Thứ 6, 29/03/2024 06:05:01 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 14:21, 19/03/2017 GMT+7

Lộc Ninh chuyển mình trong thời kỳ hội nhập - Bài cuối

Chủ nhật, 19/03/2017 | 14:21:00 3,396 lượt xem

>> Bài 1: Chăm lo đời sống đồng bào dân tộc thiểu số

BP - Để phát huy thế mạnh về đất đai, những năm qua, huyện Lộc Ninh đẩy mạnh phát triển nông nghiệp sạch và bền vững, trong đó chú trọng phát triển cây gia vị, cây ăn trái. Đến nay, Lộc Ninh đã xây dựng được thương hiệu hạt tiêu, xây dựng các hợp tác xã sản xuất tiêu sạch để xuất khẩu; quy hoạch và xây dựng vùng chuyên canh trồng cây ăn trái. Với định hướng phát triển nông nghiệp kiểu mới, thời gian tới bức tranh kinh tế trên địa bàn huyện Lộc Ninh hứa hẹn nhiều khởi sắc.

PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP “SẠCH”

Huyện Lộc Ninh có khoảng 43,7 ngàn ha đất trồng cây lâu năm, trong đó có khoảng 32 ngàn ha cao su, gần 5.000 ha điều, còn lại là cây ăn trái và hồ tiêu. Trước đây, hầu hết nông dân tự sản xuất, tự tiêu thụ nên thường rơi vào vòng luẩn quẩn “trồng - chặt - trồng” bởi chạy theo giá cả thị trường. Ví như những năm giá hạt tiêu khô từ 120-180 ngàn đồng/kg thì 1 sào tiêu 5-7 năm có thể thu về khoảng 200 triệu đồng/năm. Vì vậy, nhiều người đã chặt điều, cao su để trồng tiêu. Do đó, trước năm 2010, diện tích cây tiêu ở Lộc Ninh chỉ khoảng 3.500 ha, thì nay lên đến 4.500 ha, trong đó khoảng 3.300 ha đang cho thu hoạch. Tuy nhiên, thực tế diện tích hồ tiêu của huyện có thể vượt cao hơn bởi người dân tự chuyển đổi cây trồng hằng năm nhưng cơ quan chức năng chưa thống kê được.

Khi tham gia hợp tác xã kiểu mới, người trồng tiêu được doanh nghiệp bảo trợ giá - Trong ảnh: Nông dân thu hoạch tiêu ở xã Lộc An

Ông Lê Khắc Phú, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Lộc Ninh cho biết: “Lộc Ninh là địa bàn trồng tiêu có truyền thống. Cây tiêu ở Lộc Ninh chiếm khoảng 50% diện tích tiêu toàn tỉnh. Để xây dựng thương hiệu và quảng bá hình ảnh hồ tiêu của huyện, năm 2013 Hội Nông dân Lộc Ninh đã gửi hồ sơ đăng ký nhãn hiệu tập thể “Hồ tiêu Lộc Ninh - Bình Phước” đến Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đề nghị công nhận. Hội cũng đã thành lập Ban vận động và trực tiếp khảo sát, gặp gỡ 16 hộ trồng tiêu giỏi để đưa vào danh sách ban đầu đăng ký sử dụng nhãn hiệu “Hồ tiêu Lộc Ninh”. Đến năm 2014, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể “Hồ tiêu Lộc Ninh - Bình Phước” cho Hội Nông dân huyện Lộc Ninh. Sản phẩm tiêu Lộc Ninh được cấp nhãn hiệu tập thể đã góp phần nâng cao giá trị, danh tiếng cho sản phẩm; cải thiện chất lượng nông sản và thu nhập của nông dân; giúp việc xúc tiến thương mại hiệu quả hơn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương; bảo tồn các giống tiêu truyền thống có chất lượng và đặc trưng riêng của huyện, tạo thế đứng bền vững cho hồ tiêu Lộc Ninh - Bình Phước trong nước cũng như trên thị trường thế giới.

Tuy nhiên, từ khi có nhãn hiệu, Lộc Ninh vẫn chưa có doanh nghiệp thu mua hạt tiêu để chế biến và xuất khẩu ra thế giới với thương hiệu hồ tiêu Lộc Ninh. Do đó, xây dựng nhãn hiệu hồ tiêu vẫn chưa đem lại nguồn lợi thực sự cho nông dân. Gần đây, Tỉnh ủy đã chỉ đạo Huyện ủy Lộc Ninh thành lập Ban chỉ đạo phát triển kinh tế hợp tác xã (HTX) do Bí thư Huyện ủy làm trưởng ban. Ban có nhiệm vụ xây dựng các HTX sản xuất sạch, bền vững, giúp nhà nông bán nông sản giá ổn định. Từ khi thành lập đến nay, ban đã thành lập được 2 HTX kiểu mới về trồng tiêu sạch và đang hoàn thiện hồ sơ để thành lập 2 HTX khác. Lộc Ninh đang tiến tới thành lập liên minh HTX để được hỗ trợ các nguồn vốn từ Trung ương.

Khi tham gia vào hợp tác xã kiểu mới, người trồng tiêu được doanh nghiệp bảo trợ giá

Khi tham gia các HTX kiểu mới, nông dân được hướng dẫn sản xuất tiêu sạch bền vững và hỗ trợ đầu ra sản phẩm. Ngoài ra, trong quá trình sản xuất, các thành viên HTX được chuyển giao khoa học - kỹ thuật, vay vốn ưu đãi, mua phân vi sinh trả chậm... Đến nay, huyện đã liên kết được với doanh nghiệp nước ngoài bao tiêu hồ tiêu cho nông dân trong các HTX. Tuy nhiên, để bán được hồ tiêu cho doanh nghiệp nước ngoài, các thành viên HTX trồng hồ tiêu theo 107 tiêu chí nhỏ và 11 nguyên tắc trong quy trình sản xuất. Ông Trần Thiện Tường, Giám đốc HTX Quyết Chí (xã Lộc Thuận) cho biết: “Từ khi tham gia HTX kiểu mới, nông dân được tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật vào chăm sóc theo hướng sinh học nên cây tiêu phát triển ổn định, ít bị sâu bệnh. Người dân cũng không phải lo tình trạng được giá mất mùa, được mùa mất giá như những năm trước”.

 Ngoài HTX sản xuất tiêu sạch, huyện Lộc Ninh cũng đang xây dựng các vùng chuyên trồng bưởi da xanh, bơ sáp. Đây là 2 loại cây trồng phù hợp đất đai, khí hậu của Lộc Ninh. Mặc dù đang trong giai đoạn triển khai nhưng đã có doanh nghiệp đến từ Nhật Bản cam kết nếu có đủ vùng nguyên liệu 1.000 ha bưởi và bơ thì họ sẽ về Lộc Ninh xây dựng nhà máy để bao tiêu sản phẩm cho nông dân.

Sau 45 năm giải phóng, Lộc Ninh đã có bước tiến vượt bậc, đặc biệt phát triển kinh tế về nhiều mặt, góp phần giảm nghèo bền vững cho một bộ phận nhân dân. Đến nay, huyện Lộc Ninh đã có định hướng phát triển kinh tế mới cho nông dân, đây là mô hình hứa hẹn một bức tranh kinh tế tươi sáng ở vùng nông thôn của huyện biên giới Lộc Ninh.

Nhất Sơn

  • Từ khóa
1335

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu