lỗi với bề tôi khi thấy mình sai. Và vua Lý Cao Tông là một trong những người làm được điều này. Ông là vị hoàng đế thứ 7 của nhà Lý, cai trị từ năm 1175-1210. Ông tên thật là Lý Long Trát hay Lý Long Cán, sinh tại kinh đô Thăng Long và là con trai thứ 6 của Lý Anh Tông, mẹ là Đỗ Thụy Châu. Ông sinh ngày 25-5 năm Quý Tỵ (1173), khi mới lên 3 tuổi đã được đưa lên ngôi. Vua Anh Tông truất ngôi con cả là Long Xưởng và phong ông là hoàng thái tử, ủy thác cho Tô Hiến Thành giúp đỡ.

Minh họa: S.H

Sau khi vua Lý Anh Tông mất (1175), hoàng hậu - vợ chính của Anh Tông là Chiêu Linh thái hậu muốn lập con là Lý Long Xưởng lên ngôi, nhưng nhờ có sự kiên quyết của Thái úy Tô Hiến Thành mà Lý Cao Tông vẫn được tôn phù ở ngôi báu. Song không lâu sau (năm 1179), Tô Hiến Thành qua đời vì tuổi già. Trước khi mất, vì vua mới lên 7 tuổi nên Hiến Thành tiến cử Trần Trung Tá với Đỗ thái hậu. Thái hậu dù khen hay nhưng cuối cùng không theo lời, lấy Đỗ An Di làm phụ chính.

Năm 1181, thái tử cũ là Long Xưởng dẫn đầu các gia thuộc nô lệ trộm cướp bừa bãi, muốn mưu làm loạn. Tới năm sau, thái hậu dùng Đỗ Kính Tu làm đế sư (thầy của vua), trong thì hầu việc giảng sách, ngoài thì dạy dân trung hiếu, từ đấy Chiêu Linh thái hậu và Long Xưởng không dám manh tâm mưu khác nữa.

Cao Tông tuy giữ được ngôi vua nhưng khi trưởng thành đã không trở thành minh quân của nhà Lý. Tới năm 1190, ông dùng em vợ (An Toàn nguyên phi) là Đàm Dĩ Mông, vốn là người không có học làm Thái phó nên việc triều chính càng suy sút. Do chính sự rối ren, lòng dân oán hận, nhiều cuộc khởi nghĩa của nông dân và ly khai của các hào trưởng địa phương nổ ra.

Năm 1192, người vùng giáp Cổ Hoằng ở Thanh Hóa làm phản. Năm 1198, người hương Cao Xá ở Câu Diễn là Ngô Công Lý cùng người châu Đại Hoàng là Đinh Khả tự xưng là con cháu của Đinh Tiên Hoàng nổi loạn. Tháng 7-1203, vua nước Chiêm Thành là Bố Trì lập mưu tới cửa biển Cơ La, giả cách xin nhà Lý cho nương tựa. Sau đó, Bố Trì giết chết trấn thủ cửa biển, cướp bóc dân chúng ở vùng Nghệ An rồi đem quân về nước.

Tháng 9-1203, có cuộc nổi loạn của 2 người Đại Hoàng Giang là Phí Lang và Bảo Lương trước đây đã tâu các tội mọt nước hại dân của Đàm Dĩ Mông, bị người này đánh nên sinh lòng oán hận. 2 người này nhân khi rối ren liền làm phản. Vua sai Trần Lệnh Hinh làm Nguyên soái và Thượng thư Từ Anh Nhữ đem quân từ phủ Thanh Hóa tiến đánh Phí Lang, song bị thua, cả 2 tướng đều bị giết; đến tháng 1 năm sau lại sai Đỗ Kính Tu đi đánh nhưng vẫn bại trận. Đến năm 1207, lại tiếp tục có cuộc nổi loạn của người Man ở núi Tản Viên, thanh thế rất lớn. Thời kỳ này, nhà Tống còn xua quân sang xâm nhiễu biên giới Đại Việt khiến nhân dân phải chạy loạn vô cùng khổ sở.

Khi còn nhỏ, Lý Cao Tông là người ngoan lành, song lớn lên bắt đầu trực tiếp cầm quyền trị nước lại sinh ra ham mê săn bắn, chính sự pháp luật không rõ ràng, vơ vét của dân xây nhiều cung điện, bắt trăm họ xây dựng phục dịch nên nạn trộm cướp nổi lên khắp nơi. Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” có đoạn chép về thời kỳ này như sau: Vua chơi bời không điều độ, hình chính không rõ ràng, giặc cướp như ong, đói kém liền năm, cơ nghiệp nhà Lý từ đấy suy kém... Mãi đến năm 1207, nhà vua nhìn cảnh giặc cướp nên hối lỗi và ban chiếu tự nhận lỗi lầm.

Trong sách “Đại Việt sử lược” có đoạn chép lại bản chiếu này với nội dung như sau: Trẫm còn bé mà phải gánh vác việc lớn, ở tận nơi cửu trùng, không biết được cảnh khó khăn của dân chúng, nghe lời bọn tiểu nhân mà gây nên oán với kẻ dưới. Dân đã oán thì trẫm còn biết dựa vào ai? Nay trẫm sẽ sửa lỗi, cùng dân đổi mới. Ai có ruộng đất, sản nghiệp bị sung công sẽ được hoàn lại.

Lời bàn:

Theo giai thoại đã nêu, vua Lý Cao Tông là người ham chơi bời, thiếu sáng suốt, những kẻ khinh nhờn luật nước thì lại được trọng dụng, còn công thần bị giết oan nên lòng người càng chia lìa và quần hùng nổi dậy khắp nơi, loạn mãi không chấm dứt được. Người xưa có câu rằng: Ở trong mê sắc đẹp, ra ngoài mê săn bắn, ham rượu, thích nhạc, xây nhà cao, trổ tường đẹp, phạm một trong các điều ấy tất phải bại vong. Và Lý Cao Tông phạm đủ các điều ấy thì chẳng còn gì để nói. Bởi vậy các sử gia nhận định rằng lỗi làm mất nhà Lý bắt đầu từ Cao Tông quả không sai

Với chiếu hối lỗi, Lý Cao Tông được xem là vị vua đầu tiên trong lịch sử phong kiến Việt Nam “dám” hạ mình xin lỗi dân. Song 1207 đã là những năm cuối đời của ông vua này. 3 năm sau, Lý Cao Tông qua đời trong cảnh đất nước loạn lạc và triều đình phải dựa hẳn vào thế lực nhà họ Trần. Vì vậy, chiếu nhận lỗi của vị vua này được giới sử học xem như là những lời hối lỗi quá muộn màng và hối chỉ để mà hối thôi chứ không thực hiện một biện pháp gì để chấn chỉnh hoặc tình trạng đã quá tệ để có thể thay đổi được.

N.D

  • Từ khóa
109985

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu