Thứ 3, 16/04/2024 19:09:44 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 14:22, 09/07/2016 GMT+7

Lốc xoáy tàn phá vùng trồng tiêu trọng điểm Lộc Khánh

Thứ 7, 09/07/2016 | 14:22:00 249 lượt xem
BP - 19 giờ ngày 5-7, lốc xoáy càn qua 6/6 ấp của xã nghèo, dân tộc thiểu số (DTTS) Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh, tàn phá hơn 20.000 trụ tiêu, ước thiệt hại khoảng 4 tỷ đồng. Vừa dốc hết sức để cứu tiêu khỏi “chết khát” do đại hạn hán lịch sử mùa khô 2016, người trồng tiêu ở Lộc Khánh lại đang phải dồn lực để dựng lại vườn tiêu.

TAN HOANG KHU ĐỒI CHỎ 

9km từ trung tâm xã Lộc Khánh đến khu Đồi Chỏ, ấp Sóc Lớn, đi qua suối Lâm Bui hai tháng trước đã cạn trơ đáy nay nước đã chảy thành dòng đục ngầu màu đỏ của đất do bị rửa trôi sau những trận mưa mùa xuống giống. Chủ tịch UBND xã Trần Quang Vinh cho biết: Biệt danh Đồi Chỏ được nhiều người ở Lộc Khánh biết đến bởi đây là khu kinh tế trang trại trọng điểm của bà con đồng bào Khơme, Nùng biết làm ăn đến trồng các loại cây công nghiệp. Theo số liệu thống kê của UBND xã, chỉ riêng khu Đồi Chỏ lốc xoáy đã tàn phá hơn 16.000 trụ tiêu của 20 hộ dân, trong đó có khoảng 6 hộ người Kinh.

Chiến sĩ bộ đội dốc sức lực dựng lại vườn tiêu cho gia đình ông XìnhChiến sĩ bộ đội dốc sức lực dựng lại vườn tiêu cho gia đình ông Xình

Chị Thị Diệp mếu máo kể: “Chập tối, ngồi trong nhà nhìn qua khe cửa, thỉnh thoảng lóe lên ánh chớp, lần đầu tôi thấy gió xoáy điên cuồng trong mưa giông dữ dội đến thế. 1 giờ sau, nhìn ra vườn tiêu 3 năm với 500 trụ của gia đình chuẩn bị ra hoa thu trái bói đã bị gió làm đổ rạp”. Chị Diệp cho biết nhiều năm tích góp làm ăn và vay thêm ngân hàng mới gây dựng được 1.000 trụ tiêu 3-5 năm. Những năm trước, mùa khô bà con dân tộc ở Cùi Chỏ nhờ vào nguồn nước tưới của con suối Lâm Bui, đến khi suối cạn nước lại có nước thủy lợi của hồ Suối Phèn đổ về. Năm nay mùa khô khốc liệt, tháng 12-2015 suối Lâm Bui đã cạn và nguồn nước thủy lợi càng hiếm nên bà con phải vét từng can nước để cứu hồ tiêu. Có mưa, người trồng tiêu chưa kịp mừng khi thấy vườn tiêu hồi sinh ra hoa đợt đầu thì nay lại phải dốc lực dựng lại trụ tiêu để rễ nhanh bám lại đất. Ở Cùi Chỏ còn có hộ anh Lâm Ngheo, dân tộc Khơme, có 600 trụ tiêu bị gãy đổ trong trận lốc xoáy này.

Sinh sống ở Lộc Khánh gần nửa thế kỷ (từ thời dinh điền), 4 anh chị em bà Trần Thị Mỹ Dung nhà ở ấp Quyết Thành trong số những hộ người Kinh ít ỏi có cao su, hồ tiêu ở khu Đồi Chỏ. Mỗi hộ có hơn 1.000 trụ tiêu đều bị lốc xoáy tàn phá hơn 50% diện tích. Bà Dung nghẹn ngào khi đứng trước hơn 500 trụ tiêu giống Vĩnh Linh 3 năm vừa ra hoa rất đẹp ngã rạp xuống. Năm 2014, gia đình bà Dung cũng bị lốc xoáy tàn phá hơn 1.000 trụ tiêu nên mùa thu hoạch hồ tiêu năm 2015 năng suất giảm hơn 50%. Năm 2016, gia đình bà tiếp tục mất mùa vì ảnh hưởng hạn hán, niềm hy vọng của mùa vụ 2017 nay cũng bị lốc xoáy cuốn theo.

DỐC SỨC DỰNG LẠI VƯỜN TIÊU

13 giờ ngày 6-7, tôi đến xã Lộc Khánh. Toàn bộ lực lượng tại chỗ gồm công an, xã đội và cán bộ, nhân viên của xã đang có mặt ở hiện trường để giúp dân nhanh chóng dựng lại trụ tiêu. Theo số liệu tổng hợp của UBND xã Lộc Khánh, đến sáng 7-7, toàn xã có hơn 20.000 trụ tiêu bị lốc xoáy quật ngã. Đây cũng là lần thứ 4 trong 2 tháng qua lốc xoáy “ghé thăm” vùng trồng tiêu của Lộc Ninh, trong đó xã Lộc Khánh chiếm hơn 50% tổng số trụ tiêu toàn huyện bị gió lốc tàn phá.

Dù đã nhiều lần đi vào vùng trọng điểm trồng tiêu Lộc Khánh nhưng tôi vẫn phải nhờ Chủ tịch Hội Nông dân xã Nguyễn Văn Lượng dẫn đường vì sự tan hoang khiến tôi không còn nhận ra đường đi lối về. Tâm điểm lốc xoáy lần này có bán kính trên 10km, tính từ khu vực Cùi Chỏ ấp Sóc Lớn đến tổ 4, ấp Đồi Đá.

Hộ ông Chương Tài Xình, tổ 4, ấp Đồi Đá bị thiệt hại nặng nhất với hơn 1.700 trụ tiêu, trong đó 1.000 trụ vừa xuống giống 10 ngày, rễ cây vừa chớm bám đất và 700 trụ năm đầu cắt ngọn lấy giống. Vườn nhà ông Xình có 8 chiến sĩ và 7 nhân công tích cực dựng lại trụ tiêu. Ông Xình dự tính 2 ngày sẽ dựng xong và 1 tuần nữa hoàn thiện.

TÌNH QUÂN DÂN TRONG HOẠN NẠN

Khu Đồi Chỏ có đất rộng, thoáng nên nhiều hộ DTTS ở Lộc Khánh có kinh tế khá nhờ đầu tư trồng điều, cao su và phát triển hồ tiêu trong 3 năm trở lại đây. Những hộ có vườn tiêu bị đổ số lớn đều đang vay vốn ngân hàng để sản xuất nhưng không phải là hộ nghèo nên chỉ mong được nhà nước hỗ trợ theo quy định pháp luật (hỗ trợ thiệt hại do thiên tai). Khó khăn là khu vực này hiện chưa có điện lưới quốc gia nên đa phần tưới tiêu đều bằng máy chạy dầu. Được đầu tư lưới điện để giảm chi phí sản xuất ở khu vực Đồi Chỏ cũng là mong muốn của Đảng bộ, chính quyền và bà con DTTS xã nghèo Lộc Khánh.

Chủ tịch UBND xã Lộc Khánh Trần Quang Vinh

Tại vườn tiêu của ông Xình, Thượng úy Nguyễn Đình Luận, Tiểu đoàn Huấn luyện Bộ đội biên phòng tỉnh cho biết: 2 tháng đầu mùa mưa, tiểu đoàn đã hành quân hỏa tốc 4 lần, giúp nhân dân các xã Lộc An, Lộc Quang, Lộc Phú, Lộc Khánh, Lộc Hòa dựng lại hồ tiêu. Mỗi đợt có khoảng 100 cán bộ, chiến sĩ tham gia với tinh thần dựng hết trụ tiêu mới rút quân. 3 lần trước, tiểu đoàn nhận lệnh trước 1 ngày nhưng lần này 7 giờ ngày 6-7, nhận lệnh là hành quân ngay với 2 xe, 100 cán bộ, chiến sĩ tham gia. Cùng với phân bổ của xã Lộc Khánh, bộ đội giúp các hộ có tiêu gãy đổ từ 300-1.000 trụ. Mỗi hộ có khoảng 5 chiến sĩ. Đến 16 giờ ngày 6-7, nhân dân Lộc Khánh và cán bộ, chiến sĩ đã dựng được khoảng 50% trụ tiêu bị đổ.

Ấp trưởng Đồi Đá Trương Văn Kiên - gương nông dân sản xuất giỏi cũng có 1.000 trụ tiêu ở Cùi Chỏ, trong đó 900 trụ bị đổ. Để kịp cứu tiêu, ngoài 5 chiến sĩ Tiểu đoàn Huấn luyện Bộ đội biên phòng giúp, anh Kiên còn nhờ thêm 15 công để dựng lại vườn. Thiệt hại kinh tế nặng nề nhưng từ lúc 21 giờ ngày 5-7, sau khi cơn lốc vừa đi qua anh Kiên cùng ban ấp và lực lượng xã đã đi thống kê thực trạng thiệt hại của bà con để phân bổ người hợp lý, kịp thời dựng lại vườn tiêu cho dân.

Chủ tịch UBND xã Trần Quang Vinh cho biết thêm, với những hộ dân chỉ có khoảng 50-100 trụ tiêu bị đổ ở các ấp Ba Ven, Sóc Lớn, người dân tự tổ chức kịp ứng cứu theo phương thức giúp nhau trong khu dân cư hoặc đổi công làm từng vườn để có đủ nhân lực dựng lại trụ, kéo kẽm, giăng lưới...

Phương Hà

  • Từ khóa
92990

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu