Thứ 4, 24/04/2024 17:16:01 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 09:12, 14/12/2018 GMT+7

Lo tín dụng “đen” cuối năm

Thứ 6, 14/12/2018 | 09:12:00 119 lượt xem

BP - Thời điểm cuối năm, nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng mạnh. Đây là điều kiện thuận lợi để tín dụng “đen” bùng phát khắp nơi. Từ các ngõ xóm đến khu công nghiệp; từ thành thị đến thôn, ấp... đều dễ dàng nhìn thấy tờ rơi công khai mời chào vay vốn được dán trên cột điện, tường nhà... Nhiều cơ sở kinh doanh tài chính “ma” hoạt động núp dưới hình thức cầm đồ, hỗ trợ tài chính nhưng lãi suất “cắt cổ” cũng có dịp bành trướng thời gian này...

Người tìm đến tín dụng đen vì có nhu cầu tiêu dùng cuối năm lớn hoặc cần vốn buôn bán tết nhưng không tiếp cận được vốn vay ngân hàng. Vì vậy, dù lãi suất cao gấp nhiều lần so với ngân hàng thì thị trường tín dụng đen vẫn có lượng khách hàng đông đảo. Với thủ tục đơn giản, nhanh chóng, chỉ cần có chứng minh nhân dân, bằng lái xe hoặc sổ hộ khẩu photo là người vay có thể sở hữu số tiền mình mong muốn. Không thể phủ nhận lợi ích của dịch vụ tín dụng tự phát trong việc đáp ứng nhu cầu vốn cho một bộ phận người dân. Nhưng dịch vụ này lại là một trong những nguyên nhân dẫn đến hậu quả gây bất ổn xã hội, biểu hiện từ hành vi: xiết nợ, đòi nợ thuê, cố ý gây thương tích, cướp, cưỡng đoạt tài sản, bắt giữ người trái pháp luật... làm mất uy tín, danh dự của nhiều người, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình an ninh trật tự.

Theo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu thuộc Bộ Công an, năm 2017, cả nước xảy ra gần 300 vụ lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản liên quan đến tín dụng đen. Những tháng cuối năm 2018, liên tục xảy ra các vụ án giết người, cố ý gây thương tích hay cưỡng đoạt tài sản bắt nguồn từ tranh chấp nợ nần tín dụng đen. Nhiều trường hợp người cho vay và cả người vay đã biến mình thành nạn nhân hoặc tội phạm khi sử dụng bạo lực để giải quyết tranh chấp tiền bạc. Điển hình như vụ tín dụng đen ở Thanh Hóa núp bóng “Tập đoàn Nam Long” có quy mô 26 chi nhánh tại 63 tỉnh, thành phố, thường cho vay với lãi suất 300%/năm và có người đã bị chính 20 nhân viên tập đoàn đánh “dằn mặt” đến chết vì thu tiền về mà không giao nộp; vụ án Trần Đông Quốc (quê Đồng Nai) bị Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh tuyên phạt tử hình về tội giết người vì đã tước đi mạng sống của con nợ. Ở Đà Nẵng, vợ chồng Nguyễn Hùng Dũng và Lê Thị Phương Oanh đã giết chết chủ nợ khi không có khả năng thanh toán khoản vay 200 triệu đồng...

Qua các vụ phạm pháp được phát giác thời gian qua có thể thấy, hiện tất cả các tỉnh, thành phố trên cả nước đều có tổ chức tín dụng đen hoạt động. Công an TP. Hồ Chí Minh đã lên danh sách 600 đối tượng hoạt động cho vay nặng lãi; Đà Nẵng là trên 300 đối tượng. Ở Bình Phước chưa đưa ra con số thống kê cụ thể nhưng tờ rơi, tờ bướm ở khắp hang cùng ngõ hẻm đến trục quốc lộ, liên tỉnh... đủ “nói” lên số người hoạt động tín dụng đen cũng không ít.

Tín dụng đen là lĩnh vực rất nhạy cảm và phức tạp. Để phòng ngừa, ngoài lực lượng an ninh ở cơ sở cần nắm chắc các đối tượng có dấu hiệu cho vay nặng lãi để có đối sách quản lý thì mỗi người cần cân nhắc kỹ lưỡng khi vay nợ từ các loại hình dịch vụ này. Chính quyền, hội, đoàn thể cơ sở cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân đề cao cảnh giác để không tự chui đầu vào rọ vì tín dụng đen, đồng thời tích cực tham gia phát hiện, tố giác hành vi phạm tội.

An Nhiên

  • Từ khóa
109013

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu