Thứ 7, 20/04/2024 20:36:03 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 10:23, 22/10/2018 GMT+7

PHÒNG, CHỐNG “TỰ DIỄN BIẾN”, “TỰ CHUYỂN HÓA”

Loại trừ thói xu nịnh là góp phần làm lành mạnh văn hóa công quyền

Nguồn QĐND
Thứ 2, 22/10/2018 | 10:23:00 840 lượt xem
BPO - Những vấn đề đặt ra trong bài viết “Không làm ngơ trước biểu hiện suy thoái “thích được đề cao, ca ngợi” đăng trên Báo Quân đội nhân dân ngày 11-10-2018 nhận được sự quan tâm của nhiều bạn đọc. Với mong muốn có cái nhìn sâu sắc hơn về biểu hiện suy thoái đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, tòa soạn trích đăng một số ý kiến nói về nguyên nhân, tác hại và giải pháp phòng ngừa, loại trừ bệnh "thích được đề cao, ca ngợi" đang làm mọt ruỗng đạo đức, văn hóa công quyền.

GS, TS Đinh Xuân Dũng, nguyên Phó chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình Văn học, nghệ thuật Trung ương:

Đừng cố "ra oai" khiến cấp dưới phải nể sợ và… xu nịnh

Có một thực tế rất đáng cảnh báo ở nhiều nơi trong bộ máy công quyền của nước ta là việc nịnh nọt, khen ngợi cấp trên đang có xu hướng gia tăng. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là một bộ phận cán bộ lãnh đạo tự ý biến quyền hạn Nhà nước, tổ chức, tập thể ủy quyền, giao cho thành quyền lực cá nhân, từ đó sinh ra biểu hiện lạm quyền, thậm chí lộng quyền, độc đoán chuyên quyền khiến cấp dưới phải nể sợ. Từ tâm lý nể sợ, nhiều người là cấp dưới cứ mỗi khi gặp gỡ, trò chuyện, báo cáo với cán bộ lãnh đạo thì luôn chú ý dùng từ ngữ mềm mỏng, khôn khéo để nói những lời đường mật “lấy lòng” cấp trên. Nghe nhiều lời khen dần thành quen, thậm chí thành “nghiện”, nên mỗi khi cấp dưới có lời phê bình thì cấp trên tỏ ý không hài lòng, từ đó nảy sinh tâm lý thành kiến gây “khó dễ” cho cấp dưới. Thật đáng buồn là ở không ít cơ quan, tổ chức, đơn vị hiện nay đã râm ran câu cửa miệng: “Với “sếp” có hai điều phải học thuộc lòng: Điều 1- “Sếp” luôn luôn đúng; điều 2- Nếu “sếp” sai thì quay lại... điều 1” (!). Câu này không chỉ phần nào phản ánh tình trạng mất dân chủ đang diễn ra ở nhiều nơi, mà còn nói lên tâm lý cấp dưới thích tung hô, tâng bốc cấp trên như một trào lưu… bất thành văn!

Muốn phòng, chống, khắc phục căn bệnh ưa xu nịnh, thích được đề cao, ca ngợi, theo tôi, ngoài việc thực hành dân chủ rộng rãi trong các tổ chức, cơ quan, đơn vị, vấn đề mấu chốt là bản thân mỗi cán bộ lãnh đạo các cấp phải nhận thức sâu sắc và thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được phân công, chứ không được lạm dụng, lợi dụng chức vụ thành quyền lực cá nhân nhằm thu vén cho bản thân cả về lợi ích vật chất lẫn lợi ích tinh thần.

PGS, TS Nguyễn Thị Phương Hoa, Vụ trưởng Vụ Lý luận chính trị (Ban Tuyên giáo Trung ương):

Đề cao lòng tự trọng, giữ gìn tình thương yêu đồng chí, đồng đội

Nói về nhân cách chân chính của con người nói chung, của cán bộ, đảng viên nói riêng, không thể không nói đến lòng tự trọng của họ. Vì lòng tự trọng là khởi nguồn, là xuất phát điểm để con người biết ứng xử đúng mực và trân trọng những cái hay, cái đẹp trong cuộc sống; đồng thời biết phòng ngừa, tránh xa những cái dở, cái xấu, trong đó có biểu hiện ưa xu nịnh, thích ca ngợi nhau không đúng lúc, đúng chỗ.

Trong tâm lý con người, hầu như ai cũng muốn được người khác biểu dương, khen ngợi khi đạt được tiến bộ, thành tích nào đó. Đó là điều bình thường. Nhưng lại có người ham mê đến mức chỉ muốn người khác lúc nào cũng vuốt ve, tung hô mình thì thực chất là một trong những biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống mà Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII đã nêu ra. Theo tôi, muốn phòng, chống, đẩy lùi biểu hiện suy thoái này, mỗi cán bộ, đảng viên cần có lòng tự tôn đúng mực và giàu lòng tự trọng. Có lòng tự tôn đúng mực, cán bộ, đảng viên luôn tự cảm nhận, đánh giá đúng mình để phát huy ưu điểm, mặt mạnh của cá nhân và từng bước hạn chế, khắc phục những nhược điểm của bản thân để không ngừng hoàn thiện giá trị nhân cách, qua đó luôn tự tin với chính mình. Còn lòng tự trọng của cán bộ, đảng viên là biết coi trọng, giữ gìn phẩm chất, danh dự của mình, trung thực với những gì mình có, không sa đà vào thói xu nịnh cấp trên và những cán bộ có chức quyền cũng sẽ tránh được “cạm bẫy” nịnh bợ từ nhân viên, cấp dưới. Căn cơ hơn, muốn triệt tiêu được thói xu nịnh trong mỗi tổ chức, cơ quan, đơn vị đòi hỏi mọi người cần chú trọng giải quyết các mối quan hệ, ứng xử với nhau trên tinh thần thương yêu đồng chí, đồng đội; từng bước xóa bỏ khoảng cách không cần thiết giữa cấp trên và cấp dưới.

Nhà văn Đỗ Hàn, Phó giám đốc Nhà xuất bản Hội Nhà văn:

Chăm lo xây dựng môi trường văn hóa công vụ lành mạnh

Trong bộ máy công quyền hiện nay, việc cấp dưới phải xu nịnh cấp trên và cấp trên thích được đề cao, ca ngợi như bài báo “Không làm ngơ trước biểu hiện suy thoái “thích được đề cao, ca ngợi” đăng trên Báo Quân đội nhân dân đã nêu ra, theo tôi nghĩ có nhiều nguyên nhân, đó là: Có những cá nhân chưa thoát khỏi tư duy, suy nghĩ phong kiến thời xưa là nể người có tiền và sợ người có quyền; có nơi môi trường làm việc thiếu minh bạch, thiếu sức cạnh tranh chuyên môn nên không chọn người tài mà lại chọn người biết “rót mật vào tai” cấp trên; còn có những cơ chế và nền tảng pháp luật chưa đủ mạnh để kìm hãm hành vi xu nịnh…

Căn bệnh xu nịnh xuất phát từ việc người ta không được sống thật với suy nghĩ của mình. Như vậy, để phòng, chống căn bệnh này một cách căn cơ cần tạo môi trường dân chủ, nhân văn, từ đó họ không còn phải dùng chiêu trò “đường miệng” để tiến thân trong “quan lộ” nữa. Triệt tiêu thói xu nịnh là việc khó, nhưng cần phải ngăn ngừa, hạn chế để góp phần làm lành mạnh văn hóa, đạo đức công vụ. Một khi văn hóa công quyền xem trọng việc chuyên môn nghiệp vụ, đặt lợi ích tập thể lên trên hết, tránh duy tình, cảm tính thì những kẻ cơ hội, thực dụng, gian thần sẽ khó có “đất” để tồn tại.

PGS, TS Lê Quý Đức, nguyên Phó viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh):

Tạo dư luận xã hội tích cực để phê phán, đẩy lùi thói nịnh bợ

Hành vi ứng xử trong mối quan hệ giữa con người với con người là biểu hiện nhân cách của mỗi cá nhân. Tuy nhiên, trong thực tế không phải mối quan hệ nào cũng có cách ứng xử văn hóa, mà từ xưa đến nay còn tồn tại thói xu nịnh trong nhiều mối quan hệ, nhất là giữa cấp dưới và cấp trên.

Ngôn ngữ “nịnh” trong tiếng Việt vô cùng phong phú và con người cũng có nhiều cách để thể hiện sự nịnh nọt nhằm mục đích cầu lợi cá nhân. Mặc dù là một thói xấu nhưng nó đã được hình thành như một thói quen, một yếu tố thuộc về văn hóa truyền thống trong xã hội phong kiến trước đây. Đáng lẽ, trong xã hội hiện đại-xã hội chủ nghĩa, mối quan hệ đồng chí với đồng chí là nhân ái, thân tình thì thói xấu này phải dần mất đi, dần bị loại bỏ. Thế nhưng, xã hội càng phát triển thì những biểu hiện, hành vi xu nịnh lại càng biến tướng dưới muôn hình vạn vẻ và có xu hướng lan rộng.

Xu nịnh, bợ đỡ đã bị phê phán rất nhiều trong văn chương nghệ thuật. Nhiều vở kịch đã dựng lên hình tượng những kẻ gian thần nịnh bợ vô cùng xấu xa nhằm tạo sự đồng thuận của dư luận xã hội lên án, đẩy lùi thói xấu này. Ngày nay trong xã hội hiện đại, muốn thói xu nịnh dần mất đi, cần phải phát huy, mở rộng dân chủ trong hệ thống chính trị; giáo dục bồi đắp nâng cao vai trò, trách nhiệm đạo đức công vụ, đạo đức cách mạng cho mọi cán bộ, công chức, viên chức. Mỗi cán bộ, đảng viên không ngừng tu dưỡng, rèn luyện nâng cao bản lĩnh, đức độ và tài năng của mình để người khác tôn trọng, vị nể một cách thực chất, chứ không phải tỏ ra là "người quan trọng" bằng phô trương quyền lực khiến người khác phải xu nịnh. Bên cạnh đó, báo chí cần tích cực lên tiếng, đẩy mạnh tuyên truyền việc đấu tranh đẩy lùi, loại trừ thói nịnh bợ. Các nhà khoa học chính trị cần chú trọng nghiên cứu, phân tích hiện tượng, thói xấu này có ảnh hưởng thế nào đến sự phát triển văn minh của xã hội, qua đó đưa ra những giải pháp khả thi, hữu hiệu để phòng ngừa căn bệnh này trong bộ máy công quyền.  

Thượng tá, ThS Nguyễn Văn Thi, giảng viên Khoa CTĐ, CTCT (Học viện Chính trị):

Chú trọng giáo dục liêm sỉ cho cán bộ, đảng viên

Để góp phần phòng, chống biểu hiện suy thoái “thích được đề cao, ca ngợi” trong một bộ phận quan chức hiện nay, tôi cho rằng cần coi trọng hơn nữa việc giáo dục tinh thần coi trọng liêm sỉ của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ có chức quyền. Trong xã hội phong kiến trước đây, từng có vương triều đã yêu cầu các quan lại phải giữ bốn đức tính của bậc quân tử quang minh chính đại là “lễ, nghĩa, liêm, sỉ”. Liêm sỉ là đức tính của người trong sạch và biết tránh những điều làm cho mình phải xấu hổ. Đối với quan chức thời nay, biết xấu hổ trước những lời lẽ không phải, không đúng, không phù hợp mà người khác khen mình, ca tụng mình cũng là một cách giữ gìn phẩm chất đạo đức của người cách mạng.

Việc đấu tranh phòng, chống bệnh “thích được đề cao ca ngợi” suy cho cùng là cuộc “đấu tranh nội tâm” trong mỗi con người, nhất là đối với những cán bộ lãnh đạo. Khi được giao những chức vụ, quyền hạn nhất định, cán bộ lãnh đạo đương nhiên có ưu thế hơn những người cấp dưới của mình về nhiều mặt, từ ưu thế đó mà cán bộ dễ được người trong tổ chức, cơ quan, đơn vị “tiền hô hậu ủng”. Nhưng để tránh ảo tưởng quyền lực, tự thân mỗi cán bộ phải luôn nghiêm khắc với bản thân, thường xuyên tỉnh táo, sáng suốt để không bị mê hoặc, quyến rũ bởi những lời lẽ vuốt ve, ngợi ca mình không đúng mực, đúng lúc, đúng chỗ của người khác; đồng thời cần tạo môi trường giao tiếp, ứng xử lành mạnh để mọi người trong tập thể được bày tỏ chính kiến, lập trường đúng đắn của mình.

  • Từ khóa
2808

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu