Thứ 3, 23/04/2024 13:34:41 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giáo dục 06:00, 30/11/2018 GMT+7

Lộc Ninh nâng cao chất lượng giáo dục

Thứ 6, 30/11/2018 | 06:00:00 1,162 lượt xem
BP - Thực hiện mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện, những năm qua, ngành GD-ĐT Lộc Ninh đã từng bước khắc phục khó khăn, nâng cao chất lượng giáo dục, thực hiện hiệu quả các cuộc vận động, phong trào thi đua của ngành.

Nâng chất đội ngũ giáo viên

Ngành GD-ĐT Lộc Ninh hiện có 128 cán bộ quản lý, 1.292 giáo viên và 324 nhân viên ở các bậc mầm non, tiểu học và THCS. 100% cán bộ quản lý, giáo viên đứng lớp trình độ đạt chuẩn và trên chuẩn. Nhiều năm qua, Phòng GD-ĐT phối hợp Phòng Nội vụ thực hiện hiệu quả công tác tham mưu quy hoạch đội ngũ cán bộ quản lý, luân chuyển một số hiệu trưởng và điều động giáo viên để đảm bảo sự cân đối giữa các trường. Để nâng cao chất lượng giáo viên, cán bộ quản lý các trường, ngành GD-ĐT huyện duy trì hoạt động bồi dưỡng chuyên môn theo quy định của Bộ GD-ĐT; cử cán bộ quản lý các trường tham gia học tập các lớp nâng cao trình độ lý luận chính trị. Năm học 2017-2018, phòng cử 23 hiệu trưởng, phó hiệu trưởng các trường học lớp trung cấp lý luận chính trị.

Học sinh Trường tiểu học và THCS Lộc An (xã Lộc An) trong buổi rèn luyện đội hình đội ngũ

Thầy Phạm Như Công, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Lộc Ninh cho biết: “Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục trong huyện tương đối đồng bộ về cơ cấu, đủ về số lượng, có phẩm chất đạo đức và ý thức chính trị, có trình độ năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Tuy nhiên, bậc học mầm non còn thiếu giáo viên làm ảnh hưởng đến việc giảng dạy; một bộ phận nhỏ giáo viên lớn tuổi còn hạn chế đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá, chưa biết cách tạo động lực để phát huy tính tích cực, sáng tạo của học sinh trong học tập và rèn luyện nhân cách”.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào giảng dạy và quản lý

Hiện 100% trường học trong huyện đã kết nối internet, tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên truy cập, cập nhật thông tin và bổ sung kiến thức mới để nâng cao chất lượng giảng dạy. Thầy Phan Bá Thuấn, giáo viên Trường tiểu học và THCS Lộc An cho biết: “Thời gian qua, giáo viên được tập huấn sử dụng các phần mềm phục vụ giảng dạy, như: E-Leaning, Trí Việt và tham gia các lớp bồi dưỡng chuyên môn phần mềm hoạch định nguồn lực nhà trường SRP. Kiến thức từ tiếp cận công nghệ thông tin giúp bài giảng của giáo viên phong phú, mới mẻ với dẫn chứng minh họa đa dạng, giúp học sinh phấn khởi và tiếp thu bài học tốt hơn”.

Song song đó, ngành GD-ĐT huyện tiếp tục ứng dụng có hiệu quả phần mềm quản lý cán bộ, giáo viên. Các trường phối hợp VNPT Bình Phước triển khai ứng dụng phần mềm quản lý học sinh trực tuyến (phần mềm vnEdu). Sử dụng việc in sổ điểm từ hệ thống phần mềm để lưu trữ thay sổ điểm truyền thống theo quy định. Các văn bản chỉ đạo và báo cáo phần lớn được gửi qua website và hộp thư điện tử công vụ của phòng nhanh chóng, tiện ích.

Phòng GD-ĐT huyện Lộc Ninh hiện quản lý 58 trường, gồm 20 trường mầm non, 21 tiểu học, 14 THCS, 2 tiểu học - THCS, 1 trường phổ thông dân tộc nội trú THCS cùng 6 cơ sở mầm non ngoài công lập. Hệ thống trường lớp hoàn thiện với 16/16 xã, thị trấn có trường mầm non, tiểu học, THCS. Toàn huyện có 7 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia, đạt 12,58%. Các trường chủ động tham mưu UBND huyện đầu tư ngân sách và huy động xã hội hóa để tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị, điện, nước, vệ sinh môi trường, cảnh quan. Năm học 2017-2018, có 99 phòng học và phòng chức năng được xây mới, nâng số phòng học và phòng học bộ môn lên 743 phòng. Trong đó, phòng kiên cố 253 (34,05%), phòng bán kiên cố 480 (64,6%), còn lại phòng học mượn và không có phòng học tranh tre, tạm.

Mặc dù cơ sở vật chất cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh nhưng hiện một số trường mầm non còn thiếu phòng học, phải mượn của trường tiểu học và tận dụng phòng làm việc, phòng công vụ làm lớp học đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng và hoạt động giáo dục. Trưởng phòng GD-ĐT huyện Phạm Như Công chia sẻ: “Công tác xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy học cho các trường được huyện quan tâm, đầu tư, song do nhu cầu quá lớn, trong khi nguồn thu ngân sách của huyện còn khó khăn nên chưa đáp ứng nhu cầu. Không ít trường THCS còn thiếu phòng học bộ môn. Một số trường thiếu quỹ đất gây khó khăn trong xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Do đó, việc thực hiện đổi mới phương pháp dạy học chưa đạt hiệu quả như mong muốn”.

Trên nền tảng kết quả đạt được, bên cạnh khắc phục những mặt còn tồn tại, nâng cao thành tích dạy và học, ngành giáo dục huyện còn phấn đấu trong năm học 2018-2019 đưa 2 xã Lộc Khánh, Lộc Thiện đạt chuẩn phổ cập tiểu học mức độ 3; Lộc Thuận, Lộc Hưng đạt chuẩn phổ cập THCS mức độ 2 và thị trấn Lộc Ninh đạt chuẩn phổ cập THCS mức độ 3. Cùng với đó, hạn chế tỷ lệ học sinh bỏ học không quá 0,6% và không có học sinh tiểu học bỏ học.

Mai Ly

  • Từ khóa
88330

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu