Thứ 5, 28/03/2024 20:33:10 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 14:12, 18/07/2018 GMT+7

Lộc Ninh phát triển đô thị - tạo nguồn thu bền vững

Thứ 4, 18/07/2018 | 14:12:00 4,684 lượt xem
BP - Đó cũng là định hướng mang tính thực tiễn của Đảng bộ huyện Lộc Ninh trong nửa nhiệm kỳ còn lại 2018-2020: Phấn đấu đưa thị trấn Lộc Ninh trở thành đô thị loại IV; tạo nguồn thu từ thế mạnh đất đai; tiềm năng du lịch lịch sử tâm linh gắn với kinh tế mậu biên...

Tập trung PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ

Đô thị Lộc Ninh được hình thành từ thời Pháp thuộc (dinh điền cao su). Ngày nay, dấu tích đô thị Lộc Ninh phát triển những năm đầu của thế kỷ XX là những công trình như bệnh viện, nhà hát, xưởng chế biến mủ và 10 làng công tra ở các xã Lộc Thiện, Lộc Thuận, Lộc Tấn, Lộc Thạnh gắn với khu vực tập trung cây cao su.

Thị trấn Lộc Ninh có diện tích 795 ha, gồm 8 khu phố, dân số 2.895 người, thu nhập bình quân 40,5 triệu đồng/người/năm. Đến nay, 100% hộ trên địa bàn thị trấn có điện; 100% hộ sử dụng nước sạch với hệ thống nước máy 12km ở các trục đường chính; hệ thống đèn chiếu sáng cũng được trang bị ở tất cả trục đường dân cư đông... Nghị quyết Đảng bộ huyện Lộc Ninh khóa X (2015-2020) đề ra mục tiêu đến năm 2020 thị trấn Lộc Ninh trở thành đô thị loại IV.

Công trình nạo vét kênh chợ tạo cảnh quan cho đô thị Lộc Ninh và chống ngập úng

Từ năm 2016, Đảng bộ huyện Lộc Ninh đã khảo sát các  công trình đường giao thông nâng cấp, mở rộng theo thiết kế đô thị, chỉnh trang không gian kiến trúc dọc hai bên đường, hệ thống cây xanh trên các tuyến đường; khảo sát tổng thể hệ thống thoát nước của từng khu vực để từng bước cải tạo, với quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 trên toàn thị trấn. Trên cơ sở 72 ha cao su của Công ty TNHH MTV cao su Lộc Ninh đã được chấp thuận giao về huyện Lộc Ninh để phát triển cơ sở hạ tầng, mở rộng đô thị, các công trình quan trọng trên địa bàn thị trấn Lộc Ninh đã đầu tư xây dựng gồm: đường Nguyễn Tất Thành nối trung tâm thị trấn với trung tâm xã Lộc Thiện; duy tu, nâng cấp các tuyến đường nội ô thị trấn; xây dựng trụ sở một số cơ quan tại khu hành chính mới, các khu dân cư mới... Các dự án này đã chỉnh trang và mở rộng đô thị tại khu vực có tuyến đường đi qua, gia tăng năng lực giao thông và hạ tầng đô thị, tạo diện mạo mới cho thị trấn Lộc Ninh.

Thị trấn Lộc Ninh nằm ở thung lũng có nhiều con suối chảy qua, địa hình dốc. Người dân chủ yếu định cư dọc 2 bên suối. Khi rừng đầu nguồn bị thu hẹp, những tháng mưa lớn kéo dài, nước từ hồ Rừng Cấm đổ xuống lòng suối gây ngập úng khu dân cư dọc con suối ở các khu phố Ninh Phú, Ninh Phước, Ninh Thạnh. Ngập lũ dâng cao có khi đến hơn 1,5m và xảy ra vào ban đêm đã làm thiệt hại hàng chục tỷ đồng của người dân và tiểu thương chợ Lộc Ninh. Trong hoàn cảnh kinh phí hạn hẹp, Huyện ủy, UBND huyện xây dựng dự án công trình xã hội hóa nạo vét suối chợ, xây kè và mở đường cặp hai bên suối thị trấn, các xã lân cận theo phương thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Năm 2016, công trình nạo vét suối từ thị trấn Lộc Ninh đến ấp 6 (cầu Đỏ), xã Lộc Thái với kinh phí 14 tỷ đồng đã bước đầu thông được dòng chảy lòng suối. Vì vậy mùa mưa năm 2016 không còn xảy ra lũ lụt tại  khu chợ Lộc Ninh và ngập úng khu vực Lộc Thái. Theo đó, suối còn điều hòa giữ nước tưới phục vụ sản xuất trong mùa khô. Công trình nạo vét xây kè kênh mương chợ thị trấn đã góp phần xây dựng cảnh quan đô thị Lộc Ninh xanh - sạch - đẹp.

TẠO BƯỚC ĐỘT PHÁ NGUỒN THU BỀN VỮNG 

Năm 2015, thu ngân sách trên địa bàn huyện là 109,946 tỷ đồng, đạt 105% kế hoạch;  năm 2016 là 133,771 tỷ đồng, đạt 111%; năm 2017 là 146,765 tỷ đồng, đạt 109% và 6 tháng đầu năm 2018 là 76 tỷ đồng, đạt 51% dự toán HĐND huyện giao. Dự toán năm 2019, thu ngân sách trên địa bàn huyện 178 tỷ đồng và năm 2020 là 195 tỷ đồng. Là huyện biên giới thuần nông nên nguồn thu ngân sách của Lộc Ninh thấp hơn so với các huyện, thị trong tỉnh.

Song thuận lợi là Lộc Ninh có thêm nguồn thu từ quỹ đất 72 ha cao su của Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam bàn giao cho huyện phát triển hạ tầng mở rộng đô thị. Chủ tịch UBND huyện Hoàng Nhật Tân cho biết, Lộc Ninh có điểm tựa từ kinh tế mậu biên các cửa khẩu kết nối với Khu du lịch lịch sử sinh thái Bộ chỉ huy Miền Tà Thiết; thiền viện Trúc Lâm Bình Phước đang được đầu tư... sẽ tạo bước đột phá cho thu ngân sách bền vững của huyện. Hiện có 3 dự án công nghiệp đầu tư vào Khu kinh tế cửa khẩu Hoa Lư, dự kiến năm 2019-2020 sẽ đi vào hoạt động, tạo việc làm và các dịch vụ vệ tinh phát triển.

Là huyện biên giới thuần nông với khoảng 43.000 ha các cây trồng chủ lực hồ tiêu, cao su  nhưng còn phát triển manh mún, Lộc Ninh đang từng bước thay đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp trên cơ sở nâng cao nhận thức cho nông dân, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, phát triển hình thức tổ hợp tác, hợp tác xã kiểu mới để tạo chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp. Hiện Lộc Ninh có 15 hợp tác xã, trong đó 10 hợp tác xã trồng tiêu. Từ tăng nguồn thu để đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, điện thu hút doanh nghiệp chế biến nông sản. Đồng thời kết hợp du lịch để quảng bá sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của Lộc Ninh như hồ tiêu, điều, trái cây.

P.

  • Từ khóa
1432

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu