Thứ 6, 19/04/2024 20:01:19 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 07:21, 26/05/2013 GMT+7

Linh động xây dựng nông thôn mới ở Lộc Ninh

Chủ nhật, 26/05/2013 | 07:21:00 144 lượt xem

Là huyện miền núi, biên giới thuần nông, vị trí địa lý không thuận lợi nên chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) ở Lộc Ninh gặp nhiều khó khăn. Với mục tiêu xây dựng NTM là từng bước nâng cao đời sống của người dân nên các xã đã linh động tháo gỡ khó khăn, hoàn thiện các mục tiêu của chương trình.

XUẤT PHÁT ĐIỂM THẤP

Sau 2 năm triển khai chương trình xây dựng NTM, đến hết tháng 3-2013, ngoài hai xã được chọn thí điểm là Lộc Hưng đạt 4/19 tiêu chí, Lộc Hiệp 6/19 tiêu chí; 13 xã còn lại chỉ có Lộc Thạnh đạt 3 tiêu chí, còn lại đạt 1-2 tiêu chí. Các xã đạt tiêu chí NTM ở Lộc Ninh thấp hơn nhiều so với các huyện khác trong tỉnh.

Khởi công nâng cấp đường do nhân dân ấp 3, xã Lộc Hưng đóng góp kinh phí

Ông Hoàng Nhật Tân, Phó chủ tịch UBND huyện cho rằng: Lộc Ninh là huyện biên giới, dù có Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư và được quy hoạch khu kinh tế cửa khẩu nhưng ở xa thành phố Hồ Chí Minh nên thu hút đầu tư gặp khó khăn. Đặc biệt, khủng hoảng kinh tế liên tiếp xảy ra, các dự án giao thông thuộc tuyến đường chính tiến độ chậm khiến thu hút đầu tư vào địa bàn huyện càng khó. Vì vậy, Lộc Ninh vẫn là huyện thuần nông, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ phát triển chậm, quy mô nhỏ lẻ so với mặt bằng chung của tỉnh. Do đó, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn theo hướng “ly nông” nhưng không “ly hương” khó thực hiện.

Lộc Ninh có mặt bằng dân trí không đồng đều, đa số đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống giáp biên giới. Lao động được đào tạo nghề chiếm tỷ lệ thấp. Thu nhập bình quân đầu người còn thấp so với mặt bằng chung của tỉnh.

Bên cạnh đó, năng lực cán bộ cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân về xây dựng NTM ở một số nơi còn trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Ngân sách nhà nước chưa đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển, nguồn vốn còn dàn trải, các ngành chức năng hướng dẫn chưa kịp thời. Nhiều văn bản cấp trung ương chưa nhất quán, thay đổi nhiều ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng NTM ở huyện.

Đến nay, 15/15 xã của huyện Lộc Ninh đã hoàn thành đề cương trình UBND huyện phê duyệt. Trong đó, 6/15 xã đã trình đề án ngành chức năng thẩm định các chỉ tiêu quy hoạch đến năm 2020; 9 xã còn lại đang chờ xem xét đề án.

LINH ĐỘNG LỒNG GHÉP CÁC CHƯƠNG TRÌNH

Kỷ niệm 40 năm ngày Giải phóng Lộc Ninh (7-4-1972 - 7-4-2012), huyện đã phát động đợt thi đua huy động nhân dân đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng, lồng ghép với chương trình NTM. Trong đợt phát động này, toàn huyện đã vận động được 286 ngày công lao động, sửa chữa xây dựng 2 cầu, bê tông hóa 8 sân hội trường ấp; sửa chữa và làm mới 3.500m đường liên thôn, 1.650m đường bê tông với tổng kinh phí hơn 1,7 tỷ đồng; xây dựng 26 căn nhà đại đoàn kết, với tổng trị giá 500 triệu đồng và tặng 56 sổ tiết kiệm cho gia đình chính sách.

2 xã điểm xây dựng NTM là Lộc Hưng, Lộc Hiệp đã linh động lồng ghép các chương trình tập trung nguồn vốn xây dựng những công trình trọng điểm.

Ông Nguyễn Văn Tước, Chủ tịch UBND xã Lộc Hiệp cho biết, đến nay doanh nghiệp đã đầu tư hơn 63 tỷ đồng xây dựng trung tâm thương mại; xây dựng công trình điện năng lượng mặt trời cho 45 hộ dân với tổng kinh phí 45 triệu đồng; vận động nhân dân đóng góp 312 triệu đồng xã hội hóa xây dựng trường THPT và 180 triệu đồng xây nhà đại đoàn kết.

Chủ tịch UBND xã Lộc Hưng - ông Lê Minh Thanh cho biết, tuy ở vị trí địa lý thuận lợi hơn các xã khác trong huyện nhưng Lộc Hưng có 50% đất sản xuất có phèn, đá bàn nên hiệu quả thấp, mùa khô nước sinh hoạt và tưới tiêu ở nhiều ấp thiếu. Theo đó, 960 triệu đồng vốn ưu đãi của Ngân hàng chính sách xã hội về chương trình nước sạch - vệ sinh môi trường và 105 triệu đồng của ngành y tế, xã đã xây dựng nhà vệ sinh cho 105 hộ nghèo, cận nghèo. Do nguồn vốn xây dựng NTM được cấp ít, xã ưu tiên chỉnh trang các công trình trọng điểm. Giao Hội nông dân phối hợp với các ấp vận động nhân dân làm đường. Qua đó đã sửa chữa, nâng cấp 3.551m đường, làm mới 2 cầu, lắp đặt 4 cống thoát nước với tổng kinh phí 110,1 triệu đồng và 159 ngày công lao động.

Từ nguồn vốn hỗ trợ sản xuất, 2 xã đã chọn các mô hình phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu, linh động ứng vật tư của doanh nghiệp để triển khai kịp mùa vụ. Hiện các mô hình chăm sóc vườn tiêu ở Lộc Hiệp; chăm sóc vườn điều, lúa, nuôi gà ở Lộc Hưng bước đầu có hiệu quả.

Theo ông Hoàng Nhật Tân, từ đánh giá hiệu quả của các mô hình hỗ trợ sản xuất ở 2 xã điểm, năm 2013, Lộc Ninh sẽ nhân rộng trong toàn huyện. Khắc phục khó khăn, UBND huyện chỉ đạo các xã chọn những nhóm chỉ tiêu, tiêu chí không cần nhiều kinh phí Nhà nước đầu tư theo phương châm “dễ làm trước, khó làm sau”. Đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về chương trình.

P.Hà

  • Từ khóa
45164

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu