Thứ 3, 16/04/2024 22:24:15 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 09:27, 29/04/2017 GMT+7

Lộc Ninh tăng cường phòng, chống dịch cúm gia cầm

Thứ 7, 29/04/2017 | 09:27:00 143 lượt xem

BP - Theo thống kê của Trạm Chăn nuôi - Thú y huyện Lộc Ninh, toàn huyện có tổng đàn gia cầm trên 338.000 con, trong đó đàn gà 316.000 con; vịt, ngan, ngỗng 17.000 con và gia cầm khác hơn 5.000 con. Để phòng, chống dịch cúm gia cầm A/H7N9 và các chủng vi rút khác trên đàn gia cầm, ngành chức năng huyện Lộc Ninh đã tăng cường tuyên truyền phổ biến đến người dân các biện pháp phòng, chống, tầm quan trọng trong phòng, chống dịch cúm gia cầm và hướng dẫn hộ chăn nuôi các biện pháp như: vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, thường xuyên rắc vôi bột, phun hóa chất xung quanh khu vực chăn nuôi, tiêm phòng đầy đủ vắc-xin phòng bệnh...

Nhờ hoạt động tuyên truyền được đẩy mạnh nên nhận thức của các hộ chăn nuôi, sự cảnh giác của người dân đối với dịch cúm gia cầm được nâng lên rõ rệt. Anh Đào Văn Yến, ấp 7, xã Lộc Điền cho biết: “Mỗi năm, gia đình tôi thường nuôi từ 3-4 lứa gà thịt, mỗi lứa có từ 2.000-3.000 con. Sau mỗi lứa, chuồng trại đều được vệ sinh sạch sẽ, rắc vôi bột để tiêu độc, khử trùng. Gà được tiêm phòng vắc-xin đầy đủ. Định kỳ 1 tháng anh Yến xịt 2 lần sát trùng chuồng trại, khi có dịch bệnh xảy ra tăng lên 3-4 lần”. Nhờ tuân thủ nghiêm các quy định của ngành chăn nuôi nên đàn gà của gia đình anh phát triển tốt, không xảy ra dịch bệnh và cho năng suất, hiệu quả cao.

Khâu tiêu độc, khử trùng luôn được các trại chăn nuôi ở địa bàn Lộc Ninh thực hiện tốt

Ngành chức năng huyện Lộc Ninh còn phối hợp tuyên truyền đến khu vực biên giới để người dân chủ động các biện pháp phòng, chống dịch và không tiếp tay cho hoạt động buôn bán, vận chuyển giết mổ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu. Tuyên truyền để người dân mua gia cầm, sản phẩm gia cầm có nguồn gốc rõ ràng. Thường xuyên tổ chức kiểm tra sản phẩm gia cầm bày bán tại các chợ trên địa bàn huyện. Từ đó góp phần nâng cao ý thức của người dân trong việc buôn bán sản phẩm gia cầm có nguồn gốc nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Bà Nguyễn Thị Kim Oanh, tiểu thương kinh doanh các loại sản phẩm gia cầm tại chợ Lộc Ninh trên 10 năm nay nói: “Sản phẩm gia cầm bày bán tại đây được lấy từ lò giết mổ tập trung ở thị xã Bình Long, đảm bảo chất lượng và có dấu kiểm dịch của ngành chức năng nên tôi mới dám bán”.

Bác sĩ Cao Xuân Quang, Trưởng trạm Chăn nuôi - Thú y huyện Lộc Ninh cho biết: “Để phòng, chống dịch cúm gia cầm trên địa bàn huyện đạt hiệu quả, hiện trạm đã tham mưu UBND huyện triển khai phun thuốc tiêu độc, khử trùng toàn địa bàn. Đặc biệt, đội liên ngành của huyện sẽ phối hợp kiểm tra, kiểm soát kinh doanh vận chuyển gia cầm nhằm không để xảy ra nhập lậu gia cầm trên địa bàn, nhất là ở vùng biên giới”. Theo đó, các xã, thị trấn trong huyện sẽ tổ chức đội phun thuốc khử trùng khu vực chăn nuôi hộ gia đình, chợ buôn bán động vật sống, khu nhốt giữ động vật, sản phẩm động vật. Đối với hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, Nhà nước hỗ trợ thực hiện phun thuốc tiêu độc, khử trùng 1 lần/tháng; đối với chợ buôn bán động vật sống, kinh phí nhà nước đảm bảo thực hiện phun thuốc tiêu độc, khử trùng 30 ngày/tháng, bình quân mỗi hộ chăn nuôi là 50m2/mỗi loại gia cầm; diện tích xịt bình quân 150m2/chợ. Dự kiến trong đợt 1/2017, huyện Lộc Ninh thực hiện phun thuốc tiêu độc, khử trùng tại 16.735 hộ chăn nuôi gia cầm ở 16 xã, thị trấn.

Bác sĩ Cao Xuân Quang khuyến cáo: “Người dân khi phát hiện gia súc, gia cầm bị bệnh hoặc chết cần báo ngay cho chính quyền sở tại hoặc ngành thú y để thực hiện tiêu hủy, hướng dẫn phòng, chống và xử lý kịp thời. Có như vậy thì việc giám sát, quản lý dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm mới chặt chẽ hơn. Đây cũng chính là một trong những giải pháp thiết thực phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, góp phần hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho người chăn nuôi”.

Hoàng Mỹ - Văn Hùng

  • Từ khóa
58409

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu