Thứ 5, 25/04/2024 14:22:13 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 16:10, 05/04/2012 GMT+7

Vai trò của huyện Bù Đốp sau ngày giải phóng Lộc Ninh đến đại thắng mùa Xuân 1975

Thứ 5, 05/04/2012 | 16:10:00 2,307 lượt xem

Bù Đốp thời kỳ chống Mỹ là một quận của tỉnh Phước Long được chính quyền Ngô Đình Diệm thành lập năm 1956 và chính thức đổi thành Bố Đức ngày 19-5-1958 với 4 tổng: Phước Lễ, Bù Yam Phút, Bù Yu, Dag Huyt; quận lỵ đặt tại xã Phước Lục, tổng Phước Lễ. Mặc dù có vị trí địa lý xa trung tâm tỉnh lỵ Phước Long nhưng Bố Đức lại có vị trí chiến lược quan trọng cho cả ta và địch. Đối với địch, đây vừa là địa bàn tiếp giáp với biên giới Campuchia, vừa là cầu nối giữa tỉnh Phước Long và tỉnh Bình Long của chính quyền Sài Gòn. Đối với ta, Bù Đốp cũng là một cầu nối quan trọng giữa vùng trung tâm Lộc Ninh với những căn cứ cuối Trường Sơn (Bù Gia Mập, Đắk Nông...), là nơi có thể kết nối với hai đường Đông và Tây Trường Sơn.

Nhận định vai trò, vị trí của Bù Đốp nên ngay sau khi Lộc Ninh được giải phóng, quân ta tiếp tục tiến đánh Bù Đốp. 19 giờ cùng ngày, quân ta gồm Đại đội 1 (C1), Đại đội 2 (C2) của lực lượng địa phương K16 Bù Đốp và bộ đội phân khu 10 tiến vào làm chủ hoàn toàn quận Bố Đức. Địch hết sức chống cự và bỏ chạy về co cụm ở Phước Tín - Phước Long, lập ra chi khu Bố Đức gọi là Bố Đức lưu vong. Huyện Bù Đốp cũng chính thức được giải phóng.

Khác với Lộc Ninh, Bù Đốp sau ngày giải phóng có một vai trò hết sức quan trọng ở những lĩnh vực khác, đóng góp to lớn cho đại thắng mùa Xuân 1975. Bù Đốp là địa bàn tiếp giáp với vùng rừng nguyên sinh rộng lớn, có thể kết nối với các tuyến đường Trường Sơn (Đông và Tây) thuận lợi cho việc lập căn cứ, tập kết nhân lực, vật lực phục vụ cho cuộc kháng chiến chống Mỹ. Do đó, sau khi được giải phóng, Bù Đốp được chọn để lập một số căn cứ như: Căn cứ Trạm sửa chữa xe của Cục Hậu Cần, trạm trung chuyển khách từ miền Bắc vào Nam (còn gọi là bãi khách Đầu Cầu), các trạm quân y... Từ năm 1974, khi đường ống dẫn dầu từ miền Bắc được xây dựng vào đến Bù Gia Mập, Bù Đốp trở thành con đường vận tải chủ yếu để vận chuyển xăng dầu từ Bù Gia Mập về dự trữ tại Lộc Ninh qua đường 10, đường 14. Trong thời gian 2 năm, hàng triệu lít xăng dầu đã được vận chuyển an toàn từ Bù Gia Mập về Lộc Ninh, bảo đảm nguồn nhiên liệu cho các phương tiện cơ giới phục vụ chiến trường miền Nam. Cũng vào năm 1974, Bù Đốp là nơi đóng chân của một số cơ quan thuộc Tỉnh ủy Bình Phước, tạo thuận lợi cho công tác chỉ đạo, lãnh đạo phong trào ở địa phương. Địa điểm tập trung ở vùng Tân Tiến, Tân Thành và Thanh Hòa ngày nay.

Vai trò quan trọng khác của Bù Đốp là nơi tiếp nhận hàng chục ngàn người dân từ các địa phương khác về đây lánh nạn chiến tranh, ổn định cuộc sống. Đó là cộng đồng cư dân Việt từ Campuchia chạy trốn về định cư tại Bù Đốp từ những năm 1972 cho đến năm 1975, cư dân ở Bình Long tản cư lên sau chiến dịch Nguyễn Huệ, cư dân ở các nơi khác đến... Với số lượng cư dân khá lớn, chính quyền cách mạng và nhân dân địa phương đã hết lòng giúp đỡ, cấp phát lương thực, xây dựng nhà cửa, khám chữa bệnh và cấp phát thuốc để đồng bào tản cư có cuộc sống ổn định, an toàn. Qua đó cũng góp phần ổn định và bảo vệ vững chắc vùng đất mới giải phóng, tạo thêm vùng hậu phương rộng lớn, tạo niềm tin của nhân dân vào sự đúng đắn, chính nghĩa của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Ngày nay, hàng ngàn người dân tản cư thời đó vẫn còn sinh sống và bám trụ trên vùng đất mới để chung tay xây dựng quê hương Bù Đốp.

Có thể nói, Lộc Ninh là vùng căn cứ trọng điểm với những hoạt động nổi bật, chủ đạo trong việc tổ chức các hoạt động đấu tranh chính trị giữa ta và địch sau ngày giải phóng cho đến năm 1975. Đó là nơi trao trả tù binh, nơi đón tiếp các đoàn khách quốc tế, nơi đóng chân của Bộ Chỉ huy Miền và Bộ Chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh...Ngược lại, khác với Lộc Ninh, Bù Đốp là căn cứ hậu phương, âm thầm lặng lẽ đóng góp cho cách mạng trong điều kiện phù hợp với vai trò, vị thế của mình nhưng không kém phần quan trọng. Nói cách khác cùng với Lộc Ninh, Bù Đốp có vai trò không kém phần quan trọng trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước những năm cuối chiến tranh - từ năm 1972 cho đến ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Ngày nay, phát huy truyền thống cách mạng và lịch sử hào hùng, nhân dân Bù Đốp đang chung sức cùng với các ngành, các cấp xây dựng quê hương Bù Đốp ngày càng giàu mạnh.

Phạm Hữu Hiến

  • Từ khóa
4216

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu