Thứ 4, 24/04/2024 20:07:58 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 09:28, 23/05/2013 GMT+7

Lốc xoáy tàn phá điều, cao su ở Long Hà

Thứ 5, 23/05/2013 | 09:28:00 163 lượt xem

Trận mưa lớn kèm theo lốc xoáy quét qua khiến người dân thôn 12, xã Long Hà (Bù Gia Mập) tổn thất nặng. 300 ha điều và cao su bị trốc gốc, gãy đổ khiến nông dân đứng ngồi không yên.

ĐIỀU TRỐC GỐC, CAO SU GÃY

Những rẫy cao su 7 đến 10 năm tuổi thân oằn, gãy gập. Điều trốc gốc ngả nghiêng, lá khô chen lẫn lá tươi. Tiếng máy cưa ồ ồ, những đống củi chất ngất... là những hình ảnh đang diễn ra ở thôn 12, xã Long Hà trong những ngày này.


Nông dân đau xót trước những hàng cao su bị lốc quật đổ

Gần nửa tháng đi qua nhưng người dân ở đây vẫn chưa khắc phục được một phần hậu quả của cơn lốc xoáy diễn ra ngày 3-5. Chỉ về những lô cao su gãy đổ ngả nghiêng ven đường, bà Cấn Thị Ngãi, Chủ tịch Hội chữ thập đỏ xã xót xa: “Công sức người dân bỏ ra gần chục năm trời, cơn lốc đi qua, xóa sạch tất cả. Nông dân đau xót lắm, nhiều người lâm vào nợ nần, túng quẫn”.

Nhìn những gốc điều bật khỏi mặt đất, lá đã chuyển sang màu vàng úa, bà Nguyễn Thị Cúc (47 tuổi) không giấu nỗi buồn: Nhà tôi có 3 ha đất, 2 ha trồng cao su non may mắn không gãy, nhưng 1 ha điều thì mất trắng, không thể khắc phục. Tới đây, gia đình sẽ không có khoản thu nhập nào để lo cho con học. Đây là tình cảnh chung của hầu hết nông dân trong thôn lúc này.

Ông Nguyễn Tấn Phúc, Trưởng thôn 12 cho biết: Thôn có 500 ha đất. Cơn lốc đi qua làm 100 ha cao su, 200 ha điều của người dân bị ảnh hưởng. Điều và cao su đổ quá nhiều, đội máy cưa khoảng 60 chiếc, làm hết công suất cũng không xuể. Nông dân muốn dọn vườn phải chờ. Chị Trần Thị Hồng, chủ một đội cưa cây cho biết: Các đội thợ cưa làm việc cật lực vẫn chưa hết một phần. Chị Hồng dự tính hết tháng 5, đội cưa cũng chưa thể hoàn tất việc dọn dẹp số cây gãy đổ của nông dân trong thôn.

NỖI LO ĐÈ NẶNG NHÀ NÔNG

Mắt rươm rướm nhìn vào lô cao su, cây gẫy gập, cây ngả nghiêng, bà Trần Thị Kiều (50 tuổi) chua xót: Điều thất, mọi chi tiêu của gia đình trông vào 8 sào cao su. Giờ thì cao su mất trắng, tôi không biết lấy gì lo cho  các con ăn học. Lấy gì làm vốn để tái sản xuất khi sổ đỏ đã cầm cố, vay nợ ngân hàng chưa trả được.

Cùng chung cảnh bị thất mùa, cây đổ, nợ ngân hàng chưa trả, ông Trần Ngọc Việt (62 tuổi) buồn bã: Nhà có 2,5 ha điều đang độ tuổi sung mãn (12 đến 15 tuổi) bị đổ hết bởi lốc xoáy. Muốn trồng lại rất khó bởi cây điều 6 năm mới cho thu hoạch, từ nay đến ngày đó, chúng tôi không có khoản thu nào. Đói đã đành, còn vốn tái sản xuất chưa biết trông vào đâu!

Theo báo cáo sơ bộ, toàn xã Long Hà có 347 ha cao su, điều bị gãy đổ, 32 căn nhà bị tốc mái, 1 căn bị sập hoàn toàn. Trước mắt, UBND xã đã hỗ trợ 1 triệu đồng/căn nhà tốc mái, 2 triệu đồng/căn nhà sập.

80% nông dân ở thôn 12 phải vay ngân hàng để có vốn sản xuất. Khi lốc xoáy gây thiệt hại, người dân không những đói ăn mà còn lo lắng không biết lấy gì trả nợ ngân hàng. Lấy vốn đâu để tái sản xuất?

Ông Nguyễn Văn Hưng, Chủ tịch Hội nông dân xã Long Hà cho biết: Cơn lốc đã gây thiệt hại quá nặng cho nông dân. Để giúp người dân sớm khắc phục hậu quả thiên tai, ngoài khảo sát, trình UBND huyện hỗ trợ thiệt hại, UBND và Hội nông dân xã sẽ tiếp tục liên hệ với Ngân hàng Chính sách xã hội, các công ty phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hỗ trợ vốn và vật tư nông nghiệp trả chậm cho nông dân. Tin vui mới nhất là Nông trường 6, Công ty TNHH MTV Cao su Phú Riềng sẽ hỗ trợ một phần giống cao su chất lượng cao cho người dân bị thiệt hại do lốc xoáy. Tuy nhiên, giải pháp lâu dài và thiết thực hơn vẫn là việc nông dân cần tham gia bảo hiểm vườn cây với Công ty Bảo Việt Bình Phước. Thiên tai rất khó lường trước nhưng nếu xảy ra thì nguồn vốn bồi thường sẽ giúp người dân nhanh chóng khắc phục và điều quan trọng là yên tâm sản xuất.                

 Tường Linh

  • Từ khóa
45127

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu