Thứ 5, 28/03/2024 18:46:30 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 10:26, 04/06/2016 GMT+7

Lộ trình hợp lý

Thứ 7, 04/06/2016 | 10:26:00 90 lượt xem

BP - Mùa tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng năm 2016 đang được dư luận đặc biệt quan tâm. Bởi việc tuyển sinh tại các cơ sở giáo dục đại học sẽ được thực hiện theo Thông tư số 32/2015/TT-BGDĐT ngày 16-12-2015, của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh hệ cao đẳng trong các trường đại học.

Theo đó, từ mùa tuyển sinh năm 2016, các cơ sở giáo dục đại học có chương trình đào tạo cao đẳng phải giảm chỉ tiêu ở hệ này ít nhất 30% mỗi năm so với năm 2015. Việc giảm chỉ tiêu tuyển sinh nhằm mục đích không tuyển sinh đào tạo hệ cao đẳng tại các trường đại học trước năm 2020. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 1-2-2016. Việc thực hiện Thông tư số 32 là để các cơ sở giáo dục đại học tập trung nguồn lực nâng cao chất lượng đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ và tiến sĩ trong mỗi cơ sở. Thông tư không quy định dừng tuyển sinh và đào tạo cao đẳng nói chung, mà chỉ dừng trong các trường đại học. Và cũng là căn cứ để bộ dừng việc tuyển sinh hệ cao đẳng trước năm 2020, dừng tuyển sinh trung cấp trước năm 2017.

Thời gian qua, tình trạng tuyển sinh vào các hệ cao đẳng, trung học chuyên nghiệp tại các cơ sở giáo dục hết sức bát nháo. Bởi, cả nước hiện có khoảng 140 trường đại học, cơ sở giáo dục có chức năng tuyển sinh đào tạo trình độ cao đẳng. Ngoài ra, còn có hàng trăm trường cao đẳng và trung học chuyên nghiệp đều tuyển sinh. Do vậy, nhiều trường, cơ sở giáo dục không tuyển được sinh viên vào học các hệ dẫn tới tình trạng đua tranh không lành mạnh. Đặc biệt, các trường đại học có đào tạo hệ cao đẳng luôn lấn át các trường cao đẳng trong cùng nhóm ngành nghề nên các trường này không đủ người học. Hơn nữa, việc đào tạo ngành, nghề không đáp ứng được nhu cầu sử dụng của xã hội, nhu cầu phát triển kinh tế của đất nước và của từng địa phương. Bên cạnh đó, có không ít trường đào tạo chưa đúng với chất lượng đăng ký dẫn tới nguồn cung người tốt nghiệp vượt quá nhu cầu đào tạo, sinh viên tốt nghiệp cao đẳng không có việc làm hoặc không làm được việc. Từ đó, xảy ra tình trạng  mất cân đối về cơ cấu ngành, nghề và trình độ đã đào tạo. Ngoài ra, tình hình trên còn gây áp lực, gia tăng tình trạng học liên thông, đào tạo từ xa, tại chức... làm cho bức tranh và chất lượng giáo dục sau phổ thông trung học ở nước ta thêm ảm đạm.

Vì vậy, việc thực hiện Thông tư số 32 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường đại học có hệ cao đẳng sẽ giảm chỉ tiêu tuyển sinh cho hệ này. Qua đó, các trường cao đẳng sẽ có điều kiện tuyển sinh theo đúng lộ trình với cơ sở đào tạo của mình. Các trường đại học sẽ tập trung các nguồn lực cơ sở vật chất, giáo viên vào nhiệm vụ chính là đào tạo trình độ đại học và sau đại học, nâng cao chất lượng đào tạo. Đồng thời, bộ còn giao quyền tự chủ cho cơ sở giáo dục đại học trong việc xác định và thực hiện chỉ tiêu tuyển sinh hằng năm. Bảo đảm công khai, minh bạch trong việc xác định và thông báo chỉ tiêu tuyển sinh hằng năm. Cân đối quy mô đào tạo giữa các ngành nghề phù hợp với nhu cầu xã hội... Như vậy, Thông tư số 32 đã tạo ra một lộ trình hợp lý cho cả hệ thống giáo dục - đào tạo sau phổ thông trung học và sau đại học ở nước ta.

 Tấn Phong

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu