Thứ 5, 28/03/2024 19:44:56 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 06:40, 02/06/2013 GMT+7

Cấm hút thuốc lá trong đồng bào DTTS - chuyện không dễ

Chủ nhật, 02/06/2013 | 06:40:00 367 lượt xem

Theo thói quen từ lâu, đồng bào đều hút thuốc rê và hút ở bất kỳ thời điểm, địa điểm nào. Không chỉ đàn ông mà phụ nữ Xêtiêng cũng hút thuốc từ khi còn nhỏ. Với họ, bỏ thuốc còn khó hơn nhịn ăn.

Luật Phòng chống tác hại thuốc lá chính thức có hiệu lực từ ngày 1-5-2013 nhưng theo tìm hiểu của chúng tôi, hầu hết đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh nói chung và người Xêtiêng nói riêng chưa biết đến. Theo thói quen từ lâu, đồng bào đều hút thuốc rê và hút ở bất kỳ thời điểm, địa điểm nào. Không chỉ đàn ông mà phụ nữ Xêtiêng cũng hút thuốc từ khi còn nhỏ. Với họ, bỏ thuốc còn khó hơn nhịn ăn.

NỮ HÚT THUỐC NHIỀU HƠN NAM

Chúng tôi vào nhà bà Thị Roi đã ngoài 70, ở thôn Thống Nhất, xã Đắk Nhau (Bù Đăng) khi bà đang nấu cơm chiều.

DTTS hut thuoc
Hút thuốc đã trở thành thói quen lâu đời của đồng bào dân tộc thiểu số

Cách ăn mặc của bà mang đậm sắc thái người Xêtiêng, đôi tai đeo vòng đã chảy dài gần chạm vai. Ngồi bên bếp, bà không quên mồi điếu thuốc. Bà nói không thể nhớ mình hút thuốc từ khi nào. Đáp lại sự tò mò của chúng tôi, bà Roi khẳng định: “Cả thôn này ai cũng hút. Giờ mà thiếu thuốc là không chịu nổi đâu”. Khi được hỏi, nếu bắt buộc thì bà có bỏ thuốc không?, bà lắc đầu ngượng nghịu: “Chịu thôi!”.

Chúng tôi đến nhà ông Da Re ở thôn Đăng Lang, xã Đắk Nhau đúng lúc ông đang ngồi uống rượu với vài người bạn. Bên chiếu nhậu, khói thuốc bay mù mịt. Mấy phụ nữ xung quanh cũng nhả khói liên tục. Đám trẻ con chơi ở sân, lâu lâu có đứa nhỏ sà vào lòng mẹ hít theo những khói thuốc còn vương vấn trong không gian.

Gây chú ý nhất là chị Thị Căn ở thôn Đắk Xuyên. Đang ôm đứa bé chừng 2 tuổi ngang hông nhưng trên tay chị Căn không rời điếu thuốc lá cháy dở. Khói thuốc bay lởn vởn trước mặt đứa trẻ. Chúng tôi hỏi: “Hút thuốc không sợ ảnh hưởng tới sức khỏe em bé à?”. Chị cười bẽn lẽn: “Ở trong bụng nó đã ngửi khói thuốc rồi có sao đâu. Ngày xưa, mẹ cũng hút như vậy mà tôi vẫn khỏe mạnh đấy thôi. Ở đây, già trẻ đều hút thuốc. Tôi hút từ khi còn nhỏ, giờ quen rồi, không hút làm sao chịu được”.

KHÓ CHỜ VÀO Ý THỨC NGƯỜI DÂN

Theo lời chị Căn, trước đây đồng bào Xêtiêng rất hay đốt lửa đêm ngồi quây quần bên nhau, nhất là sau mỗi mùa rẫy. Khuya về, bên bếp lửa bập bùng, hút thuốc lá sẽ thấy ấm bụng hơn. Người Xêtiêng đã quá quen với khói thuốc, đến giờ họ vẫn chưa có khái niệm về hút thuốc lá có hại cho sức khỏe và lại càng không nghĩ đến việc bỏ thuốc. Ở thôn Đắk Xuyên, nếu người Xêtiêng nào trưởng thành mà không hút mới là chuyện lạ. Bà Thị Đôi ở thôn Đắk Khâu, xã Phú Văn (Bù Gia Mập) cho rằng “Lớp trẻ giờ hút thuốc còn nhiều hơn”.

Bà Trần Ngọc Điệp, Phó trưởng Phòng dân tộc huyện Hớn Quản cho biết: “Khi cán bộ làm công tác dân tộc ở huyện đến vận động đồng bào bỏ thuốc thì nhiều người nói, thuốc của tôi thì tôi hút, sao lại cấm?”.

Thấy nhà chị Căn có người lạ, mấy chị hàng xóm sang chơi. Trong khi chúng tôi tranh thủ tuyên truyền với các chị về sự độc hại của thuốc lá ảnh hưởng tới người hút ra sao, người hít khói thuốc sẽ thế nào thì các chị lại truyền tay gói thuốc. Thị Căn châm lửa rồi đưa cho Thị Geo một điếu Bastos trước khi phân trần: “Mình đã hút bao lâu nay rồi, không bỏ được”. Nói rồi các chị nhìn nhau cười vui vẻ. Với mỗi người dân Xêtiêng hiện nay, họ không nghĩ thuốc lá có hại và cần phải bỏ. Vì vậy, sẽ là không hiệu quả nếu trông chờ vào sự thay đổi hành vi khi Luật Phòng chống thuốc lá có hiệu lực.

CẦN KIÊN TRÌ TUYÊN TRUYỀN

Từ ngày 1-5-2013, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá chính thức có hiệu lực nhằm hạn chế tối đa việc tiếp xúc khói thuốc cho cộng đồng, trong đó quy định cụ thể các hành vi, hoạt động liên quan đến thuốc lá sẽ bị nghiêm cấm và bị xử phạt theo luật như: Nghiêm cấm người chưa đủ 18 tuổi sử dụng, mua, bán thuốc lá; sử dụng người chưa đủ 18 tuổi mua, bán thuốc lá; bán, cung cấp thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi. Cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà và trong phạm vi khuôn viên gồm cơ sở y tế, giáo dục...

Từ xưa tới nay, đồng bào dân tộc thiểu số từng có nhiều hủ tục phải kiên trì tuyên truyền mới xóa bỏ được. Nếu coi hút thuốc là hủ tục cần bài trừ thì phải làm tốt công tác tuyên truyền, vận động. Đặc biệt, già làng, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số đứng ra tuyên truyền thì mới tác động mạnh đến tư tưởng người dân. Bởi họ chính là cầu nối hiệu quả nhất trong thực hiện công tác tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, giữ gìn bản sắc văn hóa tại địa phương. Có cách làm phù hợp với từng dân tộc, từng địa bàn, theo kiểu “mưa dầm thấm lâu” thì sẽ nhận được sự đồng thuận của người dân. Ông Điểu Ba Lế, Già làng thôn Đắk Khâu, xã Phú Văn, cho biết: “Làm sao để nâng cao nhận thức, giúp đồng bào hiểu được tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe từ chính những người có uy tín trong khu dân cư mới làm chuyển biến được hành động của họ.

Ông Điểu Rây ở thôn Thống Nhất chia sẻ: “Vì tôi tham gia cách mạng từ rất sớm, sống theo lối của người Kinh nên cũng hiểu đôi chút về tác hại của thuốc lá. Nhưng biết vậy thôi chứ không hút là thấy khó chịu”. Ông nhận định, ở vùng đất này, đồng bào truyền đời hút thuốc. Giờ Nhà nước cấm hút thuốc thì phải dựa vào người có uy tín mới tác động đến đồng bào được.

Quả thật, để thay đổi một thói quen đã ăn sâu trong sinh hoạt hằng ngày của đồng bào dân tộc thiểu số thì công tác thông tin, tuyên truyền phòng, chống tác hại của thuốc lá không hề dễ. Tuy nhiên, vì chất lượng cuộc sống và sức khỏe của thế hệ hôm nay và mai sau, khó cũng phải làm.

 N.T

  • Từ khóa
45272

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu