Thứ 6, 29/03/2024 16:19:06 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 09:15, 09/02/2016 GMT+7

Lời Bác dạy vẫn tràn đầy ấm áp, yêu thương

Thứ 3, 09/02/2016 | 09:15:00 3,356 lượt xem

BP - “Bác ơi! Tết đến - Giao thừa đó/ Vẫn đón nghe thơ Bác mọi lần”(thơ Tố Hữu). Cứ mỗi độ xuân về, chúng ta lại nhớ Bác Hồ và như để lắng nghe những bài thơ chúc tết của Người. Chủ tịch Hồ Chí Minh là vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc ta, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới. Trong suốt cuộc đời cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ viết báo, làm báo mà còn làm rất nhiều thơ. Bên cạnh tập thơ “Nhật ký trong tù” và nhiều bài thơ khác, Người còn để lại cho chúng ta những bài báo và thơ chúc tết với biết bao tình cảm ấm áp, thương yêu.

Bác Hồ thăm Báo Nhân Dân năm 1957 - ảnh tư liệuBác Hồ thăm Báo Nhân Dân năm 1957 - ảnh tư liệu

BÀI BÁO 100 CHỮ CỦA BÁC

Cách đây 70 năm, mùa xuân 1946, dân tộc ta được đón cái tết độc lập đầu tiên. Nhưng đó lại là cái tết báo hiệu cả dân tộc ta phải đọ sức lần thứ 2 với thực dân Pháp. Cũng cái tết lịch sử đó, Bác Hồ đã viết một bài báo đúng 100 từ với tựa đề chỉ có một chữ: “Tết”. Bài viết này đăng trên Báo Cứu quốc số 147, ra ngày 21-1-1946. Trong không khí của ngày đầu năm mới 2016 và tết Nguyên đán cổ truyền, nhớ Bác Hồ kính yêu, chúng ta cùng đọc lại bài báo này để làm theo lời dạy của Người. Mặc dù bài báo của Bác đã viết cách đây 70 năm nhưng đọc lại thấy nhiều điều vẫn cần thiết cho chính hôm nay, bởi trong đó có đủ đầy những ý nghĩa giáo dục hết sức nhân văn. Nguyên văn bài báo như sau:

“TẾT

Dân tộc ta là một dân tộc giàu lòng đồng tình và bác ái. Trong lúc này toàn quốc đồng bào từ giàu đến nghèo, từ già đến trẻ, ai cũng sửa soạn ăn tết mừng Xuân. Tôi kêu gọi đồng bào và các đoàn thể làm thế nào để chia sẻ cuộc vui Xuân mừng tết với: Những chiến sĩ oanh liệt ở trước mặt trận; Những gia quyến các chiến sĩ; Những đồng bào nghèo nàn. Sao cho mọi người đều được hưởng các thú vui và Tết Xuân đầu tiên của nước Việt Nam độc lập”.

 Hồ Chí Minh

Bài báo tết của Bác tuy chỉ có 100 từ nhưng có ý nghĩa giáo dục rất lớn. Đã 70 năm trôi qua, nghe theo lời Bác dặn, cả dân tộc luôn hướng tới những việc làm nghĩa tình, chia sẻ với mọi người, mọi hoàn cảnh. Tết nào người nghèo, người yếu thế trong xã hội cũng được chăm lo, để ai cũng có tết, vui xuân. Lời dặn qua một bài báo xuân dài 100 từ của Bác đã được toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta thực hiện không chỉ khi mùa xuân về mà còn ở bất kỳ nơi nào trên đất nước khi đồng bào gặp hoạn nạn hoặc thiên tai. Xuân về! Mùa xuân Việt Nam không chỉ đẹp bởi đất trời mà còn đẹp ở tình người. Với hai chữ “đồng bào”, mà chỉ dân tộc Việt Nam mới hiểu hết ý nghĩa cao đẹp, nhân văn của nó. Và hai từ này được Bác Hồ nhắc lại trong bài báo đến 3 lần. Điều đó cho thấy: Người muốn chúng ta mãi ghi nhớ nghĩa “đồng bào” trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

THƠ XUÂN ĐĂNG BÁO QUỐC GIA

Sau Cách mạng tháng Tám, chủ báo phần nhiều là tư nhân. Báo Quốc Gia, trụ sở số 67, phố Cửa Nam (Hà Nội) cũng vậy. Tờ Quốc Gia quyết định ra số báo Độc Lập đầu tiên (1946) cũng là số báo tết và phải có bài của Cụ Hồ Chí Minh, vị Chủ tịch đầu tiên của nước Việt Nam độc lập để hấp dẫn bạn đọc, cũng là thể hiện bản sắc cách mạng... Chủ bút Lê Quang Thiều và phóng viên Lê Chương đến Bắc bộ phủ (phố Ngô Quyền ngày nay) xin Bác Hồ viết cho một bài để đăng ở trang nhất. Khi gặp Bác, các nhà báo rất ngạc nhiên, cảm kích bởi được Chủ tịch nước tiếp thân mật và nhận lời ngay. Được tin, cả tòa soạn vui mừng, khi tờ báo đã lên khuôn, chỉ còn trang nhất chờ bài của Bác. Trong lúc cả tòa soạn ngóng chờ thì có anh vệ quốc đoàn mang đến trao cho chủ bút phong thư của Chủ tịch nước gửi. Mở phong thư ra, mọi người thấy tấm phong bì làm bằng tờ giấy đã viết một mặt. Trong phong bì chỉ có một bài báo tết cũng là bài thơ xuân Bính Tuất năm 1946 của Hồ Chủ tịch được viết ở mặt sau tờ lịch cũ. Đây là món quà rất quý đầu xuân, Chủ tịch Hồ Chí Minh chúc tết đồng bào, chiến sĩ cả nước.

Nguyên văn bài thơ như sau:

Tặng báo Quốc Gia

Tết này mới thật tết dân ta

Mấy chữ chào mừng báo Quốc Gia

Độc lập đầy vơi ba cốc rượu

Tự do vàng đỏ một rừng hoa

Muôn nhà đón mừng Xuân Dân chủ

Cả nước hoan nghênh phúc Cộng hòa

Ta chúc nhau rồi, ta nhớ chúc

Những người chiến sĩ ở phương xa”.

Hồ Chí Minh

Tờ báo xuất bản với bài thơ của Bác trên trang nhất không chỉ thêm phong phú mà còn thu hút đông đảo độc giả. Tờ báo in đi in lại nhiều lần vẫn không đáp ứng đủ cho bạn đọc. Điều đặc biệt là chủ bút quyết định tặng tất cả số tiền phát hành số báo đó vào Quỹ Việt Minh.

Từ sự việc nêu trên cho chúng ta thấy, Bác Hồ luôn tôn trọng ý kiến của mọi người và làm theo đề nghị của chủ tờ báo có tinh thần dân tộc để động viên, khích lệ họ đồng tình và cùng gánh vác công việc quốc gia. Mặt khác, ngoài việc thực hiện và nêu gương dân chủ, Bác còn thực hành tiết kiệm, qua việc dùng giấy loại để viết và làm phong bì, khi đất nước còn khó khăn, thiếu thốn, người dân còn nghèo khổ. Tinh thần, tình cảm, đức tính của Bác đã 70 năm đi qua nhưng đến nay vẫn còn nguyên giá trị và là bài học cho mỗi chúng ta.

Thơ xuân, báo tết là một phần đặc biệt trong thơ văn của Bác Hồ. Đặc biệt bởi lời thơ, bài viết ngắn gọn, ngôn từ và cách diễn đạt dễ hiểu, như lời Người tâm sự trong thơ mừng xuân 1964: “Mấy lời thân ái nôm na/ Vừa là kêu gọi, vừa là mừng xuân”. Đặc biệt, bởi lối viết “nôm na, kêu gọi” nhưng trong mỗi câu, mỗi bài đều chan chứa ý thơ, tràn đầy sắc xuân vừa độc đáo, hào hùng vừa ấm áp, thương yêu. Hơn thế, đó không chỉ vì thơ, vì tết, vì xuân mà là truyền thống của dân tộc, là tình cảm, tấm lòng, là món quà đầu năm mới Người gửi tặng đồng bào và chiến sĩ cả nước; là những định hướng chiến lược, lời đúc kết, đánh giá những thắng lợi trong năm qua và đề ra phương hướng, nhiệm vụ của năm tới. Đó cũng là những lời động viên, cổ vũ toàn dân tộc đoàn kết một lòng, vững bước tiến lên trong đấu tranh cách mạng, trong lao động và sáng tạo để xây dựng quê hương, đất nước giàu mạnh.

Đức Hồng (st)

  • Từ khóa
14965

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu